Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tầm nhìn đến năm 2050, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển hiện đại, có thu nhập cao ngang bằng với các nước phát triển

Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Hồng Quang báo cáo tại hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 26/11, tại TPHCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị điều phối vùng Đông Nam Bộ với chủ đề “Tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Phát triển bảo đảm thống nhất với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước

Báo cáo tại hội nghị, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Hồng Quang cho biết, xây dựng quy hoạch vùng Đông Nam Bộ là để chủ động kiến tạo phát triển và tăng cường liên kết vùng; xác định và giải quyết các vấn đề có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tổ chức không gian phát triển vùng khoa học, hợp lý nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển vùng nhanh và bền vững; là cơ sở để các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Quy hoạch vùng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo xây dựng nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học, trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia và 16 Quy hoạch ngành quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 22 quy hoạch ngành quốc gia đã và đang được thẩm định, hoàn thiện để trình phê duyệt.

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Hồng Quang, phát triển vùng Đông Nam Bộ bảo đảm thống nhất với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước và các quy hoạch cấp quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế khác.

Đồng thời, đối mới tư duy và tầm nhìn; chủ động nắm bắt, tận dụng các cơ hội; tạo các cơ chế, chính sách, giải pháp để hình thành các động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới; tập trung nguồn lực giải quyết các điểm nghẽn, mâu thuẫn, xung đột, cản trở trong phát triển. Thực hiện thí điểm những mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao, tạo đột phá nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của từng địa phương; phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch và quản lý phát triển vùng.

Đến năm 2030 xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động

Mục tiêu phát triển vùng đến năm 2030, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Hồng Quang cho biết, xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; phấn đấu đến năm 2030 đạt ngưỡng thu nhập cao. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét và dẫn đầu cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Và tầm nhìn đến năm 2050, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển hiện đại, có thu nhập cao ngang bằng với các nước phát triển; có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á. TPHCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Vùng Đông Nam bộ cần phân bổ, không gian đô thị công nghiệp dịch vụ trên nền tảng đô thị tri thức sáng tạo và đô thị thông minh

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng, đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hay vùng Đông Nam Bộ, cần phải chọn kịch bản phát triển cao nên phải rà soát, chạy lại các đầu số và phải nghiên cứu toàn bộ điều kiện để có sự phát triển theo kịch bản cao.

Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị

 

Với lịch sử phát triển Vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm số 1, có năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, phải đặt điều kiện là quốc gia phải đầu tư và thậm chí có những giai đoạn từ đây đến năm 2030, phải đầu tư đến 30-50% nguồn lực quốc gia, mới có được sự bứt tốc trong thời gian tới.

Từ đây đến năm 2030, có thể chấp nhận tăng trưởng dưới 8% nhưng sau năm 2030 phải tăng trưởng 2 con số và 2 con số này sẽ bền vững trong 10-20 năm sau. Như vậy ở đây, không đặt lại vấn đề cơ chế cũ nữa mà gọi là cơ chế đặc biệt quốc gia cho vùng cần tiếp cận có sự đột phá.

Đối với phân vùng không gian kinh tế, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, cần xác định vùng Đông Nam Bộ là nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ hay là công nghiệp - dịch vụ - công nghiệp.

Đồng thời, cần xác định đây là vùng công nghiệp - dịch vụ, lúc đó cần không gian nông nghiệp tính tương quan của Đông Nam Bộ với đồng bằng Sông Cửu Long và vùng kế bên của Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, mở rộng không gian kinh tế của Đông Nam Bộ cụ thể, vai trò khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, từ đây sẽ lan tỏa các vùng khác và cả nước, đó cũng là đầu mối để tiếp nhận từ bên ngoài, từ khu vực và thế giới.

Về không gian đô thị, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, cần phân bổ, không gian đô thị công nghiệp dịch vụ trên nền tảng đô thị tri thức sáng tạo và đô thị thông minh. “Đông Nam Bộ hoàn toàn có điều kiện để phát triển theo mô hình này.”- đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Về giao thông kết nối nội vùng và giao thông kết nối Đông Nam Bộ với Đồng bằng Sông Cửu Long và nối ra bên ngoài, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, cần đặt đường sắt kết nối vùng thành một mạng lưới và thậm chí mạng lưới này chi phối cả chuyện phát triển đô thị, phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng logistics mà thậm chí chuyển đổi mô hình quản lý hành chính của Vùng. Kể cả đường sắt đô thị vùng, chứ không phải đường sắt đô thị ở những đô thị lớn như TPHCM.

Riêng cảng hàng không, đầu mối kết nối vùng với bên ngoài, cần khẳng định quan điểm Tân Sơn Nhất hiện hữu, Long Thành sẽ hình thành thời gian sắp tới, kể cả Tuy Hòa hay một số sân bay khác trong vùng vẫn có thể có điều kiện để phát triển với các công năng đa dạng của nó, không chỉ là vận tải hành khách, hàng hóa mà còn phục vụ cho các dịch vụ khác.

Giao thông kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ với đồng bằng Sông Cửu Long hay với Tây Nguyên, miền Trung, đây là một việc rất quan trọng. Khi xác định là đầu mối lớn, có tầm vóc từ đây đến năm 2030 là khu vực Đông Nam Á, sau  năm 2030 là Châu Á và thế giới.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo