Các đại biểu tham dự hội nghị (Thanhuytphcm.vn) – Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024 của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM (Hội đồng Hiệu trưởng TP) tổ chức ngày 13/8, các đại biểu đã trao đổi cách nhiều, đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh phối hợp giữa các trường đại học với các sở ngành, thưc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế của các trường đại học trên địa bàn TP. Cùng với đó là nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao vai trò đóng góp của các trường đại học đối với sự phát triển TP.
Sớm có bộ dữ liệu về hợp tác quốc tế của các trường
Chia sẻ về phát triển y tế chuyên sâu của TPHCM, PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, ngoài mô hình viện trường, ngành y tế TP đã bắt đầu gắn kết nhiều trường đại học trên địa bàn TP. Trong đó có gắn kết với Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) nhằm nỗ lực xây dựng nền tảng bệnh án điện tử. Trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, Sở Y tế gắn kết Trường Đại học Sư phạm TP về tư vấn tâm lý. Cùng với đó là gắn kết với Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM). Cụ thể, Sở Y tế đã hình thành mô hình Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Bệnh viện 115, trong đó, các sản phẩm liên quan về y tế của Trường Đại học Quốc tế thử nghiệm tại trung tâm này để đánh giá hiệu quả trước khi đưa ra thị trường. “Việc gắn kết với các trường giúp ngành y tế TP mạnh lên rất nhiều” - PGS.TS. Tăng Chí Thượng chia sẻ.
Cũng liên quan phát triển y tế TP, PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bệnh viện trường đại học tổ chức theo mô hình viện – trường trong công tác đào tạo sinh viên khối ngành sức khỏe theo yêu cầu hội nhập quốc tế. Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp, bệnh viện trường đại học tổ chức theo mô hình viện – trường là một mô hình chuẩn mà Việt Nam cần hướng tới trong hoạt động đào tạo thuộc khối ngành khoa học sức khỏe để nâng cao chất lượng đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn tiếp theo để tăng cường khả năng hội nhập quốc tế.
Bệnh viện trường đại học mở ra cánh cửa hợp tác quốc tế với các quốc gia tiên tiến có mô hình hoạt động tương tự. Các trường đại học khoa học sức khỏe tại các nước tiên tiến trên thế giới điều được vận thành thông qua mô hình viện – trường. Nhiều đối tác, chuyên gia quốc tế (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...) đến Việt Nam đặt vấn đề đào tạo, chuyển giao công nghệ y khoa tiên tiến với điều kiện môi trường thực hành chuẩn mà chỉ có bệnh viện trường đại học có thể đáp ứng điều này.
PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp phát biểu tại hội nghị. Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, xây dựng môi trường đào tạo quốc tế là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đối với các quốc gia phát triển thu hút người học quốc tế dễ dàng hơn. Với các nước chưa phát triển trong khu vực, hiện nay, nhà nước vẫn đầu tư xây dựng mạng lưới quốc tế để có chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, mời giảng viên nước ngoài đến giảng dạy. Vì vậy, TP nên có đầu tư để xây dựng môi trường đào tạo quốc tế.
Về nội dung này, GS.TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, để đón đầu xây dựng TPHCM trở thành trung tâm đào tạo quốc tế nên sớm có bộ dữ liệu về hợp tác quốc tế và quốc tế hóa giáo dục của các trường trên địa bàn TP, đây là cách đi nhanh chóng. Các trường nên chú ý các chương trình hợp tác của TP với các đối tác quốc tế ở các nước khác nhau để tránh “độ vênh” quá lớn giữa hợp tác quốc tế giữa các trường đại học trên địa bàn TP với các chương trình hợp tác quốc tế của TP.
Xác định thế mạnh có thể đóng góp của từng trường với TP
Liên quan đến chủ đề đại học khởi nghiệp và xây dựng các trung tâm khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo tại các trường đại học, PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm cho rằng, các trường đại học là nơi có môi trường hệ sinh thái tốt nhất làm việc này. Hiện nay, mạng lưới toàn cầu xem khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo là một trong những chức năng của trường đại học.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng TP, GS.TS. Huỳnh Văn Sơn đề xuất, các trường đại học nên xác định thế mạnh có thể đóng góp của từng trường với TP thông qua kế hoạch cụ thể. Cùng với đó, nên xúc tiến sớm thành lập quỹ học bổng của TP. Đây giải pháp nâng tầm ảnh hưởng của Hội đồng Hiệu trưởng TP và đảm bảo tiến độ các công việc. Quỹ này không chỉ phục vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao mà còn phục vụ thực hiện các mục tiêu khác của Hội đồng Hiệu trưởng TP. Tiềm lực chúng ta hoàn toàn có thể làm sớm việc này. GS.TS. Huỳnh Văn Sơn cũng cho rằng, nên thực hiện sớm các khuyến nghị, kiến nghị về đại học chia sẻ trong toàn thể Hội đồng Hiệu trưởng TP, có thể dựa vào Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Bên cạnh đó là thúc đẩy nhanh chóng đào tạo nhân lực chất lượng cao trên bình diện rộng, kết nối tất cả các trường, kết nối các đề án; nên có đối sánh các khuyến nghị, mô hình giữa các đề án để có mô hình tổng thể cho TP.
TS. Cao Vũ Minh, giảng viên Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) trao đổi một số đề xuất về cơ chế, chính sách góp phần phát triển giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học tại TPHCM. Trong đó, kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm giao cho chính quyền TPHCM cơ chế tự chủ trong việc bổ nhiệm người vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ để được hưởng quy chế miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do nguyên nhân khách quan. Theo đó, bất kỳ cá nhân nào thực hiện đổi mới sáng tạo và đề tài nghiên cứu khoa học cho các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu trên địa bàn TPHCM hoặc có sử dụng ngân sách của chính quyền TPHCM mà được bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ thì sẽ được hưởng quy chế miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do nguyên nhân khách quan.
Cùng với đó, Quốc hội cần xây dựng chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học trên tinh thần chấp nhận rủi ro một cách cụ thể, rõ ràng và đưa ra các giải pháp cho những đề tài không thành công. Bổ sung, xây dựng mới các quy định của Luật Khoa học Công nghệ về trách nhiệm của nhà khoa học tương thích với các văn bản pháp luật hiện hành. Theo đó, độ trễ và rủi ro là bản chất của nghiên cứu khoa học và cần được chấp nhận. Cơ quan quản lý nhà nước khi tham gia tài trợ cho một nghiên cứu khoa học thường phải xem xét cẩn thận về rủi ro và khả năng thất bại của nghiên cứu đó. Trong một số trường hợp, cơ quan quản lý nhà nước có thể cân nhắc chấp nhận một mức độ rủi ro và thất bại trong nghiên cứu khoa học, nếu việc đó có thể mang lại giá trị kiến thức quan trọng hoặc cơ hội học hỏi. Xét về bản chất, một nghiên cứu không đạt được mục tiêu ban đầu vẫn có thể mang lại sự hiểu biết quan trọng hoặc khám phá mới về đối tượng nghiên cứu trong lĩnh vực liên quan.