Ngay trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Chính phủ đã trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội một cơ chế tài chính đặc thù cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo cơ chế này, 2 thành phố được khoán quỹ lương và có quyền quyết định về mức lương cho cán bộ, công chức, nhưng không vượt quá mức lương “trần” quy định. Liệu đây có phải là “liều thuốc” hiệu quả để giải quyết vấn đề tiền lương hiện nay ở TP Hồ Chí Minh? Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, phóng viên SGGP đã trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh MAI QUỐC BÌNH để tìm câu trả lời cho vấn đề này.
° Phóng viên: Thưa Phó Chủ tịch, nếu quy chế tài chính đặc thù dành cho TP Hồ Chí Minh với nội dung trên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, TP Hồ Chí Minh sẽ có điều chỉnh như thế nào về vấn đề tiền lương cho công chức, cán bộ?
° Phó Chủ tịch MAI QUỐC BÌNH: Hiện nay, cơ chế này mới được trình lên Chính phủ và Quốc hội xem xét. Ngay cả mức lương “trần” là như thế nào cũng chưa được xây dựng. Nếu như mức lương “trần” này không vượt qua được các mức đã quy định trong Đề án cải cách tiền lương mà Chính phủ đang thực hiện thì cũng chưa đem lại một sự thay đổi gì lớn lao. Thực tế, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm khoán biên chế và quỹ lương. Đây là tiền đề để cải tiến hơn chế độ tiền lương. Thời gian qua, cơ chế khoán được thực hiện từ cấp thành phố đến quận, huyện đã làm tăng thu nhập trung bình của cán bộ, công chức lên từ 200.000-450.000 đồng/người/tháng.
Chế độ tiền lương hiện nay là vấn đề rất bức xúc ai cũng thấy, nhưng giải quyết chưa nổi. Muốn cải cách được chế độ lương cho hợp lý, phải tổng hợp nhiều vấn đề cả về cơ chế, chính sách điều hành, cải cách hành chính... Theo tôi, đề án cải cách hiện nay vẫn chưa có lối thoát, chưa đột phá vào “điểm nóng” để tháo gỡ. Nếu cải cách theo cách này thì không theo kịp tốc độ tăng giá. Thực tế vừa qua cũng chứng minh, lương chưa tăng nhưng giá cả đã tăng.
° Phó Chủ tịch nói rằng đề án cải cách tiền lương hiện nay chưa đột phá vào “điểm nóng” để tháo gỡ nghĩa là thế nào?
° Nghĩa là mặc dù ta dùng một khoản ngân sách rất lớn để tăng lương, nhưng thực tế mức lương đó vẫn chưa phản ánh đúng thu nhập của cán bộ công chức. Hơn nữa, cải cách tiền lương hiện nay chỉ trông ngân sách thì không thể làm nổi. Ví dụ như lương tăng 100%, một người có thu nhập 1 triệu đồng/tháng lên 2 triệu đồng/tháng thì vẫn chưa nuôi nổi gia đình, mà ngân sách cũng không thể nào chịu nổi. Cho nên, chưa thể hy vọng có sự đột phá gì trong vấn đề này.
° Còn giảm biên chế trong bộ máy hành chính có giúp được cải cách tiền lương không, thưa Phó Chủ tịch?
° Hiện nay, ta mới giảm biên chế trong từng đơn vị, nhưng theo tôi cần phải tính đến việc cắt bớt một số cơ quan, tổ chức không cần thiết, dồn công việc đó để cho các tổ chức còn lại làm tốt hơn. Chẳng hạn, ở thành phố có nên có tòa án ở từng quận hay không, vì hiện nay công việc của những cơ quan này cũng không nhiều. Nên giao công việc của những tòa này cho tòa án chung của một số quận. Nếu làm được vậy, tôi nghĩ thu nhập sẽ khá hơn.
° Phó Chủ tịch cũng đã từng nói, cải cách lương phải gắn chặt với cải cách hành chính?
° Đúng thế, nếu không tiếp tục cải cách lương thì công cuộc cải cách hành chính luôn luôn bị cản trở. Nhưng song song với cải cách lương thì càng phải đẩy mạnh cải cách hành chính vì năng suất lao động của ta thấp quá. Có những việc lẽ ra có thể làm trong một tuần, ta để kéo dài cả năm. Nếu rút ngắn thời gian lại được thì chi phí sẽ thấp xuống, làm tiền lương tăng lên.
° Xin cảm ơn Phó Chủ tịch.