Phiên bản cải lương Đời cô Lựu năm 2025 tập hợp nhiều “chuông vàng”.(Thanhuytphcm.vn) - Những năm trở lại đây, sân khấu cải lương vào mùa diễn Tết khá trễ so với sàn diễn kịch (khai diễn từ Mùng 1). Năm nay, phải đến Mùng 6 (nhằm ngày 3/2), cải lương Tết mới vào mùa.
So với năm Giáp Thìn 2024, số vở cải lương phục vụ khán giả Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 không đổi, vẫn chỉ 6 vở, nhưng đa dạng màu sắc hơn.
Trong đó, điểm nhấn là 2 vở diễn của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là Đời cô Lựu (soạn giả: Trần Hữu Trang, đạo diễn: Dương Thanh) và Tiếng hò sông Hậu (soạn giả: Điêu Huyền, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) mang màu sắc hoàn toàn riêng biệt. Với Đời cô Lựu là vở cải lương kinh điển về bi kịch xã hội buổi giao thời dưới ách áp bức phong kiến – thực dân, đã trải qua không biết bao nhiêu bản dựng, làm nên tên tuổi của nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương. Lần này, được Đoàn 1 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang làm mới lại, trao cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ, như: Kim Luận (vai cô Lựu), Nguyễn Văn Khởi (Võ Minh Luân), Phùng Ngọc Bảy (hội đồng Dư)… Việc tập hợp nhiều giọng ca bước ra từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ giúp vở diễn được lòng những khán giả cải lương truyền thống thích nghe ca.
Tiếng hò sông Hậu là vở cải lương đề tài cách mạng nổi tiếng được làm mới với lực lượng diễn viên trẻ.Còn Tiếng hò sông Hậu là vở cải lương đề tài cách mạng từng “làm mưa làm gió” trên sân khấu Đoàn Cải lương Sài Gòn 2 những ngày đầu đất nước thống nhất. Với câu chuyện quật khởi về sự vùng lên của những người nông dân tức nước vỡ bờ dưới sự bóc lột của bọn phong kiến, thực dân lẫn phát xít, đạo diễn Hoa Hạ đã phả thêm hơi thở thời đại làm nên một bản dựng mới đầy kịch tính, phù hợp thị hiếu thưởng thức của khán giả hôm nay. Vở có sự góp mặt của lực lượng nghệ sĩ trẻ và giỏi nghề của Đoàn 2 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là: NSƯT Lê Tứ (vai Thừa), NSƯT Thu Vân (Lài), nghệ sĩ Điền Trung (hội đồng Dư), Hoàng Hải (Chơn), Nhã Thy (cô ba Phượng), Trọng Hiếu (tòa Sang)…
Còn lại đều là các vở cải lương tuồng cổ mang màu sắc vui nhộn, hài hước. Trong đó, cóTứ hỷ lâm môn (kịch bản: Trương Vũ – Tú Sương, đạo diễn: NSƯT Bạch Long) của sân khấu Thiên Long lần đầu được dàn dựng sân khấu. Vở có sự góp mặt của: NSƯT Tú Sương, NSƯT Bảo Trí, nghệ sĩ Lê Thanh Thảo, Điền Trung, Thy Nhung, Xuân Trúc, Hùng Vương, Hoàng Chương, Quỳnh Anh, Sơn Minh…
Nhị hồ điệp hiệp nhất hoa là cách kể mới về truyền thuyết Táo quânCòn Nhị hồ điệp hiệp nhất hoa (tác giả - đạo diễn: Bạch Long) của nhóm Đồng Ấu Bạch Long, Tân mai trắng se duyên (tác giả: Bạch Mai, đạo diễn: NSND Hữu Quốc) của Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long và Văn võ kỳ duyên (tác giả: Hồng Sinh – Hoa Lư, đạo diễn: NSƯT Chí Linh) của Sân khấu Chí Linh – Vân Hà được tái dựng. Đây đều là những vở cải lương tuồng cổ có nội dung kịch tính và hài hước, từng được khán giả mộ điệu rất yêu thích từ video cải lương đến các bản dựng sân khấu trước đây. Các vở diễn cũng quy tụ lực lượng nghệ sĩ giỏi nghề của sân khấu cải lương tuồng cổ, như: NSƯT Tú Sương, NSƯT Võ Minh Lâm, NSƯT Bạch Long, NSƯT Vân Hà, nghệ sĩ Bình Tinh, Lê Thanh Thảo, Hoàng Quốc Thanh… cùng các diễn viên trẻ Phương Cẩm Ngọc, Lâm Minh Nghiêm, Trọng Nhân, Bảo Ngọc, Hoàng Nghi…
Ngoài Tứ hỷ lâm môn (mùng 6), Tiếng hò sông Hậu (mùng 9), Đời cô Lựu (mùng 10) và Văn võ kỳ duyên (11 tháng Giêng) diễn tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (Quận 1) thì vở Nhị hồ điệp hiệp nhất hoa (mùng 8) diễn tại Nhà hát Nón Lá (khuôn viên Cung Văn hóa Lao động, Quận 1) và Tân mai trắng se duyên (mùng 8, 9) diễn tại rạp Hồng Viên – Trung tâm Văn hóa Hậu Giang (Quận 6).