Hội nghị thống nhất đánh giá, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giải ngân đầu tư công với phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện hệ thống hạ tầng chiến lược, tạo không gian phát triển mới, trong khi số vốn đầu tư công năm 2024 rất lớn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo sát sao công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ đã xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và được tập trung thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024.
Về kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã giao 669.300 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho bộ, cơ quan và địa phương, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã được Quốc hội phân bổ.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (đạt khoảng gần 200.000 tỷ đồng). Một số bộ, cơ quan và địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tốt như: Đài Truyền hình Việt Nam (100%); Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (90,07%); Nam Định (58,75%); Thanh Hóa (56,83%); Lào Cai (54,23%); Phú Thọ (51,02%); Bà Rịa - Vũng Tàu (49,66%); Bộ Xây dựng (47,91%); Tiền Giang (47,42%); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (46,88%); Bộ Giao thông vận tải (41,16%).
Những đơn vị số giải ngân tuyệt đối cao là: Bộ Giao thông vận tải (24,4 nghìn tỷ đồng); Hà Nội (22.600 tỷ đồng). Về phía doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã rất nỗ lực triển khai đường dây 500 kV mạch 3, Tổng Công ty Cảng hàng không tích cực triển khai dự án xây dựng sân bay Long Thành.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, 6 tháng đầu năm, TPHCM đã giải ngân 11.511 tỷ đồng, đạt 14,5%, thấp hơn 50% mức bình quân chung cả nước và cũng thấp hơn 50% so với chỉ tiêu đặt ra của TPHCM (TP đặt mục tiêu đạt 30%). Về kết quả này, TPHCM và Chính phủ đều lo lắng, TPHCM đang tập trung để điều hành.
Về nguyên nhân, cùng với nguyên nhân chủ quan chung (trong điều hành để quyết các vấn đề, dù đã tập trung hàng ngày, hàng tuần nhưng việc tháo gỡ còn chậm, liên quan tới quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục về bồi thường, đầu tư, quyết toán), TP đã chỉ ra các nhóm nguyên nhân, nằm ở đâu để tập trung điều hành, tháo gỡ.
TPHCM cũng có nguyên nhân đặc thù, thứ nhất trong 79.000 tỷ đồng của vốn đầu tư công năm nay, có 28.000 tỷ đồng thuộc các dự án mới. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, trong nguồn vốn trung hạn, TP được giao 142.000 tỷ đồng, năm 2024, TP xin thêm 107.000 tỷ đồng. Khi có 107.000 tỷ đồng này thì mới chuẩn bị dự án, hết năm 2023 mới chuẩn bị xong để năm 2024 bắt đầu triển khai. Do đó, 6 tháng đầu năm 2024 vẫn là chuẩn bị triển khai dự án, 28.000 tỷ đồng thuộc các dự án mới sẽ được giải ngân trong 6 tháng cuối năm. Thứ hai, 22.000 tỷ đồng là vốn giải phóng mặt bằng, trong năm 2024, có sự điều chỉnh của Luật Đất đai, nên để giảm thiểu khiếu nại sau này, các địa phương chờ hướng dẫn để thực hiện tốt hơn. 2 khoản này cộng lại là 50.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một gói chưa giải ngân được là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, do vướng nhiều vấn đề; vốn ODA cũng vướng 3.700 tỷ đồng. Tổng cộng 4 đầu mục này là khoảng 60.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy đầu tư công năm 2024Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, ngoài dự án chống ngập và 1 phần của ODA (khoảng 10.000 tỷ đồng), với 50.000 tỷ đồng còn lại, TPHCM sẽ tập trung giải ngân trong 6 tháng cuối năm. Trong thời gian tới, TP tập trung chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công, TP đã lập 1 tổ công tác theo dõi, báo cáo hàng ngày về vấn đề này, do Chủ tịch UBND TPHCM trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc. Những vướng mắc cũng đã được phân nhóm, có thời gian hoàn thành. TPHCM cam kết với Thủ tướng phấn đấu giải ngân 95% vốn đầu tư công trong năm 2024.
TPHCM cũng đề nghị Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án như tuyến đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài; phê duyệt quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư cho tuyến Metro số 1… để làm cơ sở cho TP triển khai các bước tiếp theo; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Vành đai 2 TPHCM. TP cũng kiến nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo xem xét các kiến nghị của TPHCM về chuẩn cơ sở trường học ở nội đô để TP có cơ sở triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo, xây mới các công trình trường học nội đô (vì hiện nay còn nhiều vướng mắc).
Kết luận hội nghị, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, đặc biệt là 11 bộ, cơ quan và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước, EVN và Tổng Công ty Cảng hàng không, nhiều dự án đầu tư công đang vượt tiến độ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua.
Đồng thời, Thủ tướng phê bình nghiêm khắc các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng giao và 33 bộ, cơ quan, 28 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới với mục tiêu giải ngân trên 95% số vốn đã phân bổ của năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh vốn đầu tư công là tiền của của Nhà nước, của nhân dân, phải sử dụng hiệu quả nhất, không chậm trễ, không lãng phí. Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh thành nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; cụ thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.