Thứ Năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024

Tạo lập không gian chính sách để TPHCM khơi thông các nguồn lực phát triển

Các đại biểu tham dự Hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 18/5, Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Thí điểm cơ chế, chính sách mới vượt trội tại TPHCM”. Chủ trì hội thảo có các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM; TS Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam; TS Bùi Ngọc Hiền, Trưởng Phòng Quản lý khoa học, thông tin, tư liệu - Học viện Cán bộ TPHCM.

Cần có cơ chế mới, vượt trội

Phát biểu đề dẫn Hội thảo,  PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10/8/2012, của Bộ Chính trị khóa XI, “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết để đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện. Hiện nay, TP vẫn tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là của ngõ quan trọng kết với khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, bên cạnh những thành quả đạt được, thực tiễn phát triển TP thời gian qua vẫn còn một số vấn đề chưa được hoàn thiện cần khắc phục. Trong đó, tiềm năng, lợi thế của TP chưa được khai thác tốt, kinh tế TP tăng trưởng chậm lại so với giai đoạn trước; vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước giảm sút... Cùng với đó hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội phát triển TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Kết luận số 21-KL/TW, ngày 24/10/2017, của Bộ Chính trị, “về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020” và Nghị quyết số 54/2017/QH14, ngày 24/11/2017 của Quốc hội, “về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM” sau 5 năm thực hiện, còn một số nội dung chưa thực hiện được, tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà phát biểu tại Hội thảo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định sự cần thiết, mang tính cấp bách của các cơ chế, chính sách mới vượt trội đối với sự phát triển bền vững của TPHCM trong bối cảnh phát triển mới, để TP phát huy một cách hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế; đón đầu, khai thác tốt các cơ hội để phát triển mạnh mẽ, giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm lan tỏa, tạo xung lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và cả nước. Từ đó, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung theo tinh thần “TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM”.

Theo PGS.TS Trần Ngọc Quang, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Công sản tại miền Trung – Tây Nguyên, TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn, nguồn động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, thời gian qua, nền kinh tế TPHCM bộc lộ một số hạn chế, khó khăn, như tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu nội ngành kinh tế còn chậm, các khu vực kinh tế gặp khó khăn trong quá trình cơ cấu lại; hiệu quả liên kết vùng chưa cao,... Do đó, cần có cơ chế mới, vượt trội phục vụ phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của nhân dân. PGS.TS Trần Ngọc Quang cho rằng với TPHCM, cần tiếp tục tạo điều kiện đầu tư cho giáo dục đào tạo, biến nơi này thành nơi đào tạo cung cấp nhân lực chất lượng cao. Cùng với đầu tư cho hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông cần xây dựng chính quyền đô thị thật sự hiệu quả.

Phân cấp, phân quyền mạnh hơn

Cũng tại Hội thảo, các ý kiến đã nêu bật những thành tựu TPHCM đã đạt được trong thời gian qua, trong đó có vai trò của Nghị quyết số 54/2017/QH14. Nhấn mạnh những thành tựu TP đã đạt được những năm qua và sự cần thiết có cơ chế chính sách đặc thù cho TP trong thời gian tới, đồng chí Huỳnh Thành Lập, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, việc thực hiện cơ chế chính sách đặc thù có cơ sở lý luận là Nghị quyết số 31; cơ sở thực tiễn là Nghị quyết số 54 của Quốc hội và cơ sở pháp lý là Nghị quyết số 76 của Quốc hội. TP cần có những bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị. Vì vậy, nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 cần kế thừa những ưu điểm của Nghị quyết số 54 và đòi hỏi có thêm những chính sách vượt trội để có bước đột phá mới. Cơ chế có tính đặc thù này không chỉ cho TPHCM mà cho cả khu vực, cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đồng chí Phạm Phương Thảo phát biểu tại Hội thảo Đồng chí Phạm Phương Thảo phát biểu tại Hội thảo

Các ý kiến cho rằng, để đảm bảo tính vượt trội trong nội hàm và tính khả thi của các cơ chế, chính sách trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trên thực tiễn, các cơ chế, chính sách cần hướng tới đảm bảo tính mở, dự liệu được các vấn đề trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các xung đột pháp lý, xung đột về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Cần xác lập cơ chế “ưu tiên” trong thực hiện các cơ chế, chính sách của nghị quyết mới nếu xảy ra các xung đột trên cũng như cài đặt giải pháp tháo gỡ, hóa giải các vấn đề trong tiến trình thực hiện. Theo TS Bùi Ngọc Hiền, Trưởng Phòng Quản lý khoa học, thông tin, tư liệu - Học viện Cán bộ TPHCM, quan trọng nhất của nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 hướng đến khung chính sách cho TP phát triển, khác với việc đi vào chi tiết từng cơ chế chính sách. Nghị quyết mới cần trao cho TPHCM nhiều quyền chủ động thí điểm hơn, đảm bảo tính mới vượt trội, góp phần khai thác tính năng động sáng tạo TP. Trong đó, trao cho TP chủ động thí điểm hoặc phối hợp với bộ, ngành thực hiện thí điểm, đề xuất thí điểm cơ chế chính sách mới. Cùng với đó là cần hướng nhóm chính sách để TP Thủ Đức phát triển đúng nghĩa một đô thị tương tác cao; phát triển kinh tế số. “Cần tạo lập không gian chính sách để TPHCM khơi thông các nguồn lực phát triển” – TS Bùi Ngọc Hiền nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Tấn Phát phát biểu tại Hội thảo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát phát biểu tại Hội thảo

Cũng về nội dung này, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho rằng, vướng mắc lớn nhất là thể chế, cơ chế chính sách. Hiện nay, có những quy định của pháp luật còn quá chồng chéo, vừa chung chung, vừa xung đột lẫn nhau. Trung ương phải tập trung xử lý vấn đề này. Làm sao phân cấp, phân quyền cho mạnh hơn, tạo điều kiện chủ động cho các địa phương nhiều hơn, tự chịu trách nhiêm cao hơn nữa. TP cần những cơ chế cơ vượt trội đưa vào nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54. Về lâu dài, căn cơ nên có Luật đô thị, thậm chí cần có Luật đô thị đặc biệt.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM đã cảm ơn sự quan tâm, nghiên cứu đầy tâm huyết, trách nhiệm với tinh thần khoa học của các đồng chí lãnh đạo; các chuyên gia, nhà khoa học đối với việc xây dựng các cơ chế, chính sách mới vượt trội để phát triển bền vững TPHCM. Đồng chí cho biết, sau Hội thảo, Học viện Cán bộ TP sẽ báo cáo với Thường trực Thành ủy và gửi đến các cơ quan có liên quan về kết quả Hội thảo cùng với các kiến nghị, đề xuất của Hội thảo đối với việc xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách mới vượt trội tại TP.

Ng. Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo