Nàng Xê Đa chuyển tải khéo léo thông điệp về sự phân chia giai cấp, địa vị trong xã hội(Thanhuytphcm.vn) - Phiên bản mới của kịch bản cải lương kinh điển Nàng Xê Đa (kịch bản: Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương: Thể Hà Vân) đã ra mắt công chúng tại Nhà hát Bến Thành vào tối 30/1, dự kiến tái diễn vào mùng 10 Tết tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Vở diễn mở đầu dự án “Dấu ấn mới cho các nghệ sĩ trẻ” – Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phối hợp Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Hoàng Song Việt thực hiện – đã thực sự mang đến tín hiệu vui cho sân khấu cải lương TP dịp đầu Xuân mới.
Những giá trị kinh điển
Nhắc đến Nàng Xê Đa là nhắc đến tác phẩm kinh điển không chỉ trong lịch sử biểu diễn của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang mà còn của sân khấu cải lương cả nước với 1.500 suất diễn, củng cố và đưa tên tuổi nhiều tài danh lên đỉnh cao. Câu chuyện thần thoại lấy cảm hứng từ sử thi Ramayana của Ấn Độ và trường ca Riêm Kê của Campuchia vẫn luôn thu hút bởi sự kịch tính trong cuộc đấu tranh giữa con người và quỷ dữ, lại vừa là bi kịch tình yêu đầy lãng mạn và sự hối tiếc. Với bản cải lương, điểm cộng lớn còn đến từ lời ca rất giàu chất văn học và đậm tính triết lý.
Nàng Xê Đa không chỉ là câu chuyện tình yêu mà đúng hơn là hành trình con người tìm thấy chính mình. Mỗi người đều mang trong mình một “Quỷ Riếp” – sự “tham - sân - si” gặm nhắm tâm hồn – lẫn “Khỉ Hanuman” – khát vọng được trở thành con người hoàn chỉnh – và sự tự tranh đấu của bản thân sẽ quyết định họ là một con người “có nghĩa có nhân” hay sẽ lầm đường lạc lối mà tự đánh mất đi những điều quý giá nhất của mình.
Sự thành công của Nàng Xê Đa gần 40 năm về trước còn ghi dấu ấn sáng tạo đậm nét của đạo diễn Đoàn Bá khi trong thời bao cấp khó khăn đã dàn dựng được bối cảnh “đại vĩ tuyến” vô cùng hoành tráng. “Hình thức dàn dựng sân khấu lúc đó là rất mới, toàn bộ sân khấu đều trở thành bối cảnh thống nhất, trải đều trước mắt khán giả là đại cảnh đền đài lẫn rừng rậm thâm u rất hoành tráng. Với nhiều khán giả, chưa cần xem nghệ sĩ ca diễn, chỉ cần nhìn cảnh trí, xem chuyển cảnh là đã đủ tiền vé. Nàng Xê Đa ngày ấy hấp dẫn vì đầy sự mới mẻ!”, ký ức về Nàng Xê Đa vẫn còn rất sống động trong tâm trí và cũng phần nào là lý do soạn giả Hoàng Song Việt chọn vở diễn này mở đầu cho dự án “Dấu ấn mới cho các nghệ sĩ trẻ”.
Vượt qua áp lực
Nhiều năm qua, những tác phẩm kinh điển vẫn thường xuyên được dựng lại trên sân khấu cải lương và phần lớn không được giới chuyên môn lẫn công chúng đánh giá cao, nhất là khi so sánh với bản dựng trước. Lần này, không chỉ là dự án dựng mới mà còn có tham vọng “tạo dấu ấn mới” cho nghệ sĩ trẻ. Vậy các nghệ sĩ phải tạo dấu ấn như thế nào để vượt qua cái bóng của người đi trước?
Trước hết, đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ cũng phải vượt qua thách thức này khi chính thầy mình là NSND Đoàn Bá đạo diễn bản dựng kinh điển Nàng Xê Đa năm 1983. Và phiên bản Nàng Xê Đa năm 2021 của đạo diễn Hoa Hạ đã làm được điều đó khi mang dáng dấp một vở ca - vũ - nhạc - kịch - cải lương hơn là kịch hát dân tộc truyền thống. Vở diễn vì thế cũng tươi trẻ, màu sắc và đậm tính giải trí hơn.
Đạo diễn Hoa Hạ cho rằng dấu ấn mới của các nghệ sĩ trẻ khi thể hiện lại các vai diễn kinh điển chính là không bị ràng buộc vào một khuôn mẫu nào mà nỗ lực phát huy hết sức khả năng của mình. “Mỗi thời đại mỗi khác, đâu thể bắt cải lương hôm nay, nghệ sĩ hôm nay phải như 40 năm trước. Nếu cho đây là cách làm cải lương thu hút khán giả trẻ thì đó chính là việc giữ được những “hạt ngọc” của người đi trước và kết hợp với sự đa năng của thế hệ nghệ sĩ hôm nay. Các bạn trẻ hiện nay rất lăn xả với nghề và đa tài đa nghệ, chỉ cần thêm cơ hội để khẳng định mình và được công nhận”, đạo diễn Hoa Hạ nhấn mạnh. Cũng theo đạo diễn Hoa Hạ, cải lương không thể chỉ mãi vương vấn “thế hệ vàng” và ê-kíp Nàng Xê Đa lần này tự hào khẳng định một lực lượng làm nghề đều trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất.
Cảnh Xê Đa bị vua Quỷ bắt đi là một trong những tình huống cao trào của vở diễnĐảm nhận vai vua Priem, nghệ sĩ Võ Minh Lâm cho biết mình đã xem rất kỹ và thậm chí thuộc nằm lòng bản dựng cũ. “Áp lực là điều không thể tránh khỏi nhưng đến khi tập thì đường dây kịch bản, cách dàn dựng gần như hoàn toàn khác, như tiếp thu lại từ đầu. Lâm dần cởi bỏ áp lực để tiếp nhận và thể hiện một vua Priem hoàn toàn mới theo yêu cầu đạo diễn”, Võ Minh Lâm chia sẻ.
Với phần thể hiện vai vua Priem vừa qua, có thể thấy được hành trình dài của Võ Minh Lâm từ cậu “chuông vàng” 16 tuổi non nớt của năm 2006 đến một ngôi sao trẻ hôm nay là không hề đơn giản với rất nhiều nỗ lực rèn luyện và cả sự may mắn nắm bắt được nhiều cơ hội trau dồi qua các vai diễn đa dạng.
Tham gia với vai trò “bệ đỡ” cho các nghệ sĩ trẻ, NSƯT Phượng Loan cho rằng lực lượng của sân khấu cải lương vẫn còn đó, chỉ là thiếu cơ hội để tham gia những tác phẩm chuyên nghiệp được đầu tư lớn, bài bản ở tất cả các khâu. Chính những nghệ sĩ trẻ hôm nay dù không thiếu tài năng nhưng lại thiệt thòi nhiều khi thiếu cơ hội được cọ sát rèn luyện trong môi trường sân khấu chuyên nghiệp, thực tiễn sàn diễn hàng đêm hay trong những dự án được đầu tư đúng tầm.
“Sân khấu cải lương muốn tồn tại thì phải có tác phẩm, người nghệ sĩ muốn khẳng định mình thì phải có vai diễn chứ không thể chỉ “ca ra bộ” ở các đám tiệc, lễ hội. Rất mừng là vẫn có những nghệ sĩ trẻ đã bỏ rất nhiều sô diễn để bám sàn tập hơn 2 tháng qua để có được một tác phẩm cải lương chất lượng. Nếu vẫn giữ được tinh thần lăn xả này, vẫn còn nhiều điều có thể trông chờ vào tương lai sân khấu cải lương”, đạo diễn Hoa Hạ tự tin bày tỏ.