Kịp thời phát hiện và kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm
Theo đó, đối với nội dung tăng cường giám sát, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, Hướng dẫn nêu rõ, tăng cường giám sát, chủ động nắm chắc tình hình tổ chức Đảng và đảng viên. Cụ thể là các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường giám sát, chủ động nắm chắc tình hình các tổ chức đảng trực thuộc, nhất là những nơi có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, có dấu hiệu vi phạm, có vấn đề phức tạp mới nảy sinh, vấn đề bức xúc mà xã hội và nhân dân quan tâm; tập trung vào cấp ủy viên, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý, trước hết cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên được quy hoạch nguồn nhân sự tham gia cấp ủy khóa mới và dự kiến là nhân sự đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
Không để "lọt" vào cấp ủy khoá mới những người: bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, "lợi ích nhóm", có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá",...; vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm tiêu chuẩn chính trị, những điều đảng viên không được làm; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình rõ được nguồn gốc; vi phạm trách nhiệm nêu gương, để bản thân hoặc vợ (chồng), con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức, quyền để thu lợi bất chính; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí lớn, vụ việc tiêu cực tại cơ quan, đơn vị trong thời gian phụ trách.
Cùng với đó là phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận, phân loại và xử lý kịp thời, đầy đủ, thận trọng các nguồn thông tin, báo cáo, phản ánh các vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên.
Về công tác kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, đối với tổ chức đảng tập trung kiểm tra những tổ chức đảng có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc...; vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “lợi ích nhóm”, nhất là trong các lĩnh vực công tác tổ chức và cán bộ, quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thực hiện dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; trong giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Đối với cán bộ, đảng viên, tập trung kiểm tra những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên, vi phạm quy định về những điều cán bộ, đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, chạy chức, chạy quyền...
Qua kiểm tra, phải xem xét, quyết định hoặc đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý kỷ luật các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (nếu có). Việc xem xét, xử lý phải kết thúc trước ngày khai mạc đại hội 25 ngày làm việc đối với cấp cơ sở, 30 ngày làm việc đối với cấp trên cơ sở, 35 ngày làm việc đối với cấp uỷ trực thuộc Trung ương.
Nhận xét, đánh giá cán bộ phải khách quan, đầy đủ, chính xác
Đối với việc tập trung giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng, Hướng dẫn nêu cụ thể các nội dung về giải quyết tố cáo tổ chức đảng, đảng viên; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM phát biểu tại hội nghị giao ban chuyên đề về "Thực trạng, cách làm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra" chiều 14/11. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nêu rõ các nội dung về nhận xét, đánh giá cán bộ phục vụ công tác nhân sự Đại hội. Trong đó về yêu cầu về tham gia nhận xét, đánh giá, ý kiến tham gia nhận xét, đánh giá cán bộ phải khách quan, đầy đủ, chính xác và phải được tập thể thường trực ủy ban kiểm tra hoặc tập thể ủy ban kiểm tra thảo luận, thống nhất bằng văn bản. Thực hiện đúng, đầy đủ quy trình, thủ tục nhận xét, đánh giá cán bộ, bảo đảm đúng thời gian quy định.
Đồng thời, Hướng dẫn cũng chỉ rõ các căn cứ chủ yếu để tham gia nhận xét, đánh giá. Nội dung nhận xét, đánh giá tập trung nhận xét, đánh giá về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách làm việc, năng lực lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện; về thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đi sâu đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quy định về trách nhiệm nêu gương và những điều cán bộ, đảng viên không được làm; việc thực hiện kê khai và công khai tài sản, thu nhập; uy tín trong cơ quan, đơn vị. Thẩm định, thẩm tra chặt chẽ, kỹ lưỡng về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình và những nội dung khác liên quan đến nhân sự theo quy định. Thực hiện yêu cầu của cấp uỷ, ban thường vụ cấp ủy về đánh giá những nội dung khác đối với từng trường hợp nhân sự.
Hướng dẫn nêu cụ thể các nội dung phục vụ công tác thẩm tra tư cách đại biểu; tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội của Đảng bộ cấp dưới cũng như một số nội dung tập trung thực hiện sau Đại hội.