Các đại biểu chủ trì hội thảo (Thanhuytphcm.vn) – Sáng 11/3, Ban Kinh tế Trung ương và Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội thảo phát triển bền vững thị trường bất động sản trong bối cảnh mới. Tham dự hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân cho rằng, thời gian qua nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, thị trường bất động sản (BĐS) phát triển chưa bền vững. Hội thảo nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh, bền vững thị trường BĐS, tăng cường sự quản lý, điều tiết của nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Hội thảo tập trung vào 4 nội dung: Tổng quan chủ trương của Đảng, việc thể chế hóa, thực thi luật pháp và thực thi luật pháp và cơ chế chính sách tài chính của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bất động sản. Bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện Nghị Quyết 19 và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, khả năng vận dụng tại Việt Nam. Đánh giá chung hiệu quả và hạn chế, yếu kém về chính sách tài chính, tín dụng, quan hệ thị trường thực hiện trong đất đai với kinh tế - xã hội của đất nước. Đề xuất, định hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian tới; từ đó đưa ra định hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách đất đai đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.
TS Trương Minh Huy Vũ (Đại học Quốc gia TPHCM) trình bày tham luận tại hội thảo Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày tham luận chỉ ra những hạn chế của các văn bản pháp luật bao gồm Luật đất đai, Luật quy hoạch, Luật đầu tư… dẫn đến hạn chế nguồn thu tài chính từ đất đai trên các khía cạnh định giá, quy hoạch treo, phân cấp quản lý, ưu đãi đầu tư. Đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất và qua tình huống thực tiễn tại Thủ Thiêm, các nghiên cứu đã chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại liên quan đến quy trình đấu giá hiện tại, khả năng “thổi giá đất” hoặc “ngâm dự án” và những nghi ngờ hay câu hỏi về nguồn tiền, khả năng rửa tiền qua các dự án bất động sản. Đối với các doanh nghiệp BĐS, đặc biệt là hoạt động tài trợ thông qua việc phát hành trái phiếu. Các nghiên cứu đã so sánh thị trường trái phiếu BĐS Trung Quốc và Việt Nam để đưa ra một số chính sách nhằm phát triển thị trường trái phiếu BĐS Việt Nam an toàn và bền vững.
Phân tích nguồn lực tài chính từ đất đai, GS.TS Nguyễn Thị Cảnh (Trường Đại học Kinh tế-Luật Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, mặc dù các khoản thu từ đất đai có khuynh hướng tăng, nhưng khả năng gia tăng qua các năm chưa đảm bảo tính ổn định, thiếu tính bền vững và chưa đảm bảo thu đủ giá trị, giá trị gia tăng được tạo ra từ đất đai. Luật hiện nay chỉ áp dụng đấu giá nếu đã giải phóng mặt bằng, đã hoàn thành cơ sở hạ tầng và chỉ còn tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Quy định và thực hiện trả tiền một lần là hạn chế lớn làm giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước do không được điều chỉnh biến động giá thị trường cũng như điều chỉnh giá theo giá trị tăng thêm của đất không do bên sử dụng tạo ra.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An phát biểu kết luận hội thảo Đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất và qua tình huống thực tiễn tại Thủ Thiêm, TS Trương Minh Huy Vũ (Đại học Quốc gia TPHCM) nêu một số kiến nghị đề xuất chính quyền thành phố cần đồng hành với các chủ đầu tư dự án bất động sản trong khu vực Thủ Thiêm trong mục tiêu chứng minh tính đặc biệt và đẳng cấp của quỹ đất khu vực Thủ Thiêm. Tính “đặc biệt” và “đẳng cấp” được tìm thấy trong chính hồ sơ năng lực của các doanh nghiệp đầu tư/hoạt động trong khu vực Thủ Thiêm và cả các cá nhân mua nhà ở trong khu vực Thủ Thiêm. Đây chính là một trong các biện pháp giảm thiểu đà tăng giá vô căn cứ của các quỹ đất thuộc các khu vực khác trong TPHCM. Tăng cường năng lực thực thi trong quản lý nhà nước với các dự án đầu tư, chẳng hạn như các biện pháp “chế tài” về thời hạn cho nhà đầu tư sau khi được giao/thuê đất phải đưa đất vào sử dụng. Nếu quá hạn sẽ có mức phạt cao, và nếu quá thời điểm gia hạn mà vẫn không triển khai thì TPHCM thu hồi lại đất được giao. Hay trong những vấn đề vượt thẩm quyền, TPHCM sẽ kiến nghị Trung ương sớm có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thực thi hiệu quả. Đề xuất thành lập tổ nghiên cứu các cơ chế huy động nguồn lực cho TPHCM trong giai đoạn tới với sự tham gia của các cơ quan thành phố và các cơ quan nghiên cứu và tham mưu của Trung ương.
Phát biểu kết luận tại buổi hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nhấn mạnh việc tổ chức hội thảo có ý nghĩa trong điều kiện hiện nay đang kỳ vọng phát triển thị trường BĐS để góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Nhiều ý kiến tâm huyết tại hội thảo của nhiều chuyên gia, nổi lên sự quan tâm đến vấn đề đất đai như quy hoạch đất, xác định giá đất, sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ban Kinh tế Trung ương nhận định các ý kiến tại hội thảo sẽ góp thêm tư liệu để Ban chuẩn bị cho việc tổng kết Nghị định về Luật đất đai, để sử dụng khai thác hiệu quả bất động sản trong bối cảnh mới.