Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Phối hợp giải quyết các lợi ích chính đáng của người lao động

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp gỡ.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 12/6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp tổ chức trực tuyến chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động (CNLĐ) năm 2022 với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Nguyên Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an. Chương trình với sự tham dự của 4.500 CNLĐ tại Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, TP và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tại điểm cầu TP, đến dự có Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Bạch Mai và 80 CNLĐ tiêu biểu ở các doanh nghiệp và các cán bộ công đoàn cùng tham dự buổi gặp gỡ, đối thoại.

Tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc

Kết luận tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước trân trọng những đóng góp của công nhân, đồng thời cũng chia sẻ với những mất mát, khó khăn của công nhân đã và đang phải trải qua. Những khó khăn trong dịch bệnh và cả những vấn đề mới phát sinh sau dịch bệnh mà công nhân, người lao động đang phải đối diện cần được tập hợp, xem xét, giải quyết một cách thấu đáo, từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động, phục hồi và phát triển hiệu quả kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, hội nghị đối thoại là sự kiện cần làm và thiết thực; tiếp nối công việc đã, đang làm và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII; thực hiện mục tiêu đến năm 2025 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao những câu hỏi với 10 nhóm vấn đề nêu ra tại buổi đối thoại rất đúng và trúng. “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tiếp thu, lắng nghe đầy đủ. Một cuộc trao đổi không giải quyết hết được các vấn đề, do đó thời gian tới cần phải tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận ý kiến, nhóm vấn đề của CNLĐ”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định và mong muốn công nhân phát huy truyền thống lịch sử của giai cấp công nhân, tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc. Đồng thời tiếp tục đóng góp những vấn đề xuất phát từ thực tiễn để có những giải pháp kịp thời.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, ban, ngành thẳng thắn thừa nhận những điều chưa làm được thời gian qua, làm tốt hơn trong thời gian tới, đáp ứng được mong muốn của CNLĐ cả về đời sống việc làm, lương thưởng, nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, học hành… Đồng thời, các địa phương từ những lắng nghe ngày hôm nay, cần phát huy những gì tốt, cần phải khắc phục những việc chưa tốt, phối hợp với các Bộ, ban ngành điều chỉnh kịp thời. “Các cơ quan trong hệ thống chính trị phải phối hợp nhịp nhàng, xử lý giải quyết những lợi ích chính đáng của người lao động.” - đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Đồng chí tin tưởng công nhân tiếp tục phát huy hơn nữa, cùng với hệ thống chính trị, nhân dân cả nước vượt qua thách thức; đóng góp nhiều hơn, tích cực hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của công nhân, viên chức, lao động

Chương trình gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ, đã có gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tập trung chủ yếu như: tăng lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống, có tích lũy đối với người lao động và chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Đồng thời, rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi của CNLĐ, hạn chế tình trạng CNLĐ rút bảo hiểm xã hội 1 lần, hệ quả là công nhân không có lương hưu trong tương lai.

Bên cạnh đó, cần tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách, các gói hỗ trợ công nhân lao động; quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho CNLĐ, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho CNLĐ, giúp công nhân tiếp cận nguồn vốn hợp pháp để giải quyết khó khăn, hạn chế tình trạng CNLĐ mắc bẫy “tín dụng đen”. Đồng thời, đào đào tạo nghề; có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để CNLĐ tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Quang cảnh tại điểm cầu TPHCM. Quang cảnh tại điểm cầu TPHCM.

Tại chương trình, CNLĐ cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để CNLĐ tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, Chính phủ cần có chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, để công nhân không phải đi vay nặng lãi hoặc hỗ trợ vốn cho Quỹ CEP cho công nhân vì hiện nay nguồn lực hạn chế nên không đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của công nhân. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại nơi làm việc, nơi ở của công nhân lao động; bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp vào giờ cao điểm.

Tại điểm cầu TPHCM, chị Nguyễn Thị Thúy Hà, công nhân HTX Mây tre lá Ba Nhất (quận Bình Thạnh) cho rằng, hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi mới 40 - 45 tuổi. Do đó, đề nghị Chính phủ cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để bảo đảm quyền lợi của CNLĐ, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Theo chị Thúy Hà, hiện nay CNLĐ đều hiểu và biết việc rút bảo hiểm thì khi về già sẽ không có lương hưu nhưng nhiều CNLĐ có nhiều khó khăn quá và thời gian đóng dài nên vẫn rút.

Trao đổi vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết hiện nay, Bộ đã chuẩn bị dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHXH 2014 và dự kiến năm 2023 sẽ trình Quốc hội xem xét, ban hành. Theo đó, một nội dung quan trọng là rút ngắn thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được hưởng lương hưu, với thời gian tham gia BHXH giảm còn 15 năm, tiến tới 10 năm là được hưởng lương hưu.

“Việc rút ngắn này để người lao động tiếp cận được chính sách an sinh xã hội, trên tinh thần ai đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít và có sự chia sẻ giữa những người có tham gia BHXH, nhằm khuyến khích người lao động tham gia BHXH nhiều hơn.”- đồng chí Đào Ngọc Dung nhấn mạnh. Đồng chí khẳng định sẽ xử lý nghiêm trình trạng lợi dụng người lao động khó khăn để mua thời gian đã tham gia BHXH của người lao động.

Trao đổi về “tín dụng đen”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, “tín dụng đen” ảnh hưởng đến nhiều đời sống xã hội và mỗi người. Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý “tín dụng đen”. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã dẹp bỏ nhiều, giảm nhiều câu chuyện đau lòng nhưng trên thực tế vẫn còn diễn ra, ở một số địa phương có nguy cơ tăng cao.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, NHNN có nhiều giải pháp về việc này, trong đó có việc cắt giảm thủ tục để người dân tiếp cận dễ dàng các nguồn vốn vay cho sinh hoạt đời sống.

Trao đổi về ngăn chặn "tín dụng đen", Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết nhiều đối tượng tinh vi, tạo "vỏ bọc" doanh nghiệp có chức năng vay tài chính như vay không thế chấp, góp vốn, góp tài sản kinh doanh, thường xuyên có thủ đoạn, dụ dỗ công nhân vay qua app, mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp cho vay lãi suất 90-100%/tháng, thậm chí là 1.000%/tháng. Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công an tập trung tuyên truyền, thông tin phương thức, tác hại của tín dụng đen cho người dân và chỉ đạo công an các tỉnh, thành kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp liên quan đến "tín dụng đen" và rà soát các ngành nghề kinh doanh, siết chặt quản lý song song với các đợt cao điểm tấn công, trấp áp tội phạm liên quan đến "tín dụng đen".

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo