Các thế hệ văn nghệ sĩ TPHCM chia sẻ những kỷ niệm về tác giả Lê Duy Hạnh (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 4/8, tại Nhà hát Sân khấu Nhỏ (5B Võ Văn Tần), Hội Sân khấu TPHCM và gia đình đã tổ chức kỷ niệm 1 năm ngày mất, đồng thời ra mắt 2 tuyển tập kịch bản của cố tác giả Lê Duy Hạnh.
Đông đảo văn nghệ sĩ cùng các nhà quản lý văn hóa đã đến dự, tưởng nhớ một tác giả lớn, nhà quản lý có tâm, có tầm của nền sân khấu TPHCM.
Dịp này, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu TPHCM, Hội Nhà văn TPHCM và gia đình cố tác giả Lê Duy Hạnh đã thực hiện và ra mắt 2 quyển sách là: Tuyển tập kịch bản cải lương (NXB Sân khấu thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ấn hành) và Lê Duy Hạnh - Miền nhớ: Tuyển tập tác phẩm (NXB Hội Nhà văn ấn hành).
Trong đó, Tuyển tập kịch bản cải lương in 6 kịch bản tiêu biểu của tác giả Lê Duy Hạnh trong giai đoạn đầu sáng tác, đã được nhiều đơn vị nghệ thuật trong cả nước dàn dựng và biểu diễn là: Tiếng sáo đêm trăng (cải lương dân gian Việt Nam), Dòng sông đầm lầy, Dốc sương mù, Thị trấn đêm giông, Ký họa người đồng bằng (đề tài hiện thực, cách mạng), Hoa độc trong vườn (đề tài lịch sử).
Còn Lê Duy Hạnh - Miền nhớ: Tuyển tập tác phẩm gồm 12 kịch bản được chọn lọc từ hơn 60 kịch bản qua các thời kỳ sáng tác với các đề tài, thể loại khác nhau của tác giả Lê Duy Hạnh. Gồm có: Tâm sự Ngọc Hân, Miền nhớ (cải lương); Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc, Mặt trời đêm thế kỷ, Trời Nam, Người cáo (hát bội); Diễn kịch một mình, Hoàng hậu của hai vua, Trần Nhân Tông (kịch một nhân vật), Chuyện lạ, Vua thánh triều Lê, Người năm 2222 (kịch nói).
Hầu hết các tác phẩm này đã được dàn dựng và công diễn ở nhiều thời kỳ, một số kịch bản cũng đã được in ấn, phát hành rộng rãi. Tuy nhiên, các kịch bản được in lại hoặc in lần đầu trong tuyển tập này với sự giúp đỡ của gia đình tác giả đã có sự rà soát lại kỹ càng các văn bản gốc gồm cả bản thảo của tác giả Lê Duy Hạnh.
2 tuyển tập kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh là tài liệu quý cho người theo đuổi sân khấu Việc thực hiện và xuất bản 2 tuyển tập kịch bản này nhằm tạo điều kiện để nghệ thuật sân khấu tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp, góp phần tích cực cho việc định hướng sáng tác và trình diễn trong thời gian tới. Đồng thời, tôn vinh những thành tựu văn học nghệ thuật của TPHCM, thiết thực hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (1975 – 2025).
Nhiều nhà chuyên môn nhận định, Lê Duy Hạnh là nhà viết kịch với những kịch bản mang tầm vóc thời đại có sức ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực sân khấu cả nước, đồng thời là nhà quản lý có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền sân khấu TPHCM. Giá trị tư tưởng thẩm mỹ và nghệ thuật trong các sáng tác của ông dù với phong cách nào cũng đều thể hiện bút lực dồi dào, sắc sảo, bản lĩnh, luôn tìm tòi không ngừng đổi mới trong tư duy và phương thức thực hiện. Cùng với sự sáng tạo trong dàn dựng và trình diễn của các thế hệ văn nghệ sĩ tài năng, nhiều tác phẩm của ông đã sống trọn vẹn cùng đời sống văn học nghệ thuật, đồng hành cùng lịch sử sân khấu thời kỳ đổi mới và phát triển đất nước.