Thứ Sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024

Tăng cường phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất, đưa các Luật, Nghị quyết của Quốc hội vào thực tiễn cuộc sống

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chỉ chủ trì Hội nghị. (Ảnh: daibieunhandan.vn)

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 triển khai Luật, Nghị quyết của kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đến dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trần Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Cùng dự có các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước;…

Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, TP trong cả nước.

Tham dự tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chỉ tịch HĐND TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; Ngô Minh Châu, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Quán triệt các điểm mới, nội dung trọng tâm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 triển khai Luật, Nghị quyết của kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV được tổ chức để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện và các cơ quan của Quốc hội, các đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân giám sát, theo dõi, đánh giá việc thực hiện các Luật và Nghị quyết.

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, đảm bảo pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 27, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng như thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Hội nghị tập trung quán triệt các điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu của 9 Luật và 10 Nghị quyết, trong đó quy định những nội dung rất quan trọng về đất đai; nhà ở; kinh doanh bất động sản; viễn thông; các tổ chức tín dụng; một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; về căn cước; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; tài nguyên nước; thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư công trung hạn... nhằm giải quyết kịp thời một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn.

“Đây là những nội dung có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược lâu dài góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới” – đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Daibieunhandan.vn) Đồng chí Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Daibieunhandan.vn)

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trình bày báo cáo tóm tắt của Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024, đề ra 17 chỉ tiêu cụ thể về cải cách thủ tục hành chính các bộ, ngành, địa phương cần đạt được trong năm 2024. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 25/01/2024 ban bành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm trong năm 2024.

Chính phủ đang xem xét Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Quyết định bổ sung Phụ lục Danh mục và phân công cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV ban hành kèm theo Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM. Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, ban hành theo thẩm quyền kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết, trong đó xác định rõ những công việc phải thực hiện, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, tiến độ thực hiện và kết quả cần đạt được. Chú trọng tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả luật, pháp lệnh; tăng cường công tác giám sát, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện các sai phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; kịp thời phát hiện các vướng mắc, khó khăn, hạn chế trong các đạo luật, để kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, tăng cường quán triệt văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành luật, nghị quyết; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong thi hành pháp luật; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, không làm phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định; chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành luật, nghị quyết; đẩy mạnh việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết.

Đồng thời, quan tâm bố trí hợp lý các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, biên chế và các điều kiện cần thiết khác để triển khai thi hành luật, nghị quyết bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc triển khai thi hành luật, nghị quyết của các bộ, ngành, địa phương;...

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo