Thứ Ba, ngày 15 tháng 7 năm 2025

Phát huy truyền thống đại đoàn kết tạo ra sức mạnh mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Đại tá Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi phát biểu tập buổi gặp gỡ

(Thanhuytphcm.vn) – Tại chương trình gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu các tỉnh, TP khu vực phía Nam, do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì phối hợp Văn phòng Trung ương Đảng, TPHCM tổ chức ngày 21/4, các đại biểu đã chia sẻ những câu chuyện trong những tháng năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cách đây 50 năm. Các đại biểu cũng gửi gắm niềm tin tưởng vào sự phát triển đất nước…

Cùng toàn dân hát khúc khải hoàn Đại thắng mùa Xuân năm 1975

Hồi tưởng về 50 năm trước, đồng chí Trần Nhật Nghĩa, cựu tù chính trị Côn Đảo (hiện ngụ tỉnh Bình Thuận) nhớ lại, giữa đêm 30/4/1975, không gian chuồng cọp trại 7 tĩnh mịch lạ thường. Và rồi giữa không gian ấy, bỗng chốc vang dậy những tiếng hô mỗi lúc thêm giục giã: “TP Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng”. “Trong sự dồn nén ngột ngạt, tại xà lim số 30/khu E; anh em chúng tôi lòng như rộng mở, đồng thanh hưởng ứng lặp lại khẩu hiệu, vừa nhảy kiễng chân nhìn ra lỗ gió với sức mạnh không sao diễn tả! Ý chí khao khát độc lập, tự do còn lấn át cả âm mưu thủ đoạn: thủ tiêu tù chính trị của bọn chúa Đảo và cai ngục, bạo tàn” – đồng chí Trần Nhật Nghĩa kể.

Đồng chí Trần Nhật Nghĩa cho biết, đến 1 giờ khuya ngày 1/5/1975, cửa các xà lim đều bật tung, tất cả tù chính trị như chim sổ lồng, ôm chặt nhau chứa chan lệ trào. Từ ngày 4/5/1975 trở đi, khi bộ đội lên đảo hỗ trợ, Ban lãnh đạo liền sắp xếp cho các đồng chí đau yếu và phụ nữ lần lượt về đất liền; đoàn chiến thắng Côn Đảo tỉnh Bình Thuận từ “địa ngục trần gian” thoát chết trở về.

Đồng chí Trần Nhật Nghĩa phát biểu tập buổi gặp gỡ Đồng chí Trần Nhật Nghĩa phát biểu tập buổi gặp gỡ

Theo đồng chí Trần Nhật Nghĩa, suốt 18 năm dài (1957-1975), nhiều người con ưu tú của Bình Thuận bị đày ải, cực hình nơi Côn Đảo. Có người đã vĩnh viễn nằm lại Nghĩa trang Hàng Dương, số đông địch trả tự do hoặc được trao trả. Từ sau 30/4 lịch sử ấy, cựu tù chính trị liên tục phấn đấu vươn lên, học, rèn và công tác, tiến bộ. “Điều khắc cốt, ghi xương trong mỗi chúng tôi là bất cứ hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hoà bình, khốc liệt cách mấy, chỉ cần dân còn tin yêu, mến phục thì mình còn. Sống chiến đấu vì dân thì cái chết cũng trở thành “bất tử”. Dân còn thì ta còn. Dân tộc này có đi lên hay không cũng nhờ hai chữ: “lòng dân”” – đồng chí Trần Nhật Nghĩa chia sẻ.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Đoàn Thị Ánh Tuyết kể, giữa những ngày tháng 4 lịch sử này, đồng chí không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày cuối tháng 4/1975. Khi đó, tại nhà tù Côn Đảo, kẻ thù đã đào hố, đặt mìn nhằm chôn sống các tù nhân chính trị. Trong thời điểm này, ở đất liền, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân dân ta đã thần tốc tiến công vào sào huyệt của Mỹ - Ngụy ở Sài Gòn, làm cho kẻ thù không kịp trở tay, nhanh chóng thất thủ. Bọn chỉ huy và cai ngục đầu sỏ ở Côn Đảo hốt hoảng, vội vã bỏ chạy nên chúng không kịp thực hiện âm mưu tàn ác đó. Trong thời khắc ấy, dù kẻ thù tìm mọi cách bưng bít thông tin về cuộc tổng tiến công của ta, nhưng những người tù chính trị chúng tôi vẫn cảm nhận được có gì đó khác thường nên đã hợp sức cùng nhau tự phá ngục, tự giải phóng cho chính mình.

Qua ngày 1/5/1975, lực lượng tù chính trị đã làm chủ hoàn toàn Côn Đảo. Đến ngày 4/5/1975, tôi cùng đồng đội được chiến sĩ hải quân đưa về Sài Gòn. “Bước lên tàu, thật như mơ, tôi không ngờ trải qua bao nhiêu lần chết đi sống lại, từ Côn Đảo – địa ngục trần gian, chúng tôi được tự do thật rồi! Tôi không ngờ mình còn được sống, được trở về trong đoàn quân chiến thắng, cùng toàn dân hát khúc khải hoàn Đại thắng mùa Xuân năm 1975 – giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay trong giờ phút đó, tôi cảm thấy lòng mình như thắt lại khi nhớ về biết bao đồng chí, đồng đội, các anh chị em mãi mãi nằm lại Hàng Dương, Hàng Keo. Từng tấc đất ở Côn Đảo đều có máu xương các anh chị ngã xuống” – đồng chí Đoàn Thị Ánh Tuyết xúc động nói.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Đoàn Thị Ánh Tuyết phát biểu tập buổi gặp gỡ Anh hùng Lực lượng vũ trang Đoàn Thị Ánh Tuyết phát biểu tập buổi gặp gỡ

Nhớ lại những tháng năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi (hiện ngụ TPHCM) xúc động nói: “Hồi ấy, chúng tôi, những chiến sĩ an ninh giải phóng là những thanh, thiếu niên đang tuổi thanh xuân, mang trong người ý chí thép với lòng yêu nước nồng nàn, quên mình lao lên phía trước quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước ngay trong lòng địch, góp phần vào chiến thắng lịch sử  mùa Xuân 1975. Chúng tôi xông trận không phải để thành anh hùng, còn sống qua mưa bom, bão đạn là may mắn, cũng là sứ mệnh, sống để tiếp tục cống hiến cho tổ quốc thay luôn cả phần những đồng đội đã hy sinh”.

Tưởng nhớ về những người đồng đội của mình, đồng chí Phan Thị Ngọc Tươi nghẹn ngào kể: “Năm 2010, khi được vinh danh anh hùng thành tích của hơn 40 năm về trước, tôi vẫn nhớ “còn bao anh hùng vô danh, những chiến công xưa chìm trong cát bụi…”.

Càng thấm thía giá trị thiêng liêng của hòa bình, độc lập, tự do

Đại tá Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi chia sẻ, trong những ngày này, khi đất nước đang phát triển rực rỡ; TPHCM thân yêu tươi đẹp mỗi ngày; cả nước tưng bừng tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, thống nhất đất nước. Là cựu binh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của ngành công an, đồng chí bày tỏ rất hạnh phúc, tự hào và vinh dự được sống trong TP mang tên Bác – TPHCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, một TP năng động, sáng tạo. 50 năm qua, TPHCM đã chuyển mình mạnh mẽ, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước và dân tộc.

Đồng chí Đoàn Thị Ánh Tuyết xúc động chia sẻ: “Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi vẫn luôn nhớ mãi những thời khắc hào hùng của dân tộc. Những ký ức ấy càng khiến tôi thấm thía giá trị thiêng liêng của hòa bình, độc lập, tự do. Từ ngày đất nước thống nhất đến nay, bản thân tôi luôn nhắc nhở mình cố gắng làm tròn trách nhiệm của người đảng viên, giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn rèn luyện để xứng đáng là một công dân của TP mang tên Bác”.

Bày tỏ niềm vui về những thành quả của đất nước sau 50 năm đất nước được thống nhất, đồng chí Đoàn Thị Ánh Tuyết mong muốn, Đảng ta cần tiếp tục tăng cường giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, hun đúc niềm tự hào dân tộc, phát huy truyền thống đại đoàn kết tạo ra sức mạnh mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, làm nên những thành tựu vĩ đại hơn nữa trong thời kỳ mới.

“Đảng luôn là niềm tin của nhân dân, vì vậy tôi mong muốn các tổ chức Đảng và mỗi đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, thực sự gắn bó máu thịt với nhân dân, trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhân dân, luôn nêu gương trước nhân dân trong việc thực hiện lý tưởng cao đẹp của Đảng, của Bác Hồ nhằm đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân” – đồng chí Đoàn Thị Ánh Tuyết gửi gắm.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa điều hành thảo luận tại buổi gặp gỡ Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa điều hành thảo luận tại buổi gặp gỡ

Đồng chí Đoàn Thị Ánh Tuyết cũng mong muốn, trung ương tiếp tục ban hành những cơ chế đột phá, đủ mạnh để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của TPHCM, để TP luôn giữ vững vị trí đầu tàu của cả nước, sớm trở thành một trong những trung tâm của khu vực và thế giới, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của nhân dân cả nước, và xứng đáng với vinh dự là TP mang tên Bác – TP Anh hùng.

Đại úy Trần Xuân Kỷ, tỉnh Đồng Nai, từng là lính pháo binh Tiểu đoàn 16 Trung đoàn 55 Sư đoàn 341 Quân đoàn 4 trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn năm 1975 bày tỏ, từ ngày 30/4/1975, sau 50 năm đất nước thống nhất và đặc biệt 39 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn hết sức quan trọng. Thành tựu đó ngày càng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thành công trong mọi thời kỳ phát triển. Đồng chí Trần Xuân Kỷ bày tỏ luôn đặt niềm tin, hy vọng vào những quyết sách quan trọng, sự nghiệp phát triển đất nước hôm nay.

“Tôi tin tưởng vào các lãnh đạo, cán bộ trẻ, các bạn thanh niên trưởng thành sau chiến tranh cũng tiếp bước giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; chăm chỉ học hành rèn luyện thành tài, góp phần xây dựng đất nước ngày càng văn minh sánh vai với cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi” - đồng chí Trần Xuân Kỳ gửi gắm.

S. Hải – L. Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo