Quốc hội chiều 19/6(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 19/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi). Theo đó, với 92,91% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi).
Luật Giá (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý được Quốc hội thông qua gồm 8 Chương, 75 Điều quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá…
Luật Giá (sửa đổi) cũng sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, như: loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không duy trì các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá quy định…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cho biết, về bình ổn giá, một số ý kiến đề nghị không đưa mặt hàng “sữa dành cho người cao tuổi” và “thịt heo” vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; một số ý kiến đề nghị nên bổ sung các mặt hàng này vào trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá
Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH) nhận thấy trên thực tế, hiện nay mặt hàng “sữa dành cho người cao tuổi” có tính chất như một thực phẩm chức năng và xét về mức độ biến động giá, phạm vi ảnh hưởng, tác động, mặt hàng sữa đối với người cao tuổi không lớn so với mặt hàng sữa dành cho trẻ em và xét về công cụ quản lý, điều tiết của Nhà nước thì trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng quy định như dự thảo Luật.
Đối với mặt hàng “thịt heo”, đây là mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cơ bản lớn trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, UBTVQH nhận thấy, hiện nay tỷ lệ sử dụng thịt heo trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình có xu hướng giảm trong thời gian gần đầy, chỉ ở mức 40-45% so với mức 65-70% như trước đây. Việc áp dụng bình ổn giá đồng nghĩa với việc phải kê khai giá và khó khả thi khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh; giá biến động từng ngày đối với mặt hàng này nên các cá nhân kinh doanh cơ bản sẽ khó thực hiện quy định kê khai giá như dự thảo Luật quy định. Theo quy định hiện hành, mặt hàng “thịt heo” không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và thực tế diễn biến thị trường trong thời gian qua cũng không đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đưa vào thực hiện bình ổn giá.
Do vậy, tại thời điểm hiện nay, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép không quy định các mặt hàng này tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).Về định giá của Nhà nước, đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, đa số ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ: Nhà nước định giá tối đa (giá trần) để đảm bảo lợi ích nhân dân; có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá.
UBTVQH nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường hàng không còn mang tính cạnh tranh hạn chế; việc thúc đẩy các loại hình vận tải phát triển đồng bộ, hiện đại còn phải phấn đấu, đặc biệt là khi đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao chưa được triển khai, vận hành; khi chưa đánh giá được tác động và hệ quả của việc bỏ quy định về giá trần; để một mặt đảm bảo quyền chủ động của các hãng hàng không, song mặt khác vẫn bảo vệ quyền lợi của người dân thì Nhà nước vẫn cần giữ quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa với tính chất là công cụ quản lý nhà nước về giá nhằm bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước trong ổn định thị trường, giữ được cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Trên cơ sở căn cứ bối cảnh thực tế, nghiên cứu thận trọng các luồng ý kiến khác nhau, dựa trên nguyên tắc quyết định theo đa số, tại thời điểm hiện nay, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa.
Có ý kiến đề nghị quy định khung giá đối với sách giáo khoa (quy định cả giá sàn), UBTVQH cho biết, theo Luật Giá hiện hành, sách giáo khoa không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá. Tuy nhiên, từ Quốc hội khóa XIV đến nay, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị Nhà nước cần kiểm soát giá mặt hàng này nhằm bảo vệ lợi ích người dân, tránh tác động tăng giá từ các nhà xuất bản. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo quy định giá trần và không quy định giá sàn đối với mặt hàng này. Việc không quy định giá sàn vì đây là mặt hàng có tính đặc thù, đối tượng tiêu dùng mang tính bắt buộc, trong đó có cả đối tượng yếu thế. Nếu quy định giá sàn, các đơn vị phát hành sách không thể bán cho người dân với giá thấp hơn giá sàn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nhất là người có thu nhập thấp. Hơn nữa, hiện nay, Chính phủ không đề xuất quy định giá sàn nên chưa đánh giá tác động nếu quy định giá sàn đối với sách giáo khoa. Vì vậy, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì chưa đủ căn cứ để bổ sung quy định về giá sàn.