Thứ Năm, ngày 17 tháng 7 năm 2025

Rủi ro và cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc

Trước tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, doanh nghiệp Việt Nam nếu nhanh nhạy sẽ nắm bắt được cơ hội

(Thanhuytphcm.vn) - Hàng chuyển tải (transhipment) là hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam rồi dán nhãn Việt Nam và xuất sang Mỹ để tránh thuế. Nếu không kiểm soát, sẽ làm cho Việt Nam trở thành tâm điểm để Hoa Kỳ tấn công thương mại. Đó là cảnh báo của ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam tại Hội thảo: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” diễn ra tại TPHCM ngày 24/10, do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM tổ chức.

Ông Nguyễn Xuân Thành dẫn chứng: vừa qua, thép Việt Nam nhưng có xuất xứ từ Trung Quốc là một ví dụ khi bị Mỹ đánh thuế lên 450% (gồn 199,76% thuế chống phá giá và 256,44% thuế đối kháng). Khi Mỹ phát hiện, không chỉ doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị trừng phạt và là cả nhóm sản phẩm thép. Không chỉ thuế cao mà còn ảnh hưởng đến uy tín, dễ đưa Việt Nam vào tầm ngắm để Mỹ có thể hành động vì thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng rất lớn.

Bên cạnh đó, hàng Trung Quốc không xuất được sang Mỹ thì sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam, như các mặt hàng va ly, túi xách, đồ nhựa, hóa chất,... DN sản xuất trong nước sẽ chịu sức cạnh tranh lớn hơn.

Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (32 tỷ USD theo tính toán của Hải quan Việt Nam, 38 tỷ USD theo phía Hoa Kỳ năm 2017). Vị trí này đứng sau Trung Quốc, EU, Mexico, Nhật Bản. Đồng thời, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở (tính bằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa/GDP) đứng thứ 7 thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu bằng 200%/GDP.

“Nếu bị Hoa Kỳ đánh thuế trừng phạt, tác động lên nền kinh tế Việt Nam sẽ tiêu cực hơn rất nhiều so với các nền kinh tế Trung Quốc, EU, Mexico, Nhật Bản. Việc chuẩn bị cơ sở vững chắc để chứng minh Việt Nam không can thiệp tỷ giá để nâng cao tính cạnh tranh của xuất khẩu cùng các nỗ lực điều chỉnh để quan hệ xuất nhập khẩu cân bằng hơn và duy trì quan hệ ngoại giao tốt sẽ giúp Việt Nam tránh không bị tấn công bởi chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ”, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh rủi ro kể trên, Việt Nam sẽ có lợi thế từ tác động của cuộc chiến tranh Mỹ - Trung. Cụ thể, trong 3 đợt áp thuế, hai đợt đầu 50 tỷ USD chủ yếu tập trung vào máy móc, thiết bị, cơ khí,...; Mỹ chưa đánh thuế vào hàng tiêu dùng để không ảnh hưởng liền tới người tiêu dùng Mỹ, đây là chiến thuật của Mỹ. Vì vậy, hai đợt đầu chưa ảnh hưởng tới Việt Nam.

Nhưng trong đợt 3, Mỹ bắt đầu đánh thuế hàng tiêu dùng, trong đó đồ nội thất chịu thuế 10% và có thể tăng lên 25% vào cuối năm nay.

Nếu 32 tỷ USD đồ gỗ nội thất Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ bị đánh thuế 25% vào cuối năm nay thì kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Trung Quốc sẽ bị giảm khoảng 7 tỷ USD. Đây là cơ hội cho ngành đồ gỗ nội thất Việt Nam hưởng lợi thay thế.

Bên cạnh đó, trong cả 3 đợt đánh thuế của Hoa Kỳ, chưa có hàng may mặc, da giày nên nhóm hàng này của Việt Nam xuất sang Mỹ chưa bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, các sản phẩm nông nghiệp, nông sản chế biến của Việt Nam đang xuất sang Hoa Kỳ khoảng 2,9 tỷ USD được hưởng lợi, khi nhóm hàng này của Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ bị đánh thuế 10%.

TS Trần Du Lịch nhận định: Đây không đơn giản là cuộc chiến tranh thương mại, mà là cuộc cạnh tranh về địa chính trị, vị thế sẽ chi phối toàn bộ quan hệ toàn cầu. Vấn đề của Việt Nam không phải là “ngư ông đắc lợi”. “Tôi tin rằng Chính phủ đang nghiên cứu sâu để có cái nhìn trước mắt và chiến lược lâu dài để không ảnh hưởng đến DN, DN yên tâm sản xuất, kinh doanh. Chính phủ đã nói rõ chính sách hiện nay là duy trì ổn định; không sử dụng chính sách tiền tệ theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”. Chúng ta không nên lo và chạy trước cái chưa diễn ra, quan trọng chính sách vẫn phải ổn định về vĩ mô, lãi suất, tỷ giá”, TS Trần Du Lịch nói.

Sơn Nam

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo