Chủ Nhật, ngày 13 tháng 7 năm 2025

Quan tâm chăm sóc trẻ em sau Covid-19

Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM trao tặng sổ tiết kiệm cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Các đợt bùng phát dịch Covid-19 trong năm 2021 đã để lại nhiều hậu quả cho trẻ em, do đó việc chăm sóc trẻ cần được quan tâm nhiều hơn với nhiều hình thức hơn. Đặc biệt, có những vấn đề nếu không tìm hiểu kỹ có thể không được đánh giá đầy đủ mức độ ảnh hưởng, nên có khi chưa thực hiện việc chăm sóc đúng mức.

Trước hết, các trẻ thuộc diện mồ côi cha, mẹ, người nuôi dưỡng do dịch là đối tượng cần được đặc biệt quan tâm. Từ trong các đợt dịch cho đến nay, chính quyền các cấp, nhiều cơ quan, đơn vị đã có những giải pháp chăm lo cụ thể, thiết thực, bước đầu có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần nhân bản sâu sắc của chế độ ta, yếu tố nghĩa tình đậm nét của nhân dân thành phố, yếu tố quan tâm đến chồi non đất nước của xã hội…

Tuy nhiên, thời gian càng xa dịch thì sự quan tâm, hỗ trợ đó có thể ngày càng nhạt dần. Chẳng hạn, giả sử có doanh nghiệp cam kết bảo trợ trẻ học đến khi tốt nghiệp THPT với một khoản kinh phí nhất định hằng tháng nhưng vài năm sau doanh nghiệp không còn hoạt động thì trách nhiệm này ai sẽ thực hiện? Hoặc ai sẽ theo dõi việc các tổ chức, cá nhân hứa hỗ trợ các trẻ mồ côi hoặc điều kiện cụ thể của các cháu ở từng thời điểm để xem sự hỗ trợ có còn phù hợp nữa không?… Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần lập danh sách từng trường hợp trẻ mồ côi cụ thể trên địa bàn, ghi nhận các hình thức bảo trợ cụ thể, đầu mối liên hệ, thời gian thực hiện, các phương án dự phòng…, để có cách thức quan tâm, chăm sóc hợp lý.

Hay các trường hợp trẻ mồ côi vì lý do khác, có thể chưa được hỗ trợ thỏa đáng, thì cũng cần có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Bởi sau dịch, một số trẻ có thể chịu ảnh hưởng như người thân mất việc, giảm thu nhập hoặc bản thân các cháu không bảo đảm sức khỏe…, đều rất cần được quan tâm.

Bên cạnh đó, cần rà soát có bao nhiêu trẻ từng bị nhiễm Covid-19 có các vấn đề về sức khỏe, như bị tổn hại một số cơ quan của cơ thể, bị di chứng của Covid, bị các triệu chứng hậu Covid… Hay việc trẻ bị sang chấn tâm lý có liên quan đến Covid cũng cần được tìm hiểu kỹ, gắn với việc nắm bắt tình trạng sức khỏe của trẻ ở nhà trường. Việc rà soát này sẽ làm cơ sở để phối hợp với gia đình có các biện pháp chăm sóc hợp lý hoặc có hình thức hỗ trợ phù hợp, giúp các em có thể trạng, tinh thần và sức khỏe tốt nhất, từ đó có thể phát triển toàn diện.

Ngoài ra, địa phương cũng cần chú ý đến các trường hợp gia đình hộ nghèo, cận nghèo hoặc hộ vốn đã thoát nghèo nhưng sau dịch đã tái nghèo có trẻ em để có những hình thức chăm lo, như có chế độ miễn giảm học phí, tặng học bổng, tặng bảo hiểm y tế… cũng như có các hình thức động viên khác nhằm giúp các em cùng gia đình vượt qua khó khăn.

Một vấn đề rất đáng quan tâm là điều kiện và kết quả học tập của trẻ. Trong thời gian học trực tuyến, bên cạnh một số em sớm thích nghi, có được sự quan tâm kịp thời và có kết quả học tập tích cực thì cũng có không ít trẻ không theo kịp bài học trên lớp, nên khi đi học trực tiếp đã bị hổng kiến thức. Hoặc có trường hợp khi học trực tuyến do không được gia đình hỗ trợ nên đã lơ là việc học, dẫn đến kết quả không tốt… Tất cả các trường hợp này đều cần được quan tâm, chăm sóc để củng cố kiến thức và không mất căn bản cho các năm học sau.

Hay việc rà soát danh sách trẻ trong độ tuổi vào mẫu giáo (nhất là lớp lá đối với trẻ 5 tuổi) và vào lớp 1 cũng cần được thực hiện chặt chẽ, để tránh bỏ sót, nhất là với một số gia đình có liên quan đến Covid-19 hoặc đã tạm gửi trẻ về quê.

Đương nhiên, quan tâm, chăm sóc trẻ không gắn với Ngày Quốc tế Thiếu nhi mà cần thực hiện thường xuyên. Nhưng trong dịp ngày 1/6, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương cần có sự quan tâm đặc biệt, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các ban ngành để nắm chắc tình hình của trẻ trên địa bàn, từ đó có giải pháp chăm sóc phù hợp. Sự chăm sóc không đơn giản ở việc đến thăm, tặng quà hay tổ chức các sinh hoạt, vui chơi mà phải tạo điều kiện để trẻ được phát triển một cách bình thường, nhất với các trường hợp có điều kiện đặc biệt, thuộc nhóm yếu thế… Trong đó, cần chú ý các yếu tố tác động đến trẻ có liên quan đến dịch Covid-19 để có biện pháp hỗ trợ tốt nhất.

Trên đây là các giải pháp cụ thể mà từng địa phương cần chú trọng thực hiện sau dịch. Trong quá trình đó, cần đối chiếu với các chính sách về chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay để xem các quy định có còn phù hợp hoặc có cần thêm những quy định nào khác, từ đó đề xuất với thành phố, với Trung ương để có sự điều chỉnh, bổ sung. Bản thân các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng nên tự điều chỉnh cách thức, nhân sự trong thực hiện công tác trẻ em để bảo đảm các vấn đề liên quan đến trẻ em trên địa bàn được thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” xét cho cùng không phải là một khẩu hiệu mà là một định hướng quan trọng. Bởi nói như Bác Hồ, “trẻ em như búp trên cành”, nếu không được quan tâm, chăm sóc đúng cách thì khó có thể phát triển thành chồi, thành cây được, tức là thế giới của ngày mai có thể chỉ có nhiều cây còi cọc, khẳng khiu, cành thưa, lá mỏng!

Trúc Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo