Quyển sách “Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ XX đến năm 1930” của NXB Tổng hợp TPHCM.(Thanhuytphcm.vn) - Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018), NXB Tổng hợp TPHCM giới thiệu quyển sách “Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ XX đến năm 1930” của tác giả Phạm Dương Mỹ Thu Huyền.
Theo tác giả Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, đã có nhiều tài liệu, công trình, tác phẩm trong và ngoài nước nghiên cứu về Tôn Đức Thắng nhưng chủ yếu tập trung nghiên cứu tiểu sử nói chung hoặc tổng hợp những bài viết, phát biểu của các nhà nghiên cứu, các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước… mà chưa đi sâu vào những sự kiện, những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đặc biệt là mối quan hệ giữa Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn. Từ trăn trở đó, tác giả đã dành gần 10 năm dày công nghiên cứu, biên soạn và thực hiện công trình này.
Qua gần 200 trang sách với bố cục gồm 3 chương: “Tôn Đức Thắng - Tuổi trẻ và chí hướng”, “Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn thời kỳ 1920 - 1930” và “Một vài nhận xét về vai trò của Tôn Đức Thắng đối với phong trào công nhân Sài Gòn”. Quyển sách phục dựng một cách khái quát tiến trình và đặc điểm của phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn những năm đầu thế kỷ XX. Từ đó thấy rõ xuất phát điểm đội ngũ công nhân TP nói riêng và giai cấp công nhân Việt Nam nói chung, góp phần hỗ trợ việc hoạch định chính sách nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực chuyên môn cho giai cấp công nhân trong sự nghiệp tiếp tục đổi mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đặc biệt, sách đã làm nổi bật mối quan hệ giữa Tôn Đức Thắng - người lãnh đạo - với quần chúng công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng và phong trào công nhân Việt Nam nói chung. Có thể nói Tôn Đức Thắng và phong trào công nhân là hai yếu tố không thể tách rời bởi lẽ: “Nếu Công hội bí mật do Tôn Đức Thắng sáng lập là một sáng tạo lịch sử trong phong trào công nhân thì ngược lại, chính phong trào công nhân là cơ sở, là nền tảng để tạo nên tầm vóc một lãnh tụ Tôn Đức Thắng, vừa là kiến trúc sư lỗi lạc vừa là niềm tự hào của phong trào công nhân Sài Gòn nói riêng và giai cấp công nhân cả nước nói chung”. Qua đó cũng góp phần bổ sung vào kho tư liệu lịch sử về Bác Tôn những kiến thức mới mẻ, có tính chuyên sâu với những chi tiết đắt giá. Ngoài ra, phần cuối sách còn có những hình ảnh tư liệu minh họa thêm cho những đóng góp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ XX.
NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM cũng gửi đến độc giả tập sách “Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Nhà lãnh đạo mẫu mực và bình dị” tập hợp nhiều bài viết, nghiên cứu của các nhà khoa học về quá trình chuyển mình từ người công nhân yêu nước trở thành chiến sĩ cộng sản của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, những cống hiến nổi bật của Bác Tôn cho sự nghiệp cách mạng, kháng chiến và kiến quốc. Cùng với đó là những mẩu chuyện nhỏ làm ngời sáng chuẩn mực, phẩm chất một người cộng sản chân chính được ghi lại từ những nhân chứng từng được tiếp xúc với Bác Tôn.
Đặc biệt, phần phụ lục quyển sách còn giới thiệu kịch bản sân khấu “Bài ca Hắc Hải” của nhà văn Minh Khoa khắc họa hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng trong nhà tù thực dân Pháp ở Côn Đảo - người tù khổ sai mang số 5289 Hai Thắng chính là người thủy thủ Việt Nam kéo lá cờ phản chiến trên chiến hạm France ủng hộ Cách mạng tháng Mười và nước Nga Xô Viết non trẻ ngày nào. “Bài ca Hắc Hải” từng được dàn dựng thành kịch truyền hình và công chiếu trên kênh HTV9 Đài Truyền hình TPHCM vào năm 2006.