Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo Trung ương Cục miền Nam và Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, ta bố trí ở nội thành và vùng ven “hơn 3.000 cán bộ đứng chân (trong đó có 1.290 đảng viên), hơn 10.000 quần chúng nòng cốt, 40 lõm chính trị với 7.000 quần chúng đã giành được quyền làm chủ ở các mức độ khác nhau, 400 tổ chức công khai và biến tướng với gần 25.000 người do ta nắm, 30.000 quần chúng sẵn sàng nổi dậy”[2]. Với tư tưởng “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” và khí thế sôi nổi “một ngày bằng hai mươi năm”, Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định phối hợp cùng các quân chủng, binh chủng đập tan hoàn toàn ngụy quân, ngụy quyền trung ương, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đặc biệt, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, Trung ương Cục và Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã tích cực, chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp quản, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội Thành phố sau giải phóng.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thường xuyên, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; sự tin yêu, đùm bọc của nhân dân. Lực lượng vũ trang Thành phố đã có những bước tiến bộ, trưởng thành vượt bậc; luôn tích cực, chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình, phối hợp tham mưu và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, khu vực phòng thủ Thành phố vững chắc; đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Phát huy tinh thần và những bài học kinh nghiệm trong Đại thắng mùa Xuân 1975, với quyết tâm sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ khó khăn, đột xuất chưa có tiền lệ, thời gian qua, lực lượng vũ trang Thành phố đã đạt được một số kết quả tiêu biểu:
Một là, chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn
Nhận thức sâu sắc Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn trọng điểm chiến lược; việc bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là yếu tố then chốt để Thành phố ổn định và phát triển. Lực lượng vũ trang Thành phố đã phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên nghiên cứu, đánh giá, dự báo chính xác tình hình; kịp thời tham mưu giúp Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo xử lý hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh không để bị động bất ngờ. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, công tác huấn luyện, rèn luyện, giáo dục và chấp hành pháp luật, kỷ luật; đề cao tinh thần cảnh giác, linh hoạt, nhạy bén; bảo vệ an toàn các ngày lễ hội, các sự kiện chính trị trọng đại và các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Thành phố. Khi có tình huống phức tạp xảy ra, Bộ Tư lệnh Thành phố đã tham mưu thành lập Sở chỉ huy thống nhất và đề xuất lãnh đạo Thành phố trực tiếp chỉ đạo; đồng thời, phối hợp triển khai lực lượng, phương tiện, xử lý hiệu quả ngay từ cơ sở, không để lan rộng, kéo dài.
Cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang TPHCM thường xuyên diễn tập chiến thuật, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. (ảnh: Thanhuytphcm.vn)Nhiều đề án, đề tài trong xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang Thành phố vững mạnh có giá trị cả về lý luận và thực tiễn được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả như: Thông tri số 18-TT/TU ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh “Về tăng cường xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ Thành phố”; Quyết định số 595/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2015 “Về phê duyệt Đề án Tổ chức sử dụng lực lượng dân quân thường trực xử lý gây rối, biểu tình, bạo loạn giai đoạn 2015 - 2025”; Quyết định số 2139/QĐ-UBND ngày 21 tháng 5 năm 2018 về ban hành “Đề án Tổ chức, xây dựng đơn vị tự vệ trong các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài”; Đề án số 934/ĐA-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh “Về tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ chính sách cho dân quân tự vệ giai đoạn 2021 - 2025”; Đề án số 2028/ĐA-BTL ngày 18 tháng 10 năm 2019 của Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh “Về nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Quân báo - Trinh sát giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”... Qua đó có thể nhận thấy, trong bất cứ tình huống nào, lực lượng vũ trang Thành phố luôn là lực lượng nòng cốt, tham mưu phối hợp xử lý có hiệu quả các tình huống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều thuận lợi để Thành phố ổn định và phát triển bền vững.
Hai là, tích cực, nhạy bén trong thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, nhất là Đề án của Bộ Quốc phòng và Quân khu 7 “Về địa phương phía sau hỗ trợ địa phương, đơn vị phía trước”, lực lượng vũ trang Thành phố đã tham mưu giúp Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình chiến đấu trên tuyến biên giới đất liền; hỗ trợ các đơn vị quân đội với kinh phí 170 tỷ đồng; hỗ trợ Quân khu 7 hơn 220 tỷ đồng xây dựng Bảo tàng Chiến tích Hồ Chí Minh. Tích cực tham gia và tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ gần 500 tỷ đồng “Quỹ vì biển, đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại các đảo, Nhà giàn DK1; huy động nhiều nguồn lực sửa chữa xây tặng 211 căn nhà tại các chốt Dân quân biên giới tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước… với kinh phí 16,8 tỷ đồng; qua đó, góp phần nâng cao tiềm lực quân sự quốc phòng, xây dựng và bảo vệ tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng công tác đối ngoại quốc phòng của Đảng, tăng cường kết nghĩa hỗ trợ các đơn vị Quân đội Hoàng gia Campuchia. Bộ Tư lệnh Thành phố đã ký kết nghĩa với Bộ Tư lệnh Hiến binh Phnôm Pênh, Quân khu đặc biệt, Tiểu khu quân sự Kompong Thom, Lữ đoàn can thiệp số 1 (Quân đội Hoàng gia Campuchia); lãnh đạo, chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự 10 quận và Thành phố Thủ Đức ký kết nghĩa với 09 Chi khu và 02 Tiểu đoàn thuộc Tiểu khu quân sự tỉnh Kompong Thom; tổ chức hơn 30 hoạt động giao lưu, trao đổi, hỗ trợ xây dựng các công trình, thăm, tặng quà, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các đơn vị quân đội và nhân dân Campuchia với tổng kinh phí 82,8 tỷ đồng; chỉ đạo các đơn vị địa phương thăm, tặng quà, hỗ trợ các đơn vị bạn với kinh phí gần 20 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2024, Bộ Tư lệnh Thành phố đã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thăm, giao lưu và tặng nhân dân Cuba 1.000 tấn gạo; ký kết nghĩa với Quân khu Santiago de Cuba, Tập đoàn Quân miền Đông, Bộ Các Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba và hỗ trợ kinh phí 126 nghìn USD cho các đơn vị bạn và các hoạt động khác đối với các nước láng giềng, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết với các nước và cụ thể hóa sáng tạo chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Trong công tác huấn luyện, lực lượng vũ trang TPHCM luôn có sự đổi mới, bảo đảm về nội dung và thời gian; huấn luyện sát với yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương. (ảnh: Thanhuytphcm.vn)Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quân khu, các sở, ngành Thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu giúp Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo công tác huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng thế trận khu vực phòng thủ gắn với lập Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; chú trọng phát triển các khu công nghiệp, công nghệ cao, khu đô thị, thương mại, dịch vụ với quốc phòng, an ninh bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, thông suốt, cơ động cao và có khả năng chuyển đổi nhanh sang sản xuất các mặt hàng phục vụ quốc phòng và thời chiến, nhất là xây dựng thế trận khu vực phòng thủ Thành phố. Ưu tiên xây dựng các công trình thiết yếu trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần kỹ thuật, khu vực phòng thủ then chốt, sở chỉ huy các cấp gắn với phòng thủ dân sự, tạo thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, liên hoàn, vững chắc, sẵn sàng cho các tình huống quốc phòng, an ninh nếu xảy ra.
Ba là, xuất sắc trong tham mưu xây dựng, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”
Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận và vận động quần chúng, Bộ Tư lệnh Thành phố đã phối hợp, tham mưu giúp Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng, củng cố thế trận lòng dân đạt được nhiều kết quả tích cực; nhất là trong triển khai thực hiện hiệu quả Thông tri 18 của Thành ủy; Đề án 595; Đề án 2139; Đề án 934 của Ủy ban nhân dân Thành phố; Công văn số 1624-CV/TU ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh “Về tổ chức lực lượng dân quân luân phiên tập trung tại Bộ Tư lệnh Thành phố” để cụ thể hóa Chỉ thị số 2750/CT-BTL ngày 02 tháng 10 năm 2019 của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 “Về việc tổ chức lực lượng dân quân luân phiên tập trung tại Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự 8 tỉnh để huấn luyện nâng cao và sẵn sàng điều động lên tỉnh, thành phố phối hợp với các lực lượng tham gia xử lý các tình huống”; Đề án số 13-ĐA/TU ngày 20 tháng 10 năm 2023 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Hướng dẫn số 02-HD/BDVTU ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh “Về xây dựng, quản lý và sử dụng lực lượng nòng cốt chính trị trên địa bàn Thành phố”.
Từ đó, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt ba chức năng quân đội; tích cực tham gia hàng trăm nghìn ngày công lao động giúp dân; chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, gắn kết thân thiện với đồng bào dân tộc, tôn giáo; xây dựng các công trình văn hóa, thể dục thể thao tại các cơ sở tôn giáo. Huy động gần 12.000 lượt ngày công cán bộ, chiến sĩ cùng hơn 1.500 lượt phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; đã cứu sống, tìm người mất tích và di dời 9.608 người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời, huy động hơn 100.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lao động giúp dân, nạo vét hơn 60km kênh, mương, sửa chữa và làm mới hơn 30km đường bê tông nông thôn với kinh phí hơn 10 tỷ đồng, góp phần tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế - xã hội.
Tham mưu giúp lãnh đạo Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chính sách, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; nhất là trong phối hợp quy tập, di dời, an táng 176 hài cốt liệt sĩ; sửa chữa, tu bổ, tôn tạo, nâng cấp Đền tưởng niệm Liệt sĩ xã An Nhơn Tây ở xã An Phú, huyện Củ Chi. Bộ Tư lệnh Thành phố phát huy tinh thần tự lực, tự cường, kết hợp sự đồng hành giúp đỡ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân xây dựng Bia truyền thống Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre; Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ Rừng Sác - Cần Giờ. Phối hợp thực hiện tốt chương trình “Dân vận khéo - Kết nối biên cương” tại các tỉnh Tây Ninh, Quảng Ngãi, Cà Mau, Đắk Nông; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân và thăm tặng quà các đồn biên phòng, chốt biên giới và nhân dân địa phương có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng.
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; tích cực tham mưu giúp Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức các đoàn thăm, tặng quà 32.291 suất quà (trị giá 136,4 tỷ đồng) các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn trên địa bàn; phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc cho 15.800 lượt gia đình chính sách, nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với số tiền 5.818 tỷ đồng; huy động nhiều nguồn lực của các doanh nghiệp, mạnh thường quân kết hợp trích từ quỹ tăng gia sản xuất của đơn vị xây tặng 287 căn nhà tình nghĩa quân - dân, nhà đồng đội, nhà đại đoàn kết và tặng học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi với kinh phí gần 50 tỷ đồng. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã xây tặng 70 căn nhà tình nghĩa quân dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên với kinh phí 5,6 tỷ đồng. Phối hợp với huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ tổ chức chương trình “Tết Quân - Dân” nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2020, 2022, 2023, 2024 và năm 2025 với tổng số tiền 9,2 tỷ đồng… Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, góp phần mang lại giá trị, ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Bốn là, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19
Năm 2021, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra trên địa bàn Thành phố, có thời điểm trên 5.000 ca nhiễm và trên 300 ca tử vong mỗi ngày; hệ thống y tế địa phương quá tải; công tác bảo đảm an sinh xã hội, cấp cứu bệnh nhân, xử lý thi hài gặp muôn vàn khó khăn, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, đặc biệt là sức khỏe, tâm lý, tính mạng và đời sống của nhân dân. Trước tình hình đó, lực lượng vũ trang Thành phố tiếp tục xung kích đi đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đã huy động hơn 36.200 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tham gia phòng, chống dịch; kịp thời phối hợp với Sở Y tế thiết lập, phục vụ tại 71 khu cách ly tập trung quy mô gần 30.884 giường và 101 bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, quy mô gần 61.093 giường. Phối hợp với các lực lượng chốt chặn, kiểm soát, tuần tra tại 12 chốt, trạm chính; 57 chốt, trạm phụ cấp Thành phố và 251 chốt tại các địa bàn trọng điểm; gần 8.000 Tổ Kiểm soát dịch, 482 Tổ Tuần tra tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Trước tình hình hệ thống y tế địa phương quá tải, Bộ Tư lệnh Thành phố tham mưu lãnh đạo Thành phố kịp thời đề xuất Quân khu 7 và Bộ Quốc phòng chi viện, hỗ trợ Thành phố 14.300 cán bộ, chiến sĩ và hơn 100.000 cán bộ, nhân viên tăng cường từ các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn trong tham gia tuyên truyền, điều trị bệnh, vận chuyển túi an sinh, lương thực, thực phẩm; hỗ trợ Nhân dân bốc xếp, vận chuyển gần 15.636 tấn lương thực thực phẩm; cấp phát trên 2.047.229 túi an sinh, hỗ trợ giao gần 277.140 đơn hàng. Thành lập 500 tổ quân y lưu động; tiếp nhận, cấp phát trên 283.000 túi thuốc điều trị F0, cấp cứu 130.000 F0 tại nhà. Tăng cường lực lượng quân y xuống các phường, xã, thị trấn để cùng với lực lượng y tế cơ sở để theo dõi, chăm sóc sức khỏe, tiêm vaccine, làm test nhanh, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị F0 tại nhà, cấp cứu, vận chuyển các trường hợp chuyển biến nặng. Tham mưu xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch.
Xây dựng nhiều mô hình sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến trong chống dịch như: xe phun khử khuẩn; thiết lập đường dây nóng; mã QR code quản lý thi hài người chết do dịch bệnh; tổ chức hàng trăm “Phiên chợ 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Gian hàng lưu động 0 đồng” và chương trình trao tặng 100.000 phần quà của Bộ Tư lệnh Thành phố đã đưa tới cho nhân dân hơn 2.000 tấn hàng hóa, trị giá trên 300 tỷ đồng. Cùng với đó, đã tổ chức lực lượng vận chuyển 100.000 phần quà, 4.000 tấn gạo, 30 tấn lương khô của Bộ Quốc phòng; 50.000 phần quà của Quân khu 7 đến tay người dân nhanh chóng, kịp thời; góp phần bảo đảm đời sống an sinh xã hội, củng cố niềm tin nhân dân yên tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Khi số bệnh nhân tử vong cao xảy ra, Bộ Tư lệnh Thành phố đã kịp thời tham mưu đề xuất thành lập 28 đội công tác đặc biệt tham gia tiếp nhận, xử lý, vận chuyển, bảo quản, khâm niệm, hỏa táng thi hài. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, tiếp tục tuyên truyền vận động hơn 20.000 người tình nguyện tiếp tục ở lại Thành phố làm việc và đưa 3.556 người dân trở về quê. Bộ Tư lệnh Thành phố đã tổ chức các đoàn công tác bàn giao hơn 23.000 hũ tro cốt nạn nhân tử vong do Covid-19 đến từng gia đình trên mọi miền Tổ quốc, bảo đảm an toàn, trang trọng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, kịp thời động viên, an ủi, làm ấm lòng thân nhân ngày đêm mong chờ được đón người thân về và đã để lại ấn tượng tốt đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.
Cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 đã tiếp tục khẳng định: Càng trong khó khăn, gian khổ, hiểm nguy thì phẩm chất hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ càng thêm tỏa sáng và được phát huy cao độ. Hình ảnh 71 đồng chí được kết nạp Đảng trên tuyến đầu chống dịch là tiêu biểu cho sự dấn thân với ý chí, niềm tin cao nhất, hành động dũng cảm vì nhân dân quên mình đã được khắc họa rõ nét “Chống dịch như chống giặc”, đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết; giúp dân là mệnh lệnh trái tim của cán bộ, chiến sĩ; phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tô thắm truyền thống “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Với những thành tích xuất sắc đó, lực lượng vũ trang Thành phố đã được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý; trong đó, rất vinh dự và tự hào cho lực lượng vũ trang Thành phố đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ Ba.
Ngày nay, trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975 và những thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng, phát triển, lực lượng vũ trang Thành phố cần tập trung xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng và sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang. Quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, xây dựng Quân đội nhân dân tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.
Tiếp tục tổ chức duy trì nền nếp, hiệu quả công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; hội thao, hội thi, diễn tập sát thực tế; nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Thành phố. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện, chấp hành pháp luật, kỷ luật và nâng cao nhận thức về nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ động dự báo, phối hợp xử lý có hiệu quả các vụ việc xảy ra trên địa bàn theo phạm vi, chức trách, góp phần giữ vững an chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, công tác, luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố anh hùng mang tên Bác Hồ kính yêu.
Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh
____________________
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 35, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.194.
[2] Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Lịch sử miền Đông Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ kháng chiến (1945 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.860 - 861.