Thứ Sáu, ngày 2 tháng 5 năm 2025

Đại tá, phi công, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Nghĩa:

Mỗi phi công cần phải rèn luyện, giữ vững ý chí

Phi công Nguyễn Văn Nghĩa trong những năm tham gia chiến đấu. (Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) - Đại tá, phi công, Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Nguyễn Văn Nghĩa là phi công đầu tiên của bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam lái máy bay MiG 21 bắn rơi máy bay Mỹ trong chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972. Nhân kỷ niệm chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa đã có những chia sẻ thú vị về cảm xúc của những ngày tháng 12 lịch sử của 45 năm trước.

- Phóng viên: Xin Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ về sự chuẩn bị của bộ đội Không quân của ta với chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972?

* Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa: Năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn bộ đội Phòng không, Không quân về vấn đề nghiên cứu B52. Người nhận định rằng, đế quốc Mỹ sẽ đưa B52 vào chiến trường Việt Nam. Cho nên, muốn đánh bại được B52 thì phải nghiên cứu và “đã đánh là phải thắng”. Đúng như Bác Hồ dự đoán, giữa 1965, Mỹ lần đầu tiên đưa máy bay B52 ném bom khu Bến Cát (Bình Dương), đến năm 1966, Mỹ sử dụng B52 ném bom đèo Mụ Dạ, khu vực Vĩnh Linh (Quảng Trị), Quảng Bình.

Lúc bấy giờ, chỉ có tên lửa phòng không và MiG 21 mới có thể tiêu diệt được B52. Từ năm 1967, bộ đội Phòng không – Không quân đã trực tiếp vào khu vực Vĩnh Linh (Quảng Trị), Quảng Bình, Nghệ An để nghiên cứu đội hình bay B52, tìm cách đánh. Đó là một quá trình nghiên cứu công phu, trong đó bao gồm bộ đội dẫn đường, tham mưu tác chiến và cả phi công. Chúng tôi lên đỉnh đèo Mụ Dạ để quan sát, nghiên cứu đội hình máy bay B52, đội hình máy bay tiêm kích bảo vệ B52 và nghiên cứu các loại nhiễu trong đội hình B52... Từ kết quả nghiên cứu, bộ đội Phòng không đã viết tập sách “Cẩm nang đỏ, cách đánh B52” .

Còn bộ đội Không quân triển khai kế hoạch huấn luyện đặc biệt, tìm ra cách tiếp cận B52 một cách nhanh nhất để tấn công. Vì vậy, khi chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” diễn ra, bộ đội Phòng không và bộ đội Không quân hoàn toàn không bất ngờ, hoàn toàn chủ động đón đánh B52. Đặc biệt, ngày 20/11/1971, khi lần đầu tiên tiếp cận và phóng tên lửa, phi công MiG 21 Vũ Đình Rạng đã bắn trúng B52, khiến nó hư hỏng và phải hạ cánh khẩn cấp ở Thái Lan. Từ đó, tâm trạng của những phi công MiG 21 như chúng tôi trước khi vào trận chiến là hoàn toàn tự tin, không có một chút lo lắng.

- Phóng viên: Thưa Đại tá, lúc bấy giờ, bộ đội Không quân đưa ra phương án tác chiến như thế nào với máy bay B52?

* Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa: Trên mỗi một máy bay B52 được trang bị gần 40 loại nhiễu tiêu cực và tích cực, để che mắt thần radar mặt đất của mạng lưới phòng không của ta. Máy bay B52 còn treo những mục tiêu giả để ngụy trang trước hỏa lực máy bay MiG 21. Bên cạnh đó, B52 còn được lực lượng tiêm kích chiến thuật bảo vệ dày đặc trong đội hình B52 và trong hành lang B52 tiến vào mục tiêu. Vì thế B52 được đế quốc Mỹ cho là “pháo đài bay bất khả xâm phạm”. Máy bay B52 của Mỹ bay cao nhất được 15km, khi bay vào mục tiêu để đánh phá, thường bay ở độ cao 10km với trung bình mỗi máy bay mang 20 tấn bom. Đội hình chiến thuật B52 thường là 3 chiếc, chủ yếu là bay đêm. Ban đêm thì ta hoàn toàn phụ thuộc vào radar. Radar không bắt được mục tiêu, phi công không thấy mục tiêu thì đương nhiên không thể tấn công. Bài toán đặt ra là làm thế nào để đưa máy bay MiG 21 tiếp cận được B52 một cách nhanh nhất và bất ngờ tấn công, đòi hỏi phải nghiên cứu và huấn luyện kỹ lưỡng.

Hồi đó, ta dùng máy bay vận tải IL18 bay ở độ cao 9 - 10 km làm mục tiêu tạo giả bay để MiG 21 luyện tập. MiG 21 bay ở độ cao thấp, dẫn vào khu vực tác chiến, sử dụng ưu thế tốc độ, tính năng lấy độ cao nhanh của MiG 21, kéo cao tiếp cận mục tiêu một cách nhanh nhất để tấn công một cách bất ngờ, khi mà tiêm kích đối phương chưa kịp hành động. Chương trình huấn luyện không nhiều nhưng phi công có được kỹ năng bay tốt áp dụng cho cách đánh B52, sẵn sàng xuất kích đánh B52 một cách tự tin. Đúng như vậy! Vào chiến dịch, chúng tôi dùng thế mạnh của MiG 21 trong khoảng thời gian ngắn nhất, lấy được độ cao tương ứng độ cao B52, nhanh chóng tiếp cận mục tiêu và tấn công, tạo được thế bất ngờ tiêu diệt mục tiêu B52.

Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng các đại biểu trong một buổi họp mặt gần đây tại TPHCM Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng các đại biểu trong một buổi họp mặt gần đây tại TPHCM

- Phóng viên: Tinh thần, kết quả chiến đấu của bộ đội Không quân trong chiến dịch như thế nào thưa Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa?

* Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa: Đêm 18/12/1972, đế quốc Mỹ bắt đầu chiến dịch Linebacker II dùng B52 đánh vào miền Bắc. Phía ta gọi là chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Ngay đêm đầu tiên của chiến dịch, các phi công của ta đã liên tục xuất kích, dũng mãnh tấn công vào các đội hình máy bay tiêm kích chiến thuật và đội hình B52 của địch, làm rối loạn đội hình chiến thuật, buộc chúng phải đối phó với máy bay MiG 21 của ta, Từ đó, đã tạo điều kiện tốt để bộ đội Phòng không sử dụng tên lửa hạ gục pháo đài bay B52. Trong đêm đầu tiên, lực lượng ta bắn rơi 6 máy bay Mỹ, trong đó có 3 máy bay B52.

Kỷ niệm khó quên của riêng tôi là chiếc máy bay F-4 tôi bắn rơi ngày 23/12/1972. Đó là chiếc máy bay của Mỹ đầu tiên bị Không quân nhân dân Việt Nam bắn rơi trong chiến dịch “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không. Chiến công đó đã “tạo đà” hun đúc tinh thần của các phi công MiG 21, thi đua cùng nhau xuất kích tiêu diệt máy bay địch. Và trong những ngày tiếp theo, các phi công MiG 21 liên tiếp lập công, tiêu diệt thêm 7 máy bay địch, trong đó có 2 máy bay B52. Các chiến công liên tiếp đã góp phần cùng các lực lượng khác đập tan âm mưu chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chấp nhận thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

- Phóng viên: Đại tá có những lời căn dặn gì đối với đội ngũ phi công trẻ hiện nay?

* Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa: Thời chúng tôi tham gia chiến đấu trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 cũng là những phi công rất trẻ nhưng chính ý chí và niềm tin qua bao tháng ngày rèn luyện thử thách, đã tạo nên sức mạnh giúp chúng tôi tự tin để đối mặt với kẻ thù và đủ bản lĩnh, kỹ năng để tấn công tiêu diệt máy bay Mỹ. Thời nào cũng vậy, mỗi phi công cần phải rèn luyện, giữ vững ý chí, có niềm tin sẽ hoàn thành nhiệm vụ, sẽ chiến thắng. Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển mới, đòi hỏi bộ đội Không quân phải có những giải pháp rèn luyện, trau dồi kỹ năng sao cho phù hợp với hoàn cảnh và phải luôn đặt mục tiêu không bị bất ngờ và phải đánh thắng ngay từ lần xuất kích đầu tiên lên trên hết. Chúng tôi tin tưởng rằng thế hệ phi công trẻ hôm nay sẽ lập được chiến công như lớp phi công năm xưa nếu có bất kỳ kẻ thù nào xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của đất nước ta!

-Phóng viên: Xin cảm ơn Đại tá!

Long Giang thực hiện

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo