Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát cho biết, mục đích giám sát nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan tình hình và kết quả thực hiện: việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Nội dung giám sát tập trung vào việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc tổ chức hệ thống y tế cơ sở, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế cơ sở; việc tổ chức bộ máy y tế dự phòng, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế dự phòng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, trong tháng 2 và tháng 3/2023, trên cơ sở tổng hợp báo cáo kết quả của các đối tượng giám sát và báo cáo kết quả giám sát của đoàn Đại biểu Quốc hội tại địa phương, báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, đoàn sẽ giám sát trực tiếp tại một số bộ, ngành, địa phương. Trong đó, chú trọng những nơi có tình hình nổi bật, có tính đại diện về vùng, miền, kinh tế - xã hội, là điểm nóng về dịch Covid-19, có vấn đề nổi cộm về y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng tổ chức 1 hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và phòng, chống dịch; làm việc với Chính phủ, báo cáo kết quả giám sát với UBTVQH tại phiên họp tháng 4/2023 trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Theo kế hoạch, đoàn dự kiến giám sát trực tiếp tại 14 bộ, ngành và 12 địa phương, gồm các bộ, ngành: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Y tế, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin - Truyền thông, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 12 địa phương: Hà Nội, TPHCM, Hưng Yên, Quảng Ninh, Yên Bái, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế (hoặc Đà Nẵng), Kon Tum, Phú Yên, An Giang (hoặc Đồng Tháp), Cần Thơ, Tây Ninh (hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu).
Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, đây là một chuyên đề giám sát mang tính thời sự, được đông đảo cử tri và nhân dân đón nhận. Đoàn giám sát trong bối cảnh tình hình vụ Việt Á đang tác động lớn nên phương pháp, cách thức làm cần cân nhắc thêm, nên lập tổ đi trước, các đồng chí lãnh đạo đến sau để kết luận, “tránh việc chỉ nghe một chiều của báo cáo”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, có nội dung các cơ quan chức năng vừa qua đã làm kỹ (như kit xét nghiệm), vì vậy, nên chăng tập trung vào giám sát vấn đề vaccine, cơ chế Covax, viện trợ, mua vaccine thế nào, mua có đúng không, phân phối ra làm sao, quản lý sử dụng như thế nào… Bên cạnh đó, cần làm rõ chủ trương nghiên cứu, sản xuất, chế tạo vaccine và các thiết bị vật tư trong nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng, việc giám sát cần làm rõ thực trạng địa phương bố trí vốn cho y tế dự phòng như thế nào (có đảm bảo bố trí ít nhất 30% ngân sách y tế dành cho y tế dự phòng). Đoàn giám sát cần lý giải nguyên nhân vì sao gói hỗ trợ trong Nghị quyết 43/2022/QH15 tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng lại không sử dụng hết, do không có nhu cầu, không quan tâm bố trí hay do không chuẩn bị đầu tư kịp; đồng thời, kiến nghị đầu tư cho y tế cơ sở và y tế dự phòng trong thời gian tới.
Qua thảo luận, UBTVQH thống nhất không bắt buộc Thường trực HĐND có báo cáo riêng, mà đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND thực hiện giám sát và có báo cáo chung, nhưng khuyến khích Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố có báo cáo riêng và tổ chức giám sát riêng.
Toàn cảnh phiên họp sáng 23/9 * Cũng trong sáng 23/9, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn Thường trực cho biết, đoàn giám sát đề xuất 4 nội dung tập trung giám sát gồm: công tác chỉ đạo, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia; việc xây dựng các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác phối hợp, lồng ghép quản lý, nội dung, đối tượng, địa bàn, nguồn vốn triển khai thực hiện các chương trình; kết quả đạt được bước đầu về thực hiện dự án, chính sách thuộc các chương trình. Đoàn giám sát sẽ tổ chức giám sát các bộ, ngành và địa phương từ tháng 4 đến tháng 8/2023…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng giám sát của Quốc hội là trách nhiệm giải trình của cơ quan hành pháp, của Chính phủ. Trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các cơ quan liên quan đã thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước hay chưa, kết quả đạt được, vấn đề còn hạn chế, yếu kém, trách nhiệm của các cơ quan như thế nào, nếu sai phạm đề xuất các cơ quan khác vào cuộc. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, giám sát cần gắn trách nhiệm giải trình, Quốc hội sẽ kết luận bằng nghị quyết giám sát - đây mục tiêu chung của các cuộc giám sát của Quốc hội. Giám sát tối cao của Quốc hội không phải là làm thay cho cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, mà chủ yếu là giám sát tổng hợp, trên cơ sở kết quả của kiểm toán, thanh tra, Đoàn giám sát của Quốc hội phân tích, đánh giá sâu sắc thêm vấn đề.