Thứ Tư, ngày 14 tháng 5 năm 2025

Quan tâm bảo vệ trẻ em từ trong gia đình

Nhiều nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ được cha mẹ yêu thương và quan tâm thì thường lớn lên hạnh phúc và thành công hơn. (Tranh minh họa: webtretho.com)

(Thanhuytphcm.vn) – Thời gian qua, vấn đề xâm hại và bạo hành trẻ em tiếp tục được dư luận quan tâm. Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện; đáng nói, trong 97% số vụ, thủ phạm đều thân, quen với nạn nhân. Riêng năm 2021, có một số vụ việc gây bức xúc bởi tính chất nghiêm trọng, như vụ bé gái 12 tuổi ở Hà Nội bị mẹ bạo hành và bị cha dượng xâm hại trong thời gian dài; vụ cha dượng bạo hành bé trai 5 tuổi ở Bình Dương; vụ cha đẻ dùng đũa, chổi, thanh tre đánh chết con gái ruột 6 tuổi ở Hà Nội; vụ bé trai 1 tuổi bị người tình của mẹ đánh chết; vụ bé trai 3 tuổi ở Kiên Giang bị người tình của mẹ đánh chết; vụ dì ghẻ đánh chết con gái riêng 8 tuổi của chồng ở TPHCM… Hay gần đây nhất là vụ một thanh niên nhiều lần đánh và sau cùng găm 9 cây đinh vào đầu con gái mới 3 tuổi của người tình ở Hà Nội thực sự làm dư luận phẫn nộ.

Theo Luật Hôn nhân gia đình 2014, gia đình là sự liên kết của nhiều người dựa trên cơ sở hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, những người này có các quyền và nghĩa vụ với nhau, cùng nhau xây dựng gia đình, nuôi dạy thế hệ trẻ và chăm sóc người cao tuổi dưới sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Như vậy, gia đình được hình thành trên một trong ba cơ sở: hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng; nếu gia đình nào có sự gắn kết ở cả ba cơ sở này thì càng có thêm nhiều điều kiện để tạo sự bền chặt.

Thời gian qua, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới, gia đình được coi là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng mỗi con người, có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Gia đình có ba chức năng cơ bản: sinh đẻ, giáo dục, kinh tế. Chức năng sinh đẻ nhằm tái sản xuất ra con người, nhằm duy trì và phát triển nòi giống. Chức năng giáo dục nhằm trang bị cho con người những tri thức cần thiết để phục vụ cuộc sống, phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Chức năng kinh tế của gia đình nhằm tạo ra những gia đình ấm no và đây là tiền đề để xây dựng gia đình hạnh phúc. Các chức năng có sự tác động qua lại lẫn nhau, bổ sung cho nhau. Nếu gia đình không có sự duy trì số lượng phù hợp thì không thể làm kinh tế hiệu quả; nếu việc giáo dục của gia đình không tốt thì cũng khó phát triển kinh tế; nếu kinh tế gia đình kém phát triển thì chất lượng sống của các thành viên trong gia đình không được bảo đảm và vì thế hoạt động giáo dục của gia đình cũng khó đạt kết quả cao.

Điểm lại các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em nổi bật thời gian qua, gần như có một điểm chung là có sự gãy đổ của gia đình, ở khía cạnh các cơ sở và chức năng không được thực hiện đầy đủ. Dĩ nhiên, cần có sự thống kê và khảo sát đầy đủ, trên căn cứ khoa học nhưng ở góc nhìn của hiện tượng, đây là vấn đề cần được quan tâm.

Ở khía cạnh sinh đẻ, khi gia đình có sự tồn tại của các dạng con không cùng huyết thống hoặc không phải con chung (khi đó có thể thiếu cả cơ sở hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng) thì cả mặt trách nhiệm, nghĩa vụ, tình cảm đều khó bảo đảm để việc thực hiện các chức năng gia đình đầy đủ. Chẳng hạn, khi xảy ra việc “con anh, con tôi, con chúng ta” thì chức năng giáo dục hẳn phát sinh những vấn đề khó điều hòa; từ đó việc thực hiện chức năng kinh tế cũng khó trọn vẹn, ít nhất ở khía cạnh thụ hưởng các thành quả kinh tế. Hay từ việc đúc kết “mấy đời bánh đúc có xương…” thì yếu tố giáo dục gia đình có thể ít nhiều rơi vào các trạng thái tiêu cực: người cha (mẹ) không đủ kiên nhẫn và trách nhiệm để dạy dỗ con riêng của vợ (chồng) một cách tốt nhất, hoặc sẽ đi đến việc cực đoan khắc nghiệt (về hình thức là dạy nhưng không đủ tình thương để việc dạy đó có kết quả tích cực).

Bên cạnh đó là những vấn đề sai trái về mặt đạo đức và pháp luật phát sinh khi các chức năng của gia đình bị gãy đổ. Thí dụ, liệu có việc sinh con không theo kế hoạch, không có sự chuẩn bị cần thiết mà chỉ để giải quyết vấn đề “cân bằng” về con khi đã có “con anh” hoặc “con tôi”? Liệu dễ xảy ra thất bại về giáo dục gia đình thì đời sống kinh tế không được bảo đảm? Liệu khi các thành viên chỉ lo chạy theo yếu tố kinh tế thì sẽ lơ là yếu tố giáo dục và sinh đẻ? Liệu cơ sở hôn nhân không đầy đủ (gia đình đơn hoặc gia đình mà yếu tố hôn nhân không bền chặt) thì sẽ tác động như thế nào đến chức năng giáo dục?...

Trẻ em cần được chăm sóc chu đáo cả ở gia đình, nhà trường và xã hội. (Tranh minh họa: zingnews.vn) Trẻ em cần được chăm sóc chu đáo cả ở gia đình, nhà trường và xã hội. (Tranh minh họa: zingnews.vn)

Tất cả những điều đó thể trở thành những tác động đến trẻ em, đối tượng yếu thế nhất, thiệt thòi nhất trong sự gãy đổ của gia đình. Trẻ em vốn không tự bảo vệ, không thể sống độc lập mà phải phụ thuộc vào sự chăm sóc, dạy dỗ, nuôi dưỡng của người khác nên rất dễ trở thành nạn nhân của các hành vi xâm hại, bạo lực. Khi hành vi ấy lại diễn ra ngay trong nơi trẻ đang sống (có khi vẫn được thể hiện như một gia đình!) thì ít khi được phát hiện và hậu quả có thể rất nặng nề và lâu dài.

Đó là chưa kể trẻ em của các gia đình không bị gãy đổ nhưng lại được nuôi, dạy, chăm sóc ở những người khác (như giáo viên, bảo mẫu…) mà những người này lại thuộc gia đình gãy đổ thì liệu có thể trở thành nạn nhân của bạo lực, xâm hại? Chẳng hạn, một giáo viên hay xúc phạm, bạo hành với học sinh liệu có thể vì không kìm nén được những bức xúc của bản thân do bị giày vò bởi điều kiện gia đình riêng của mình; một bảo vệ có hành vi xấu xa với học sinh nữ liệu có thể vì thất bại trong đời sống gia đình và không kiểm soát được vấn đề tâm sinh lý?...

Do đó, các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu cần thực sự quan tâm đến việc giải quyết vấn đề xâm hại và bạo hành với trẻ em từ góc độ gãy đổ của gia đình để có những giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, cần có những cam kết, ràng buộc khi nuôi dạy trẻ ở các cặp vợ chồng sau ly hôn để cộng đồng trách nhiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ... Dĩ nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục, nắm bắt xu hướng, hoàn thiện quy định pháp luật điều chỉnh về vấn đề này… là rất cần thiết nhưng có lẽ cần cả các giải pháp phòng ngừa, hạn chế sự gãy đổ của gia đình. Đó là phải chú ý tác động để các cơ sở của gia đình được thể hiện trọn vẹn (hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng) và tạo điều kiện để các chức năng của gia đình được thực hiện đầy đủ. Và trên tinh thần đó, phải bảo vệ trẻ được thực hiện từ trong gia đình, từ những người thân quen; nếu không làm được việc này thì nạn xâm hại và bạo hành trẻ sẽ khó kiểm soát được!

Trúc Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo