Thứ Sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024

Phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” trong dịp Tết Nguyên đán

TPHCM chia sẻ với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng núi, các vùng biên giới. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao quà Tết tặng người dân xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, Tây Ninh. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 8/12/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022. Chỉ thị nêu rõ, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch; hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp. Chăm lo, thăm hỏi các gia đình có người thân, trẻ em có cha mẹ mất do dịch Covid-19...

Đặc biệt, Chỉ thị yêu cầu tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc Tết thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng đang ở tuyến đầu chống dịch và các lực lượng làm nhiệm vụ trong những ngày Tết, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, khu cách ly, điều trị tập trung, địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…

Trong nhiều nội dung quan trọng của Chỉ thị 11, vấn đề phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” thực sự là một điểm nhấn, thể hiện quan điểm nhân văn trong công tác chăm lo Tết. Trong bối cảnh nhiều địa phương vừa trải qua một đợt dịch căng thẳng, hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, diễn biến khó lường, việc chăm lo Tết cần được tập trung thực hiện và giải pháp rất quan trọng là phát huy sự cộng đồng trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân. Quan điểm nhất quán là “lấy sức dân chăm lo cho dân” vẫn là một phương thức cần được triển khai thực hiện để tạo sự gắn kết, lan tỏa tính nhân ái ngay tại cộng đồng, khu dân cư.

Tại TPHCM, trong đợt dịch thứ tư, số người nhiễm bệnh khá đông, người bị ảnh hưởng rất nhiều, như người bị mất việc làm, người tái nghèo, người già mất người thân và không còn nơi nương tựa, trẻ em mồ côi hoặc mất người nuôi dưỡng, người bị tổn hại sức khỏe, cán bộ công chức hy sinh trong quá trình phòng chống dịch, gia đình có người đang tham gia tuyến đầu chống dịch… Do đó, sự quan tâm, chăm lo trong dịp Tết là rất cần thiết, vừa có thể chăm lo, hỗ trợ kịp thời về vật chất vừa có ý nghĩa tiếp tục động viên, khích lệ mọi người vượt qua khó khăn.

Trong bối cảnh đó, chính quyền các địa phương, từ quận huyện đến phường xã, cần rà soát kỹ tình hình đời sống của người dân trên địa bàn, để xác định rõ từng nhóm đối tượng, như nhóm nào cần hỗ trợ lương thực thực phẩm (nhất là với các hộ có người lớn tuổi, tàn tật, có bệnh, người neo đơn…), nhóm nào cần giúp bảo hiểm y tế hoặc các chăm lo khác, nhóm nào cần tạo điều kiện tìm việc làm (kể cả các công việc thời vụ), nhóm nào cần tạo điều kiện để con em họ được tiếp tục học tập, nhóm nào cần thực hiện các chính sách, chế độ đặc thù theo quy định của pháp luật (như chăm lo người có công, người thuộc diện được hưởng các ưu đãi, người đã trực tiếp tham gia phòng chống dịch nhưng chưa được hưởng chế độ…), nhóm nào cần biểu dương các hình thức… Việc rà soát cần được thực hiện khách quan, công tâm, chặt chẽ, có kiểm tra chéo, trên tinh thần thực sự chăm lo cho người dân nhưng hạn chế cảm tính, tránh trùng lặp và không để bị lợi dụng.

Trên cơ sở thực tế các nhóm đối tượng cần được chăm lo (số lượng, điều kiện cụ thể…), chính quyền địa phương sử dụng các nguồn lực, vận dụng các quỹ theo quy định và tổ chức vận động để hỗ trợ cho người dân. Chẳng hạn, có thể sử dụng Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm việc; sử dụng Quỹ Vì người nghèo cho các trường hợp người khó khăn cơ bản đủ các tiêu chí của hộ nghèo, hộ cận nghèo; bảo lãnh cho ngân hàng chính sách xã hội địa phương tạo điều kiện cho người dân vay vốn để làm kinh tế gia đình… Các trường hợp được hỗ trợ từ ngân sách thì cần thực hiện đầy đủ (nhất là người có công, đối tượng chính sách…) và phải thể hiện sự trân trọng đúng mực. Các trường hợp khó khăn khác cần sử dụng nguồn vận động và thực hiện minh bạch, khách quan, bình đẳng, tránh bỏ sót hoặc thể hiện thái độ chưa phù hợp (như có vẻ ban phát, chỉ chăm lo khi có thắc mắc, khiếu nại…).

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải trao vé xe và quà cho sinh viên về quê đón Tết Tân Sửu 2021. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải trao vé xe và quà cho sinh viên về quê đón Tết Tân Sửu 2021. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Chính quyền các địa phương cần quan tâm vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, các tổ chức, địa phương kết nghĩa… để chăm lo Tết cho người dân, trên tinh thần phát huy tinh thần nhân ái, nhân văn và trách nhiệm cộng đồng nhưng phải khéo léo, minh bạch. Chẳng hạn, đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, trong bối cảnh phải ngưng sản xuất trong một thời gian dài, cắt giảm nhiều chi phí, việc hỗ trợ cho địa phương có thể thêm một gánh nặng, nên cần tế nhị và có cách động viên phù hợp, trên tinh thần khơi gợi trách nhiệm, thúc đẩy tính tự nguyện chứ không phải bị ép buộc. Hay với các đảng viên sinh hoạt nơi cư trú, việc vận động phải chú ý tính tự giác trên cơ sở cần phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, xung kích của đảng viên. Từ đó, có thể phát huy các mô hình “1 đơn vị/doanh nghiệp bảo trợ 1 trường hợp (trẻ mồ côi, hộ nghèo, người già neo đơn…)”, “5 đảng viên hỗ trợ 1 trường hợp”, “1 tổ dân phố chăm lo 1 trường hợp”… trong một khoảng thời gian nhất định (dịp Tết, 1 năm, 3 năm…).

Việc phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” trong dịp Tết Nguyên đán nên được duy trì thường xuyên trong các dịp khác và trở thành một nền nếp của hệ thống chính trị ở địa phương của TPHCM (từ cấp khu phố cho đến phường xã, quận huyện). Đây là một đặc điểm thể hiện rõ tính “nghĩa tình” của người dân thành phố, vốn đã phát huy hiệu quả từ các phong trào xóa đói giảm nghèo, giảm nghèo bền vững, chăm lo gia đình chính sách, hỗ trợ an sinh người khó khăn trong dịch Covid-19… Tinh thần đó được phát huy trong dịp Tết thực sự là một nét đẹp phản ánh rõ sự kết hợp “ý Đảng lòng dân” để giúp mọi người dân đều có Tết!

Trúc Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo