Đã gần 6 năm Ông xa chúng ta, nhưng Ông vẫn luôn trong lòng những người hằng yêu quý, ngưỡng mộ. Nhớ Ông, trong lòng chúng ta trào dâng niềm xúc động. Ta vẫn như đang nghe được giọng nói khúc chiết vô cùng cuốn hút của ông; nhìn thấy trước mặt ánh mắt tinh anh, ấm áp và nụ cười móm mém hiền hậu ấy; trước phong thái ung dung nhưng ẩn chứa chút gì đó hào sảng và những ý nghĩ sâu xa lắng đọng trong tư tưởng của một nhân kiệt đất phương Nam.
Đã có rất nhiều bài viết về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Ông, về những dấu ấn trong suốt thời thanh niên sôi nổi rồi trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp, về sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học đồ sộ của Ông và về những trang viết lớn mà Ông để lại… Nhưng hẳn rằng, để hiểu và đánh giá đúng về Ông - một con người của lịch sử - một con người không chỉ thấu hiểu những chuyển biến thời cuộc trong những giai đoạn đặc biệt của cách mạng Việt Nam, mà còn thấu hiểu cả những thay đổi của thời cuộc với chính cuộc đời mình - chắc chắn đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều nghiên cứu trải nghiệm không chỉ hiện tại mà cả những năm tháng sau này nữa. Một trong những điều đặc sắc nhất khi nói về Ông, đó là một nhân cách lớn - nhân cách “của một chiến sĩ yêu nước, nhà cách mạng chuyên nghiệp, nhà giáo mẫu mực và một học giả uyên thâm”![2]
2. Có những câu chuyện thật đẹp về tấm lòng của nhân cách ấy. Những câu chuyện mà mỗi lần nghe, mỗi lần đọc, ta lại muốn được nghe lại, được đọc lại với cảm giác biết ơn và hạnh phúc rằng, dường như Ông vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của chúng ta! Bởi mỗi khi đến với Ông, lòng ta như lại được tìm về nơi trú ngụ bình yên của những gì cao đẹp và trong sáng nhất. Ở tuổi 90, khi bản thân đã có hàng trăm công trình về sử học, tư tưởng, triết học, với mong muốn có được nhiều, thật nhiều những thế hệ là các nhà nghiên cứu tiếp bước Ông trong các lĩnh vực sử học, lịch sử tư tưởng ở miền Nam, khi quyết định bán căn nhà số 70, đường Phạm Ngọc Thạch - nơi đầy ắp những kỷ niệm riêng, Ông đã lấy 1.000 lượng vàng lập Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu tặng cho những công trình khoa học xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, sử học về Nam Bộ.
Giờ đây, mỗi khi Giải thưởng được trao cho những công trình khoa học xuất sắc mang tên Ông, ta càng thấm thía tâm huyết của Ông, càng hiểu tấm lòng và trách nhiệm của Ông. Nói như Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu Tô Bửu Giám “Đó là tâm huyết đến cuối đời vẫn lo việc đào tạo con người, phát hiện các viên ngọc quý trong cuộc sống của người Nam Bộ, góp phần làm giàu thêm vốn tri thức, văn hóa Việt”.[3]
Tiến sĩ Đinh Thu Xuân, con gái nuôi của ông kể rằng, khi hoàn thành cuốn Tổng tập Trần Văn Giàu - tập 1, Ông ứa nước mắt: “Hôm trước ông Sáu Dân có xin một cuốn. Nay ông mất rồi, phải mang một tập đến thắp hương cho ông”. Hôm sinh nhật 95 tuổi của ông Nguyễn Văn Linh, Ông dặn: “Mua 30 bông huệ thật to, thật thơm đến vái chín cái”. Khi cuốn Hồ Chí Minh - vĩ đại một con người vừa xuất bản, Ông ngồi dậy thay quần áo mới, ký tặng rồi cầm sách chụp một tấm ảnh thật đẹp, đưa cho chị Xuân: “Nhân chuyến công tác, nhớ mang đến tặng bác Giáp”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chụp một tấm ảnh mới gửi tặng lại Ông với lời nhắn: “Bác Văn vẫn khỏe, ăn được, ngủ được, đọc sách báo được”. Khi còn sống, GS Hoàng Như Mai vẫn luôn nhắc nhớ về những giọt nước mắt xúc động của Ông khi đến viếng một người học trò vừa mất.
Với Bà Sáu, người vợ hiền, Ông là người chồng rất mực thủy chung. Khi Bà bị tai nạn do vấp té phải nằm một chỗ, hàng ngày, cứ đến bữa cơm, Ông lại tự tay mang cơm đến bên giường ăn cùng Bà. Ông chăm sóc Bà cho đến lúc Bà vĩnh viễn ra đi vào năm 2005. Ngày Bà mất, Ông thật buồn, nước mắt lăn dài trên má, ngồi im bất động. Khi TS. Đỗ Nguyệt Hương tới viếng, Ông nói: “Cô đi rất êm, không đau đớn gì, lúc Dượng gọi dậy ăn cơm thì đã đi rồi, như người ngủ thiếp đi thôi!…”. Lời Ông nói đầy yêu thương tha thiết.[4]
Là một trí thức đi làm cách mạng từ những ngày đầu tiên, Ông không chỉ để lại cho đời một di sản khoa học lịch sử, triết học đồ sộ mà còn để lại cho hậu thế một tấm gương mẫu mực, thanh liêm, một thần tượng về hành động cao cả, và trên hết là một tấm lòng nhân ái sâu sắc với tình cảm chân thành mà nhiều người tin yêu, quý trọng.
3. Có những bước ngoặt trong cuộc đời mấy ai biết hết nông sâu, nhưng bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, tên tuổi Trần Văn Giàu luôn là một sự khẳng định về uy tín của một con người chính trực, thể hiện một tinh thần cách mạng cao quý, gian nan không lùi bước, hiểm nguy không sờn lòng. Có những thăng trầm, đầy gian khó đặt ông trước những thử thách khắc nghiệt, nhưng chính thử thách ấy đã rèn luyện sự kiên định, lòng trung thành của nhân cách lớn.
Nghe và đọc những chuyện về Ông, lớp con cháu hậu thế chúng ta không thể không tự hỏi: sức mạnh nào giúp Ông vượt qua những lúc tưởng như tuyệt vọng, những phút giày vò đau đớn trong những năm khó khăn nhất của cuộc đời! Làm sao Ông vẫn ung dung tự tại đứng thẳng và vững vàng đi tới với một niềm lạc quan như thế! Đó chỉ có thể là lòng tin ở lý tưởng cao đẹp, tin ở con người, tin vào sự thật, tin ở tương lai. Với niềm tin ấy, Ông đã giữ được nhân cách lớn lao của một một bậc trí giả uyên sâu, lòng trung thành, bản lĩnh kiên cường của người cộng sản. Ngay từ ngày mới gia nhập Đảng Cộng sản lúc đang du học tại Pháp; bị trục xuất vì tội tham gia đấu tranh, biểu tình chống Pháp; bị địch bắt bỏ tù, từ Khám Lớn, Côn Đảo tới Tà Lài, rồi tổ chức vượt ngục, bôn ba gây dựng lại cơ sở, phát động lại phong trào bị tan rã sau Nam Kỳ khởi nghĩa; hay lúc giữ nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ; Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ; Tổng Giám đốc Nha Thông tin; Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Chủ tịch Hội Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh... tên Ông luôn sáng ngời bởi trí tuệ và nhân cách.
Hãy đọc lại những dòng Hồi ký Trần Văn Giàu (1940-1945) để thấy bản lĩnh Ông như thế nào. Ông viết “Vả lại tù Khám Lớn Sài Gòn được bạn bè, gia đình thăm viếng mỗi tuần một lần, quà bánh, báo chí có đủ; nhất là ở tù mà vẫn có công tác cách mạng sôi nổi thì an tâm quá đi chớ! Công tác của tôi là huấn luyện tù nhân mới vào và sắp ra, họ đông tới hàng trăm, thường xuyên là hàng mấy chục. Trường Khám Lớn có nhiều giảng viên kinh nghiệm, lý luận, trình độ khá cao. Tụi tôi tổ chức ba bậc huấn luyện lý luận cách mạng và kinh nghiệm hoạt động sơ, trung và cao. Vô tù thành ra đi vào trường học chính trị. Trường học được mở liên tục mà khỏi phải mướn nhà, khỏi phải nuôi cơm. “Kinh tế” biết mấy. Khám Lớn góp phần đào tạo hàng trăm cán bộ cho các đoàn thể cách mạng ở bên ngoài. Tôi lúc ấy là Chủ tịch hội đồng giáo sư đỏ”[5] .
Chúng ta cúi đầu trước thái độ và nghị lực của Ông khi sống giữa chế độ biệt giam của nhà tù đế quốc: “một kỳ công là ba năm ở “biệt thự S”, tôi có thời giờ và can đảm để đọc bộ Tư Bản, mà khi ở trường Đại học Đông Phương, tôi chỉ thuộc mấy trích đoạn bắt buộc của giáo sư hướng dẫn. Khám Lớn Sài Gòn quả là một trường đại học chuyên tu của tôi. Khám Lớn Sài Gòn, cũng như banh một Côn Lôn là những nơi góp phần quyết định cho tôi sau này trở thành một giáo sư có kinh nghiệm. Nói rằng nhà tù là một cái rèn luyện, rất đúng”[6].
Nói về Ông, viết về Ông bao nhiêu cũng không đủ. Ông luôn cho thấy, con người bao giờ cũng phải vươn lên sống thật đẹp, thật cao cả theo thiên hướng và niềm đam mê của mình, theo lý trí của cuộc sống, theo sự mách bảo của trái tim mình. Ông đã sống một cuộc đời thật trọn vẹn, trọn vẹn như tấm lòng thủy chung son sắt của Ông, trọn vẹn như một thế kỷ mà bước chân Ông đã đi qua nhưng “vẫn còn dư sức lực” - từ dùng của GS. Hoàng Như Mai viết mừng sinh nhật Ông lần thứ 85: “Tám lăm năm trên mặt địa cầu, có phen lội sình lầy, có phen vượt núi băng ngàn, có phen giẫm tuyết đạp băng nơi đất lạ và có phen mang xiềng gang xích sắt chốn lao tù... Đôi chân ấy bước qua thế kỉ vẫn còn dư sức lực”.[7]
Suốt đời mình, ông đã chiến đấu, đã lao động không mệt mỏi, đã hiểu rất nhiều, đã biết rất nhiều, đã day dứt, đã trăn trở và vượt lên tất cả để cống hiến cho Nhân dân, cho cách mạng, cho cuộc đời những gì đẹp nhất của mình. Và cuộc đời cũng rất công bằng, đã cho Ông niềm hạnh phúc vô biên, mà trên hết và hơn cả là Ông đã, đang và mãi mãi giành được tình yêu vô hạn, sự ngưỡng vọng, hâm mộ và trân quý của tất cả chúng ta! Để chúng ta mãi nhớ về Ông - Một tài năng - tấm lòng của một nhân cách lớn!
Thân Thị Thư
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM
---------------------------------------------------------------
[1] http://www.nxbtre.com.vn/tran-van-giau-dau-an-tram-nam- 12140.4386.-1.108.aspx
[2] http://100years.vnu.edu.vn/BTDHQGHN/Vietnamese/C1778/C1779/2006/05/N7773/ Trần Văn Giàu - Nhà cách mạng tiêu biểu, học giả lớn, một nhân cách lớn
[3] http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20101219/giai-thuong-tran-van-giau-tam-huyet-cuoi-doi-cua-mot-nha-khoa-hoc.aspx
[4] http://vuthanhhoa.net/me-toi-viet-ve-giao-su-tran-van-giau.xml 26 Tháng Ba 2011
[5] Trần Văn Giàu, Hồi ký (1940-1945), Bản điện tử của Tạp chi Thời đại mới, số 21, tháng 5/2011, tr 9
[6] Trần Văn Giàu, sđd, tr 11
[7] GS Trần Văn Giàu: Đi trọn cõi nhân sinh-19/12/2010 04:00 GMT+7 tuần Việt Nam