Thứ Năm, ngày 26 tháng 12 năm 2024

Tấm lòng của cô giáo tận tụy, gắn bó với trẻ khuyết tật

Cô Diễm và học sinh trong giờ hoạt động trải nghiệm

(Thanhuytphcm.vn) - Hơn 15 năm trong nghề dạy học cũng là từng ấy thời gian cô giáo Nguyễn Thị Diễm (sinh 1980) gắn bó với học sinh khuyết tật Trường Chuyên biệt Hy Vọng, Quận 8. Tuy vất vả, khó nhọc nhưng cô luôn cảm thấy hạnh phúc khi những việc mình làm đã góp phần phát triển tư duy, thay đổi cuộc đời cho những đứa trẻ kém may mắn…

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương 3, nhận bằng cử nhân giáo dục đặc biệt năm 2008, cô Diễm về công tác tại Trường Chuyên biệt Hy Vọng, Quận 8 và gắn bó cho đến nay. Bên cạnh việc chủ nhiệm, giảng dạy trẻ khiếm thính, cô còn tham gia Ủy viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở, thành viên Ban thanh tra nhân dân trường. Năm 2011, được Ban Giám hiệu nhà trường tạo điều kiện, cô Diễm vừa dạy vừa đi học và nhận bằng cử nhân Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, năm 2013.

Nhớ lại những ngày đầu mới bước vào nghề, cô Diễm chia sẻ: “Dù được đào tạo bài bản về chuyên ngành Giáo dục đặc biệt nhưng khi vào giảng dạy thực tế, tôi thật sự lo lắng và không biết phải bắt đầu từ đâu, làm sao để học sinh có thể tương tác tốt với giáo viên, tiếp thu bài nhanh và hiệu quả nhất. Có nhiều em nhận thức còn hạn chế, không hiểu “khẩu lệnh” của giáo viên, tiếp thu bài học chậm… Bên cạnh việc sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan, tôi còn tổ chức trò chơi, động viên, khen ngợi mỗi khi các em làm được một việc dù nhỏ để khích lệ tinh thần, tạo cho các em sự thoải mái, hứng thú với việc học”.

Có thể nói, giáo dục một đứa trẻ bình thường đã khó, đối với học sinh khuyết tật chỉ một kỹ năng nhỏ nhưng cũng phải dạy đi dạy lại mất rất nhiều thời gian. Vì mỗi em có thể trạng, sự nhận biết và khả năng tiếp thu khác nhau. Có em học cả mấy tháng vẫn chưa nhớ mặt chữ, có em cũng hiểu, cũng hợp tác nhưng vài ngày lại quên… Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, cô Diễm vừa là người dạy chữ, vừa là người mẹ, người bạn cùng học, cùng ăn, cùng chơi với trẻ, luôn trăn trở tìm phương pháp, cách thức truyền đạt phù hợp cho từng cá thể học sinh, giúp các em dễ hiểu, dễ thuộc bài, tạo hứng thú học tập, kích thích trí não phát triển.

Bên cạnh đó, cô Diễm còn tranh thủ học hỏi đồng nghiệp, lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm từ thầy cô đi trước, đúc kết từ thực tiễn giảng dạy để xây dựng kế hoạch, đặt ra yêu cầu, mục tiêu rèn luyện, phương pháp giảng dạy phù hợp cho từng em. Với những học sinh khuyết tật nhẹ, cô Diễm ưu tiên dạy các môn văn hóa, với những em đa tật, khả năng tiếp thu chậm, rụt rè, nhút nhát, cô Diễm nhắc đi nhắc lại nhiều lần, dạy bài mới ôn bài cũ, khen ngợi, khích lệ học sinh bằng cục kẹo, cái bánh tạo cho các em sự vui vẻ, hứng khởi trong giờ học.

Trong quá trình giảng dạy, cô Diễm còn thường xuyên quan tâm, gần gũi, ân cần thăm hỏi để các con được bộc bạch suy nghĩ, qua đó giúp cô hiểu được tâm lý, tình cảm, hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, cũng như khả năng ngôn ngữ, khả năng giao tiếp để cô điều tiết lời nói, phương pháp truyền đạt sao cho các bé dễ tiếp thu bài, phát triển kỹ năng tư duy. Chính vì vậy, hàng năm lớp cô dạy và chủ nhiệm đều đạt tỷ lệ 100% duy trì sĩ số và tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình, được lên lớp.

Cô Diễm quan tâm, chăm sóc giờ ăn của học sinh. Cô Diễm quan tâm, chăm sóc giờ ăn của học sinh.

Lớp cô tích cực tham gia các Hội thi “Nét vẽ xanh” cấp thành phố, “Viết chữ đẹp” cấp trường, “Vẽ tranh” cấp trường, “Làm thiệp”, “Viết chữ đẹp”, “Vẽ tranh” cấp trường và đạt nhiều giải thưởng nhất, nhì, ba…. Cá nhân cô Diễm cũng đạt nhiều giải thưởng trong hội giảng, hội thi "Giáo viên chủ nhiệm giỏi”, "Viết chữ đẹp”, "Đồ dùng dạy học”... Cô còn đạt danh hiệu “Giáo viên chủ nhiệm giỏi”, "Giáo viên dạy giỏi” cấp Quận nhiều năm liền; Chiến sĩ thi đua cơ sở 5 năm liên tục (từ năm 2017 đến năm 2022).

“Dạy trẻ khuyết tật phải có lòng kiên trì, nhẫn nại, mềm dẻo nhưng nghiêm khắc, dạy trẻ từ những việc nhỏ nhất, dễ nhất, đồng thời biết lắng nghe, quan tâm, chia sẻ, bồi dưỡng năng khiếu, khơi gợi tư duy nhận biết thế giới xung quanh, giúp học sinh tiến bộ hơn mỗi ngày, hòa nhập và phát triển khả năng của bản thân. Tuy vất vả, nhưng tôi mong có thật nhiều sức khỏe để dìu dắt, giúp đỡ các em học sinh của mình. Nhìn thấy các em vui vẻ đến lớp, ghi nhớ bài học, tự tin giao tiếp tốt, tiến bộ mỗi ngày, hòa nhập với xã hội là tôi cảm thấy hạnh phúc” - cô Nguyễn Thị Diễm bộc bạch.

Cô Nguyễn Thị Thanh Trúc, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Hy Vọng, Quận 8 chia sẻ: “Cô Diễm là một giáo viên yêu nghề, tận tụy với học sinh khuyết tật. Chịu khó tìm nhiều phương pháp dạy học phù hợp để bật lên điểm mạnh, khắc phục dần khiếm khuyết, hạn chế, giúp học sinh phát triển khả năng, tiến bộ vượt bậc. Cô rất nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động phong trào, sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ công việc cùng đồng nghiệp. Tôi thật sự trân trọng tấm lòng, ý chí cầu tiến, nghị lực vượt khó của cô Diễm để làm tròn nhiệm vụ của một nhà giáo trong ngôi trường giáo dục đặc biệt”.

Những đóng góp trong suốt gần 15 năm với môi trường giáo dục chuyên biệt, cô Nguyễn Thị Diễm được trân trọng và ghi nhận bằng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành: Bằng khen của LĐLĐ Thành phố “Đã có thành tích tốt phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn  2010 - 2020; Bằng khen Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động TPHCM “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” năm 2021; Bằng khen của UBND Thành phố “Đã có thành tích xuất sắc nhiệm vụ 2 năm học liên tục (2018 – 2019, 2019 – 2010)”;… và năm 2022, cô vinh dự nhận Giải thưởng Võ Trường Toàn lần thứ 25. Đây là giải thưởng cao quý, tôn vinh những người làm trong ngành giáo dục có nhiều cống hiến và mỗi cá nhân chỉ được trao tặng giải thưởng này một lần. Cô là tấm gương tiêu biểu về niềm đam mê nghề nghiệp, tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm đối với học sinh khuyết tật.

Bích Ly


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo