Thứ Năm, ngày 12 tháng 12 năm 2024

Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào – Biểu tượng cho mối quan hệ ngoại giao đặc biệt (30/10/1949 - 30/10/2021)

Một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào (Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân).

(Thanhuytphcm.vn) - Việt Nam và Lào là hai Quốc gia cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mê Kông; là hai Quốc gia có nhiều nét tương đồng về lịch sử, kinh tế, văn hóa. Nhân dân hai nước đều cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống ngoại xâm; giàu lòng nhân ái, bao dung và rất mực yêu chuộng hòa bình, tự do. Chính từ những điều kiện tự nhiên và xã hội ấy mà hai dân tộc Việt Nam - Lào đã gắn kết với nhau từ rất sớm và ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của nhân dân hai nước, trở thành tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, một điển hình mẫu mực hiếm có trong lịch sử quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945) và Chính phủ Lào Issara (ngày 12/10/1945) là cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam - Lào lên tầm liên minh chiến đấu. Trong đó, Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam hoạt động trên đất bạn Lào là biểu tượng cao đẹp, sự gắn kết bền chặt của tình đoàn kết đặc biệt ấy.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tháng 10 năm 1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lào Issara đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt (30/10/1945). Đây là những văn kiện chính thức đầu tiên tạo cơ sở pháp lý để hai nước Việt Nam, Lào hợp tác và đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung.

Để sát cánh cùng các đơn vị vũ trang yêu nước Lào chiến đấu, xây dựng và phát triển lực lượng, trong những năm 1945 - 1947, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quyết định xây dựng và phát triển các đơn vị Việt kiều Giải phóng quân trên đất bạn Lào. Ngày 30 tháng 10 năm 1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”. Đây là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự trên chiến trường Lào; khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Với ý nghĩa đó, ngày 30 tháng 10 năm 1949 được lấy làm ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời kỳ này các đoàn quân tình nguyện lần lượt được thành lập sang giúp cách mạng Lào đẩy mạnh kháng chiến, tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang. Kết quả là ngày 20/01/1949, quân đội Lào Issara ra đời, đánh dấu bước trưởng thành mới của cách mạng Lào.

Tháng 4/1950, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh quyết định thống nhất các lực lượng Quân tình nguyện hoạt động trên chiến trường Bắc Lào thành ba phân khu (A, B và C) được biên chế thành các trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội. Năm 1951, theo thỏa thuận của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Lào, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh tiếp tục tăng cường cán bộ và bộ đội tình nguyện sang chiến trường Lào, đưa tổng quân số tăng lên khoảng 12.000 người.

Chiến sỹ quân y tình nguyện Việt Nam phòng chống dịch bệnh trong vùng giải phóng Lào năm 1962 (Nguồn: Ảnh tư liệu). Chiến sỹ quân y tình nguyện Việt Nam phòng chống dịch bệnh trong vùng giải phóng Lào năm 1962 (Nguồn: Ảnh tư liệu).

Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới (1950), cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào đẩy mạnh phối hợp chiến đấu, tổ chức nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch lớn tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến, nổi bật là Chiến dịch Thượng Lào năm 1953, mở màn vào ngày 8/4/1953 và kết thúc vào ngày 3/5/1953.

Phát huy kết quả đạt được, trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, lực lượng vũ trang Việt Nam - Lào tiếp tục phối hợp mở các chiến dịch tiến công giành thắng lợi ở Trung Lào (tháng 11/1953), Thượng Lào lần thứ hai (tháng 2/1954) và Hạ Lào (tháng 4/1954), tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam tiến lên tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Quân đội và nhân dân Lào tiếp tục thực hiện sự phối hợp, đẩy mạnh hoạt động quân sự ở khắp nơi, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch và đến ngày 21/7/1954, Hiệp định Gionève được ký kết, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào kết thúc thắng lợi.

Trong những năm 1954 - 1959, phương thức hợp tác giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Lào có sự thay đổi. Ta chủ trương chuyển từ chế độ Quân tình nguyện (trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp) sang chế độ Cố vấn Quân sự (từ năm 1959 gọi là Chuyên gia quân sự), về mặt quân sự, Trung ương Đảng ta đặt chế độ cố vấn tách khỏi hệ thống Quân tình nguyện, thực hiện ở ba cấp: Bộ Quốc phòng, Trường Quân chính và các đơn vị, địa phương.

Từ năm 1960, khi đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng trắng trợn vào công việc nội bộ của Lào, thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Lào đứng trước nhiều thử thách. Trước diễn biến mới của tình hình cách mạng Lào, ngày 2/7/1959, báo cáo của Bộ Chính trị về tình hình mới và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào, trong đó xác định nhiệm vụ của Đảng và nhân dân Việt Nam đối với cách mạng Lào lúc này là: “Tích cực ủng hộ cách mạng Lào phải được coi là một nhiệm vụ quốc tế hết sức quan trọng của Đảng và nhân dân ta…, là một công tác có ý nghĩa trọng đại đối với sự nghiệp củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà[1]. Trên tinh thần đó, ngày 6/7/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thành lập Ban Công tác Lào, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban. Sau quyết định này, ngày 12/9/1959, Đoàn chuyên gia quân sự 959 được thành lập và sang hoạt động tại Lào. Đây là những quyết định quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự sáng tạo trong lãnh đạo các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam giúp Lào kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong quá trình giúp Lào, các đoàn Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đều bắt đầu từ đề xuất, kiến nghị những vấn đề quan trọng, giúp Bạn xem xét, đề ra chủ trương, chính sách lãnh đạo kháng chiến, xây dựng và chiến đấu của quân đội; bám sát các nghị quyết của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Bộ Quốc phòng Lào tổ chức triển khai xây dựng lực lượng, đề xuất phương án tác chiến, phối hợp chiến đấu hiệu quả, đặc biệt là trong các chiến dịch lớn, như: Nậm Thà (năm 1962), 128, 74A (năm 1964), Nậm Bạc (năm 1968), Mường Xủi (năm 1969), Đường 9 - Nam Lào (năm 1971), Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (năm 1972)..., tạo bước tiến lớn trong công cuộc kháng chiến của cách mạng Lào và tác động tích cực trở lại đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Sau những thất bại liên tiếp, ngày 27/1/1973, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris. Một tháng sau, ngày 21/2/1973, đế quốc Mỹ tiếp tục phải ký Hiệp định Viêng Chăn về Lào. Đến đây, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào bước sang giai đoạn mới.

Tháng 12/1973, tại cuộc hội đàm giữa các đoàn đại biểu cấp cao của Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, hai bên thống nhất đưa các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam đứng chân ở tuyến sau, giúp bảo vệ, giữ vững vùng giải phóng, hỗ trợ cho bộ đội giải phóng Lào chiến đấu ở phía trước. Cùng với đó là việc rút phần lớn chuyên gia quân sự Việt Nam về nước. Theo đó, trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1973 - 1975), dù quân số không đông, nhưng đội ngũ chuyên gia quân sự đã tập trung giúp cách mạng Lào những vấn đề cơ bản, then chốt nhất, đặc biệt là giúp cách mạng Lào đấu tranh giành chính quyền bằng “ba đòn chiến lược” và “mũi đấu tranh pháp lý”, tiến lên kết thúc cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Lào, dẫn tới sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975.

Với tinh thần quốc tế vô sản và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước Bạn tức là mình tự giúp mình”, Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam đã có đóng góp to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng quân và dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi hoàn toàn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975), nổi bật là:

Giúp Bạn gây dựng cơ sở chính trị; xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang và các căn cứ cách mạng; phát triển chiến tranh nhân dân đáp ứng yêu cầu kháng chiến.

Giúp Bạn huấn luyện lực lượng vũ trang; tăng cường công tác chính trị, xây dựng Đảng; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ đủ sức đảm đương nhiệm vụ của cách mạng Lào.

Sát cánh cùng quân và dân các bộ tộc Lào chiến đấu, từng bước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Xây dựng chiến trường Lào thành chiến trường phối hợp với các hướng chiến trường khác, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam và Lào trở thành hai nước độc lập, thống nhất, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Quan hệ hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới - giai đoạn hợp tác toàn diện. Ngày 5/2/1976, Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do đồng chí Kaysone Phomvihane, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu sang thăm chính thức Việt Nam. Hai đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Lào.

Bộ đội tình nguyện Việt Nam chia tay các bạn Lào trước khi trở về nước (Nguồn: Tạp chí Cộng sản). Bộ đội tình nguyện Việt Nam chia tay các bạn Lào trước khi trở về nước (Nguồn: Tạp chí Cộng sản).

Ghi nhận sự cống hiến, hy sinh và giúp đỡ to lớn của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, trong phát biểu chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đảng Lao động Việt Nam (năm 1976), Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane đã khẳng định: “Trong mọi sự thành công của cách mạng Lào đều có sự đóng góp trực tiếp của cách mạng Việt Nam. Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam có quyền tự hào vì những đóng góp máu xương vào thắng lợi của quân và dân Lào anh em trong suốt chặng đường dài mấy mươi năm chiến đấu và công tác trên đất nước Triệu Voi anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng đại mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân trao cho[2].

Ngày 30/4/1976, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 251-NQ/TW về tăng cường đoàn kết, giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới. Nghị quyết nêu rõ: “Tăng cường đoàn kết, giúp đỡ và hợp tác đối với Lào là một trong những nhiệm vụ quốc tế hàng đầu của Đảng và nhân dân ta trong tình hình hiện nay”.

Vào cuối năm 1976 đầu năm 1977, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đứng trước tình hình an ninh chính trị, chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa. Trước tình thế đó, theo yêu cầu chính thức của Lào, Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam một lần nữa đã trở lại giúp Bạn.

Ngày 18/7/1977, trong cuộc thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, Hiệp ước Hoạch định đường biên giới Quốc gia và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài. Đây là các hiệp ước đặc biệt quan trọng mang tính chiến lược về đào tạo cán bộ, ngoài chương trình đào tạo dài hạn, Bộ Quốc phòng Việt Nam thường xuyên tổ chức các lớp học ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đơn vị của Quân đội Lào. Việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam trên đất Lào cũng được hai bên quan tâm, tích cực phối hợp và đạt kết quả tốt.

Cùng với đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hai nước tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật,... Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp và thủy lợi sang giúp Lào nghiên cứu, thu thập tài liệu, khảo sát phân tích đất, thiết kế hệ thống thủy lợi, tiến hành xây dựng luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho các dự án về nông nghiệp; trực tiếp xuống tận các bản làng để giúp đỡ nông dân Lào canh tác, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng hệ thống thủy lợi, phát triển kỹ thuật chăn nuôi theo phương pháp khoa học. Đồng thời, Lào còn yêu cầu Việt Nam cử các chuyên gia sang giúp Bạn xây dựng chương trình giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp...

Những năm gần đây, quan hệ hữu nghị Việt - Lào, Lào - Việt được lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục quan tâm vun đắp, củng cố, tăng cường, coi đây là quy luật giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của mỗi nước. Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta từ ngày 24 đến 25/2/2019, hai bên đã nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong kính yêu gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, nhân tố bảo đảm sự tồn tại và phát triển của hai nước.

Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai nước. Nhằm phát huy những thành tựu to lớn trong quan hệ đặc biệt và truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của hai dân tộc Việt Nam - Lào, truyền thống vẻ vang của Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào. Do đó, hơn lúc nào hết, bên cạnh phát huy truyền thống quý báu và sức mạnh tổng hợp của hai nước, việc vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm lịch sử, đặc biệt là kinh nghiệm từ quá trình hoạt động của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tiếp tục xây dựng, củng cố vững chắc tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa nhân dân hai nước. Từ đó, nhân lên niềm tự hào cho các thế hệ người dân Việt Nam và Lào, nhất là thế hệ trẻ, để tiếp tục bồi tụ, vun đắp mối quan hệ đặc biệt lên một tầm cao mới, xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của hai dân tộc Việt Nam và Lào.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

_____________________

[1] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng: Bộ Chính trị báo cáo Trung ương Đảng về tình hình mới và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào, ngày 02/7/1959, Phòng Quân ủy Trung ương, Hồ sơ 223.

[2] Bộ Quốc phòng: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Ban liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào: Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào - Biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt - Lào, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 29.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo