
Ảnh minh họa: Sinh viên tự học, đọc sách tại thư viện Trường Đại học Luật TPHCM.
(Thanhuytphcm.vn) - Câu chuyện mỗi năm có hàng ngàn sinh viên bị buộc phải “từ giã” giảng đường đại học mà các trường vừa công bố mới đây có nhiều nguyên nhân: sức học yếu, ý thức học tập kém, không còn yêu thích ngành nghề đã chọn,... Điều này đã gây lãng phí rất lớn cho sinh viên, gia đình và xã hội.
Theo lãnh đạo một trường đại học tại TPHCM có trên dưới 1.000 sinh viên vi phạm quy chế học vụ mỗi năm, nhiều sinh viên nghĩ là vào được đại học thì tất nhiên sẽ tốt nghiệp ra trường, do vậy, chỉ học chơi chơi, qua loa suốt thời gian dài. Hậu quả là phải đối mặt với quyết định buộc rời trường sớm.
PGS.TS Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên phân tích, nguyên nhân khiến những sinh viên, những người đủ điểm đậu đại học lại không theo kịp chương trình là do chọn sai ngành học, không phù hợp với năng lực nên không có thái độ học tập tích cực. Các sinh viên thiếu khả năng thích nghi với việc tự học và phân bố khối lượng kiến thức, kế hoạch học tập. Quy chế đào tạo theo học chế tín chỉ hiện nay khá mở, rất khoa học, nên sinh viên phải nỗ lực từ năm đầu tiên và yêu cầu điểm tích lũy phải tăng dần lên, nhưng nhiều sinh viên chỉ đến gần kỳ thi mới cặm cụi học. Khi các trường đại học đang nâng dần chuẩn đầu ra bằng những tiêu chí cụ thể; phải sàng lọc sinh viên là động thái rất cần thiết.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, nhiều sinh viên hiểu biết về ngành nghề còn hời hợt, khi vào đại học mới nhận ra đã chọn sai ngành. Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM có môn học “Nhập môn kỹ sư”, sau khi nghe nhà trường nói về từng ngành nghề và làm việc khi ra trường, sinh viên mới chợt nhận ra đã chọn ngành không đúng.
Một cán bộ làm công tác đào tạo tại một trường đại học có hàng trăm sinh viên vi phạm quy chế học vụ mỗi năm đã tâm tư, các sinh viên chọn ngành theo cảm tính, không trắc nghiệm năng lực và sở thích cá nhân, không có sự tìm hiểu đặc trưng ngành nghề, chọn ngành học nhưng lại “mù” thông tin về nghề rồi chán nản, học không nổi. Đó còn chưa kể nhiều sinh viên ham chơi, lêu lỏng, bị người xấu lôi kéo hư hỏng.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng kể câu chuyện xảy ra ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cách đây không lâu. Một nam sinh viên ở Quy Nhơn – Bình Định, học đến năm thứ 2 thì vi phạm quy chế học vụ nên trường đã gửi tin nhắn báo với gia đình. Cha của sinh viên này tức tốc vào trường. Khi tìm hiểu phát hiện ra con trai bỏ học vì mê đánh bi-da độ, ông đã gác hết công việc ở quê nhà, vào TPHCM lo chuyện học cho con. Hàng ngày ông dẫn con đến lớp, sau đó bắt ghế ngồi bên ngoài đợi đến khi con tan học. Người cha này kiên nhẫn như vậy cho đến khi con trai tốt nghiệp ra trường, bây giờ có công ăn việc làm rất đàng hoàng... Đây là trường hợp rất hiếm vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện và kiên nhẫn như vậy. Chưa kể, nhiều sinh viên còn cố tình ghi sai thông tin gia đình để nhà trường không liên lạc được.
Theo các trường, trong quá trình tiếp xúc với các gia đình mới biết, có nhiều sinh viên cố tình cho số điện thoại cha mẹ sai, vì thế khi nhà trường cảnh báo học vụ gửi tin nhắn qua điện thoại nhưng cha mẹ không nhận được, đến khi có quyết định cho thôi học gửi về địa phương thì lúc này gia đình mới tá hỏa...
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên, Đại học Quốc gia TPHCM nhận định, hiện nay hơn 2/3 sinh viên các trường đại học tại TPHCM là từ các tỉnh về học, khi các em rời nông thôn chuyển vào thành thị, đôi khi các em bị cuốn vào các hoạt động của cuộc sống thành thị rồi lơ là học tập, nếu thiếu bản lĩnh sẽ không thể vượt qua.
Điều cần thiết là các trường cần tăng cường công tác thông tin, tư vấn, hỗ trợ pháp lý và tâm lý cho sinh viên; cùng với sự nỗ lực của bản thân sinh viên và sự quan tâm sâu sát phía gia đình.