Thứ Ba, ngày 13 tháng 5 năm 2025

Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu

Toàn cảnh phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 24/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Trình bày tờ trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo luật nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp…

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh nêu rõ, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành luật, tuy nhiên, đề nghị làm rõ một số nội dung như về cơ sở chính trị, đề nghị báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền do việc xử lý tài sản bảo đảm liên quan trực tiếp đến quyền tài sản của công dân; bổ sung kinh nghiệm quốc tế về quy định pháp luật trong xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để tham khảo, đề xuất giải pháp phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam...

Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng để tránh việc các tổ chức tín dụng dựa vào quyền thu giữ tài sản bảo đảm để nới lỏng điều kiện cho vay, thẩm định tín dụng, đề nghị 3 chính sách được đề xuất luật hóa chỉ áp dụng đối với khoản vay đúng quy định.

Đóng góp ý kiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm bày tỏ nhất trí với chủ trương phân cấp Ngân hàng nhà nước quyết định cho vay đặc biệt để đảm bảo linh hoạt, kịp thời trong hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, nội dung sửa đổi chưa quy định cơ chế kiểm soát, dẫn đến phải áp dụng tiêu chí chung, không tính đến yếu tố đặc thù, những khó khăn, rủi ro trong các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Do đó, đề nghị bổ sung nội dung về cơ chế kiểm soát thông qua Hội đồng thẩm định trước khi quyết định tiêu chí lĩnh vực cho vay đặc biệt, bổ sung các lĩnh vực ưu tiên cho vay đặc biệt, ưu tiên cho lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, dự đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng cần xem xét thấu đáo các phương án cơ cấu lại hệ thống tín dụng để đảm bảo tuân thủ các quy định về thẩm quyền, quyền tài sản, quyền công dân và các cơ sở chính trị. Với các vấn đề quan trọng, Chính phủ cần báo cáo và xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Cùng ngày, UBTVQH đã xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.

Tại phiên họp, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu rõ, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, chưa nên xem xét, ban hành nghị quyết vào thời điểm này. Bởi theo tờ trình của Chính phủ thì thời điểm 30/4/2025 là thời điểm lấy làm căn cứ để xác định các chỉ tiêu, định mức liên quan đến đơn vị hành chính quy định tại dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế, căn cứ vào các văn bản sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền thì việc sắp xếp lại bộ máy sẽ có nhiều thay đổi sau thời điểm 30/4/2025. Vì vậy, thời điểm xây dựng phương án về định mức phân bổ như tờ trình của Chính phủ là chưa phù hợp. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng ở thời điểm hiện nay chưa đủ điều kiện để UBTVQH xem xét thông qua nghị quyết này.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình

Tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ cập nhật tình hình mới rồi trình lại vào thời điểm thích hợp và cân nhắc thời hạn áp dụng của nghị quyết để bảo đảm tính ổn định, chủ động cho các địa phương trong việc xác định kinh phí chi thường xuyên, tránh tình trạng phải xây dựng hàng năm, không có kế hoạch lâu dài.

Cùng ngày, UBTVQH xem xét, thảo luận về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2024.

Trình bày báo cáo, đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, công tác điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2024 được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2024 theo báo cáo của bộ, ngành, địa phương là 64.014 tỷ đồng…

Nêu quan điểm thẩm tra, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh nhìn nhận khái quát, công tác THTK, CLP năm 2024 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được quan trọng trên nhiều lĩnh vực thì công tác THTK, CLP ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở còn nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí. Công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2024 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2025 và nhiều năm gần đây chưa thực sự sát thực tiễn, có sự chênh lệch khá lớn giữa số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 và dự toán. Tình trạng giải ngân chậm chưa được khắc phục triệt để; chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Góp ý về các báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, các báo cáo vẫn nêu khá mờ nhạt về khuyết điểm, không chỉ rõ những trường hợp lãng phí, địa chỉ trách nhiệm và phương hướng xử lý. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị tập trung tháo gỡ cho hàng loạt dự án đang gặp vướng mắc để nhanh chóng đưa vào sử dụng có hiệu quả, điển hình là 2 dự án bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2. Cùng với đó, cần rà soát tài sản công sử dụng không hiệu quả…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo