Thứ Tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024

Quy định rõ thẩm quyền quản lý về đăng ký, cấp phép bay đối với tàu bay không người lái

Phiên họp Quốc hội chiều 30/10.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 30/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân cho biết, về khái niệm “tàu bay không người lái”, “phương tiện bay siêu nhẹ”, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉnh lý lại khái niệm này đảm bảo phù hợp, đầy đủ, bao quát đối với cả những thiết bị bay khác không người lái có thể có trong tương lai như taxi bay, motor bay. Để bảo đảm bao quát, thống nhất với các quy định có liên quan, UBTVQH đã bỏ từ “siêu nhẹ” và xây dựng khái niệm theo hướng liệt kê các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay (trừ diều bay dân gian) và thiết bị bay khác có người điều khiển hoặc không có người điều khiển mà không phải là tàu bay, máy bay trực thăng, tàu bay không người lái.

Về nhiệm vụ phòng không nhân dân, dự thảo luật quy định phòng không nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 mét là dựa trên cơ sở nhiệm vụ, vũ khí, trang bị được biên chế, khả năng tác chiến của lực lượng phòng không nhân dân và quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉnh lý lại theo hướng không quy định cụ thể các lực lượng mà quy định các nhiệm vụ cụ thể để xác định rõ vị trí, vai trò của lực lượng phòng không nhân dân trong quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 mét.

Lực lượng phòng không nhân dân gồm: lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi, trong đó quy định khái quát lực lượng nòng cốt là lực lượng tại các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và dự bị động viên; lực lượng rộng rãi có lực lượng được huy động và lực lượng tự nguyện.

Dự thảo quy định, Bộ Công thương quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác, nhưng đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do vậy cần phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Bộ KH-ĐT quản lý hoạt động kinh doanh tàu bay không người lái và phương tiện bay khác, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện quản lý về đăng ký, cấp phép bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời.

Về cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nhấn mạnh, khu vực cấm bay và khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ được quy định tại Quyết định số 18/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn thực hiện Luật Hàng không dân dụng và Nghị định 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; dự thảo luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

UBTVQH đã bổ sung quy định Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác. Bộ Quốc phòng sẽ căn cứ vào loại phương tiện, độ cao, tính chất hoạt động của tàu bay không người lái và phương tiện bay khác để phân cấp thẩm quyền cấp phép bay cho Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh TPHCM, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh; bổ sung Bộ Công an cấp phép bay cho các chuyến bay của tàu bay không người lái và phương tiện bay khác của Bộ Công an và phải thông báo cho Bộ Quốc phòng biết để quản lý vùng trời theo quy định.

Thảo luận về nội dung dự thảo luật, các ý kiến đề nghị xác định rõ tiêu chí, trọng điểm phòng không nhân dân. Các đại biểu cũng đề nghị quy định cụ thể cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác; đề nghị phân định thẩm quyền của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong đăng ký cấp phép cho các chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác; giao thẩm quyền cho địa phương để quản lý thuận lợi trên từng khu vực bầu trời. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị quy định việc xử lý đối với các hành vi tạo chướng ngại vật, cản trở hoạt động quản lý, bảo vệ bầu trời. Bất kể đó là vô ý hay cố ý, khi xảy ra vật cản, chướng ngại thì chắc chắn tác động xấu như nhau. Do đó, không nên phân biệt vô ý hay cố ý.

Các ĐB cũng đề nghị cân nhắc quy định cụ thể độ cao “dưới 5.000m” vì khó xác định độ cao của máy bay, vật thể bay và khó khăn trong phòng thủ. Giải trình về nội dung này, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ, Bộ Quốc phòng đang trang bị pháo cho lực lượng dân quân tự vệ với độ cao bắn được 5.000m tính từ vị trí bố trí trận địa, tiến tới sẽ biên chế thêm các loại có khả năng bắn tới 7.000m; Bộ cũng có rất nhiều phương tiện quan sát để đo cự ly”, Bộ trưởng nêu.

Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các ĐB, chỉnh lý dự thảo luật một cách đầy đủ, đơn cử về vấn đề cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, sẽ theo hướng ai có thẩm quyền cấp thì có thẩm quyền thu hồi giấy phép bay đó.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo