Thứ Sáu, ngày 11 tháng 7 năm 2025

Sân khấu Việt “xuất ngoại”: tiềm năng và thách thức

Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng của ông Huỳnh Anh Tuấn tham gia biểu diễn trong khuôn khổ một festival sân khấu quốc tế tại Đài Loan (Trung Quốc)

(Thanhuytphcm.vn) - Nhiều chuyên gia nhận định, cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các nền sân khấu đang rộng mở hơn bao giờ hết với rất nhiều festival, hoạt động sân khấu quốc tế diễn ra nhộn nhịp trên toàn cầu. Một nền sân khấu phong phú và giàu bản sắc như Việt Nam lại càng có tiềm năng vươn xa.

Nhiều tiềm năng

Qua những cơ hội ra khỏi bờ cõi đất nước, có thể thấy được sự trân trọng và thích thú của giới làm nghề lẫn khán giả quốc tế khi tiếp cận sân khấu Việt Nam.

Trong ký ức nhiều nghệ sĩ lão thành, chuyến lưu diễn Tây Âu vào năm 1984 của 4 loại hình sân khấu truyền thống - múa rối nước, hát bội (tuồng), chèo và cải lương - theo lời mời của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) là bước ngoặc cho sân khấu Việt tiếp cận khán giả quốc tế. Trong đó, múa rối nước với đặc trưng riêng và gần như không bị giới hạn về ngôn ngữ đã hoàn toàn chinh phục được khán giả phương Tây. Từ đó, múa rối nước Việt Nam là khách quen của nhiều festival nghệ thuật quốc tế.

Từ năm 2016, ngoài múa rối nước, ngày càng nhiều các loại hình sân khấu Việt Nam, cả truyền thống lẫn hiện đại, được mời đến các hoạt động giao lưu sân khấu quốc tế. Điển hình là tiết mục Mơ rồng (kết hợp trống chèo, múa rối và biểu diễn hình thể) của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã được chọn đại diện cho sân khấu khu vực châu Á - Thái Bình Dương biểu diễn khai mạc Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 36 (được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào cuối tháng 2/2023), cùng với các tiết mục đại diện cho sân khấu châu Âu, châu Phi, châu Mỹ Latin, châu Đại Dương và khu vực Trung Đông.

Những năm gần đây, một số đơn vị cũng thể hiện tham vọng “ra thế giới” khi chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Tiêu biểu là Nhà hát Kịch Việt Nam với dự án hợp tác dài hơi cùng Hiệp hội các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP). Trong đó, vở kịch Bến không chồng - tác phẩm hợp tác giữa 2 bên nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022) - đã được công diễn tại Hàn Quốc vào cuối tháng 9/2023. Tương tự, vở opera đặc biệt Công nữ Anio - tác phẩm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023) - có sự hợp tác giữa nghệ sĩ 2 nước đã đến với khán giả Nhật Bản vào tháng 11/2023.

Riêng sân khấu TPHCM, không tính các chương trình văn nghệ phục vụ kiều bào, việc đưa sân khấu “xuất ngoại” đến với khán giả quốc tế lại khá hiếm. Gần đây nhất là nhóm Triều kịch của đoàn ca kịch thống nhất Quảng - Triều đã tham dự festival ca kịch Triều Châu quốc tế tại TP Sán Đầu (Quảng Đông, Trung Quốc) vào năm 2019. Đoàn đã gây bất ngờ lớn khi diễn tuồng Tấm Cám (chuyển thể từ cải lương sang). “Đoàn chủ nhà Trung Quốc đã rất ngạc nhiên khi Việt Nam vẫn giữ được đoàn Triều kịch phát triển. Càng thú vị hơn khi câu chuyện cổ thuần Việt được thể hiện mượt mà qua nghệ thuật ca kịch Triều Châu, mang đến cho vở một màu sắc riêng biệt, khác hẳn phần còn lại” - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM Trương Tứ Muối kể.

Lắm thách thức

Tuy nhiên, nhìn lại các “kênh xuất ngoại” này, có thể thấy rõ, sân khấu Việt rất khó chủ động trong các cơ hội vươn ra thế giới. Bến không chồng hay Công nữ Anio đều là dự án ngoại giao văn hóa đặc biệt, được tài trợ thực hiện theo quy trình sản xuất sản phẩm sân khấu của nước bạn. Còn các đơn vị được mời đến các festival sân khấu quốc tế đều được ban tổ chức đài thọ chi phí.

Từng tham gia nhiều dự án giao lưu sân khấu quốc tế, nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng cho biết: vở Ông Jourdain ở Sài Gòn lưu diễn Pháp năm 1994 là dự án của Nhà hát quốc gia Pháp và được Viện Trao đổi văn hóa Pháp (IDECAF) kết nối; vở múa đương đại kết hợp nhạc tài tử Ngày xửa ngày xưa đến với các nước Tây Âu năm 1997 là dự án được biên đạo mang 2 dòng máu Việt - Pháp Ea Sola Thủy thực hiện từ tài trợ của một nhà hát tại Pháp; chương trình “Chân dung Việt Nam” giới thiệu nghệ thuật dân tộc Việt Nam tại Ý năm 1997 được cố GS.TS Trần Văn Khê kết nối từ dự án giao lưu văn hóa của một nhà hát của Ý…

Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn vở Bến không chồng tại Hàn Quốc cuối năm 2023 (Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam) Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn vở Bến không chồng tại Hàn Quốc cuối năm 2023 (Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam)

“Để sân khấu Việt chủ động “xuất ngoại” là rất khó. Rào cản đầu tiên chính là “tiền đâu”. Đa số dự án hợp tác quốc tế hiện nay, chúng ta vẫn chưa là chủ thể chính, chủ yếu thực hiện ý tưởng từ đối tác nước ngoài cũng là nhà đầu tư” - nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng nhận định.

“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng - từng là khách mời của một số liên hoan sân khấu quốc tế tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Canada… - cho rằng đã đến lúc sân khấu Việt chủ động trong việc giới thiệu mình với thế giới.

“Chúng ta không thể chỉ mãi ngồi chờ được mời vì không phải ai cũng biết đến mình mà mời. Rõ nhất là dù TPHCM có hoạt động sân khấu sôi động nhất cả nước nhưng các đơn vị sân khấu tại TPHCM gần như không kết nối với một tổ chức sân khấu quốc tế nào - trong khi đây là thế mạnh của các đơn vị sân khấu phía Bắc. Cho nên, chính chúng ta phải thay đổi tư duy, chưa đủ tài lực tự chủ cho các chuyến lưu diễn nước ngoài thì hãy chủ động kết nối, giới thiệu bản thân để trở thành khách mời của các sự kiện giao lưu sân khấu quốc tế đang được tổ chức khắp thế giới” - ông Huỳnh Anh Tuấn nói.

Tuy nhiên NSND - đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng, trước khi nghĩ đến điều gì xa xôi thì hãy củng cố và nâng cao chất lượng sân khấu trong nước cái đã. “Hiện nay, ngoài sân khấu cổ truyền còn có chút lạ thì sân khấu nước ta có gì để khoe ra thế giới? Nội dung kịch bản có phản ánh được xã hội Việt Nam, có giúp khán giả quốc tế định vị được hình ảnh đất nước và con người Việt Nam? Ý tưởng, thủ pháp dàn dựng có gì để người ta xem? Sân khấu chúng ta đang lạc hậu với chính nhu cầu của công chúng trong nước. Hãy thuyết phục khán giả Việt Nam trước khi nghĩ đến việc ra với thế giới” - NSND Trần Minh Ngọc nói.

Minh Khang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo