ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) chất vấn lãnh đạo Bộ Công thương. (Ảnh: Võ Long Hồ)(Thanhuytphcm.vn) - Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên sáng 16/3 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài vấn đề “nóng” là cung ứng xăng dầu, điều hành giá xăng dầu trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao, các ĐBQH cũng chất vấn nhiều về vấn đề lưu thông hàng hóa, nhất là vấn đề ùn ứ nông sản ở cửa khẩu vẫn diễn ra hàng năm.
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, ùn ứ nông sản cho thấy chiến lược lưu thông hàng hóa "bế tắc". Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời, Bộ Công thương nhiều lần khuyến nghị Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và các địa phương cần phải có phương án vùng trồng, vùng nuôi, sản xuất theo tín hiệu thị trường. Nếu cách làm cũ, có gì làm nấy, có gì bán nấy sẽ bị động, thay vào đó, ngành nông nghiệp phải có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường. Cùng với đó, phải tiến tới để chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, hạn chế ùn ứ nông sản ở cửa khẩu. Về dài hạn, hai bộ cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới. Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công thương trình Thủ tướng, Chính phủ. Trước mắt, ngành công thương và NN-PTNT đang nỗ lực họp bàn, trao đổi với phía bạn để giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, do Trung Quốc thực hiện chiến lược “Zero Covid” nên cũng khó khăn trong lưu thông hàng hoá.
ĐB Lê Thị Song An (Long An) nêu ví dụ về giá thanh long đỏ xuống chỉ còn 2.000 đồng mỗi kg và đề nghị Bộ trưởng Công thương nêu giải pháp căn cơ để giải bài toán "được mùa, mất giá" của ngành nông nghiệp.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nền kinh tế đang vận hành trong cơ chế thị trường, theo đó Việt Nam phải tận dụng cơ hội hội nhập với 16-17 hiệp định thương mại tự do. Việc các sản phẩm nông nghiệp bán nhưng không có địa chỉ do không đáp ứng được tiêu chuẩn đã tồn tại nhiều năm. Về lâu dài, giải pháp căn cơ với ngành nông nghiệp là phải thay đổi cách sản xuất, thay đổi vùng trồng, tuân thủ các tiêu chuẩn của thị trường thế giới và khu vực. “Nếu chúng ta không thay đổi thì thua ngay trên sân nhà. Tới đây, khi Chính phủ duyệt đề án về việc xuất khẩu nông sản theo hướng chính ngạch mà các địa phương không thực hiện được thì trách nhiệm không dừng ở các bộ, ngành" - Bộ trưởng Bộ Công thương nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong nền kinh tế thị trường, người sản xuất phải trả lời được các câu hỏi: sản xuất cái gì, bán đi đâu, bán cho ai? Hiện giờ chúng ta vẫn làm theo thói quen, làm theo tập quán là bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần. Đây là vấn đề khó.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng chất vấn, Trung Quốc theo đuổi chính sách "Zero Covid", tiến hành phong tỏa một số thành phố, có thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Việt Nam nhập khẩu 110 tỷ USD năm 2021 từ Trung Quốc, nên có thể ảnh hưởng trong thời gian tới, giải pháp nào để hạn chế tiêu cực? Trả lời, Bộ trưởng thừa nhận đó là thách thức đối với toàn cầu, không riêng Việt Nam. Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu mở rộng thị trường; tìm kiếm thị trường nhập khẩu các nguyên vật liệu; tăng năng lực sản xuất trong nước. Cùng với đó, thảo luận với phía bạn để mở luồng xanh, duy trì giao thương hàng hóa đồng thời bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng DiênĐáng chú ý, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn, việc điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần như hiện nay liệu có hợp lý? Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc đưa ra chu kỳ điều hành như vậy là phù hợp với sự biến động chung với thị trường thế giới. Việt Nam chưa phải chưa phải là nền kinh tế thị trường đầy đủ, vẫn điều hành theo sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Việc điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần là đề xuất được tập thể Chính phủ đồng tình và quyết định. Bộ Công thương sẽ đề xuất điều hành giá xăng dầu dày hơn, tuy nhiên phải cân nhắc vì điều hành dày hơn thì lợi doanh nghiệp nhưng thiệt cho người dân…
Trả lời chất vấn ĐB về việc Bộ Công thương có kiến nghị tăng dự trữ xăng dầu hay không, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia, dự phòng lên. “Thời gian dự trữ, dự phòng xăng dầu hiện nay không lớn, chỉ khoảng 5-7 ngày. Thay vì dự trữ bằng tiền thì sắp tới có thể dự trữ hàng hóa”, Bộ trưởng cho hay.
Cũng tại phiên chất vấn, ĐB Đỗ Đức Hiển (TPHCM) nêu vấn đề về quản lý với hoạt động thương mại điện tử. Khi thương mại điện tử đã trở thành một xu thế, nhiều người dùng thương mại điện tử để buôn bán hàng lậu, hàng cấm, trốn thuế. Vậy giải pháp nào để xử lý vấn đề này?
Chia lửa trả lời chất vấn trong sáng 16/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngành thuế các năm qua đã thu thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã nộp thuế như Facebook nộp 1.694 tỷ đồng, Google nộp 1.618 tỷ, Microsoft nộp 576 tỷ. Năm 2020, số thu thuế từ dịch vụ số xuyên biên giới đạt 1.143,76 tỷ đồng, năm 2021 đạt 1.317,78 tỷ đồng, bằng 115,2% năm 2020). Vừa qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục thuế xây dựng cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới. Ngày 21/3 tới đây, Tổng cục thuế sẽ khai trương cổng thông tin điện tử này để doanh nghiệp nước ngoài khi bán hàng xuyên biên giới có thể trực tiếp kê khai thuế, nộp thuế. Bộ cũng ban hành hướng dẫn nộp thuế ở môi trường mạng, sàn thương mại điện tử, mua bán online.