Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tăng cường an toàn, vệ sinh lao động trước những yếu tố nguy hại mới

Hội thảo “Thực trạng công tác an toàn vệ sinh lao động và những vấn đề cần nghiên cứu trong giai đoạn 2025 - 2030”

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 2/10, tại TPHCM, Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thực trạng công tác an toàn vệ sinh lao động và những vấn đề cần nghiên cứu trong giai đoạn 2025 - 2030”.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động nhấn mạnh Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 giao trách nhiệm cho Tổ chức Công đoàn triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, kiến nghị các giải pháp chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Khẳng định công tác an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và bảo vệ môi trường đã và đang được Đảng, Nhà nước, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương coi trọng; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã quan tâm đến việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, từng bước đầu tư đáng kể để cải tiến công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc và môi trường.

Thực tiễn sản xuất, quá trình lao động, nhất là trong bối cảnh tiếp nhận làn sóng các dự án đầu tư mới, các lĩnh vực sản xuất mới, công nghệ, vật liệu mới, rất phong phú, đa dạng; một số ngành, lĩnh vực chưa có những nghiên cứu, đánh giá về an toàn, vệ sinh, sức khỏe, môi trường lao động. Do đó, trong giai đoạn mới, hoạt động khoa học công nghệ, các đơn vị, tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ an toàn, vệ sinh, sức khỏe, môi trường lao động phải độc lập, tự chủ, tiến tới hội nhập đạt chuẩn quốc tế, khu vực. Theo TS. Nguyễn Anh Thơ, những vấn đề cấp bách về an toàn vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động cần giải quyết hiện nay là ngăn chặn sự gia tăng tai nạn lao động, nhất là các vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, hóa chất, hóa dầu…

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động huấn luyện an toàn vệ sinh lao động nhằm giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; thực trạng công tác kiểm định an toàn các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động hiện nay và đề xuất những giải pháp khắc phục và một số định hướng, nhiệm vụ khoa học công nghệ đến năm 2030.

TS. Ninh Xuân Huy, Khoa môi trường và Bảo hộ lao động, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng dẫn chứng các kỹ thuật và các vật liệu mới trong ngành xây dựng đang được phát triển và áp dụng với tốc độ rất nhanh. Trong đó, các vật liệu mới với cấu trúc nano đã đem lại các khả năng vượt trội, đáp ứng các kỹ thuật xây dựng mới và tăng hiệu suất, cải thiện tính bền vững. Tuy nhiên, các hạt bụi nano phát thải trong quá trình sử dụng những vật liệu này đang trở thành mối lo ngại mới về sức khoẻ khi người lao động tiếp xúc trực tiếp. Do vậy, cần khảo sát ảnh hưởng của bụi nano lên sức khoẻ của người lao động trong ngành xây dựng tại Việt Nam nhằm hiểu rõ hơn những rủi ro sức khoẻ do bụi nano gây ra. Từ đó, đề xuất, phát triển các biện pháp (quản lý, kỹ thuật và phương tiện bảo vệ cá nhân) nhằm bảo vệ sức khoẻ người lao động trong ngành xây dựng và giảm thiểu phát thải bụi nano ra môi trường gây ảnh hưởng lên sức khoẻ cộng đồng.

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, công tác an toàn vệ sinh lao động được xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong hoạt động Công đoàn nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ luật pháp về an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, góp phần hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong quá trình lao động. Trước xu thế phát triển mới, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, vận dụng máy móc thiết bị, công nghệ tự động hiện đại trong sản xuất, kinh doanh từ đó sẽ phát sinh những yếu tố nguy hiểm độc hại mới...

Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, ông Nguyễn Thành Đô đề xuất các cấp ngành cần quan tâm, cập nhật và kịp thời thay đổi các chính sách phù hợp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc; cập nhật các danh mục bệnh nghề nghiệp phù hợp với điều kiện mới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động”; tăng cường các buổi tọa đàm, hội thảo, hội thi, tuyên truyền, tập huấn cho người lao động và đơn vị, doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh lao động.

Cùng quan điểm, TS. Đặng Xuân Trọng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kiểm định và Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động TPHCM (HOSITCO) cũng đã chỉ ra những bất cập từ hệ thống quản lý nhà nước về Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; Hệ thống quản lý an toàn và cảnh báo an toàn. Các vấn đề liên quan đến văn hóa kiểm định an toàn nhìn từ phía cơ sở sử dụng thiết bị; năng lực của hệ thống, mạng lưới các tổ chức kiểm định an toàn thiết bị… Từ thực tiễn, TS. Đặng Xuân Trọng cũng kiến nghị cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của nhà nước có liên quan; truyền thông mạnh mẽ và có hiệu quả chính sách pháp luật đến với các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp có sử dụng thiết bị nghiêm ngặt gắn với việc thực hiện các quy định về quản lý nhà nước. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của người sử dụng lao động tại cơ sở và năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở.

Bảo Phương


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo