Thứ Tư, ngày 15 tháng 1 năm 2025

Những lễ hội mùa xuân tiêu biểu ở 3 miền Bắc, Trung, Nam

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân khắp cả nước lại náo nức đi trẩy hội Xuân. Trải qua thời gian, truyền thống này vẫn tiếp tục được giữ gìn, phát triển, trở thành một nét đẹp đầu Xuân, Năm mới.

Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình. Lễ hội như một sợi dây gắn kết cộng đồng, kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Các lễ hội đã tạo dựng không gian văn hóa vừa trang trọng, linh thiêng nhưng đầy rộn ràng, náo nức.

Là nơi mỗi người Việt tìm đến để vui chơi mùa Xuân, lễ hội cũng nhằm tưởng nhớ cha ông, kính ngưỡng biết ơn tiền nhân, tìm hiểu, thấm nhuần và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lễ hội truyền thống ở Việt Nam được tổ chức trên khắp các vùng, miền, tỉnh, thành phố và diễn ra sôi động nhất vào mùa Xuân, sau Tết Nguyên đán. Nhiều lễ hội lớn đã trở thành thương hiệu văn hóa du lịch, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, hiện Việt Nam có gần 9.000 lễ hội truyền thống, là một trong những quốc gia có số lượng lễ hội truyền thống nhiều nhất khu vực và châu lục.

Lễ hội truyền thống ở Việt Nam được tổ chức trên khắp các vùng, miền, tỉnh, thành phố và diễn ra sôi động nhất vào mùa Xuân, sau Tết Nguyên đán. Nhiều lễ hội lớn đã trở thành thương hiệu văn hóa du lịch, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách, đem về cho địa phương nguồn thu lớn từ các dịch vụ của ngành công nghiệp không khói.

Cùng điểm danh những lễ hội mùa Xuân nổi tiếng khắp ba miền trên cả nước

Lễ hội mùa xuân nổi tiếng ở miền Bắc

Lễ hội chùa Hương

Đông đảo du khách thập phương tham dự lễ hội chùa Hương. (Ảnh: TTXVN) Đông đảo du khách thập phương tham dự lễ hội chùa Hương. (Ảnh: TTXVN)

Chùa Hương hay còn được biết đến với tên gọi khác là chùa Hương Sơn, là một quần thể danh lam thắng cảnh tọa lạc ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Quần thể chùa Hương được du khách thập phương phong cho danh hiệu “Biệt chiếm nhất Nam thiên”, là một trong những danh lam thắng cảnh đẹp nhất Việt Nam. Nơi đây xưa kia được coi là biểu tượng tín ngưỡng Phật giáo của thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung.

Lễ hội chùa Hương là một lễ hội lớn về số lượng các phật tử tham gia hành hương. Lễ hội được tổ chức từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, thường thu hút đông đảo du khách do thời điểm này cảnh sắc và thời tiết đẹp nhất để du khách có thể vãn cảnh.

Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc như hát chèo, hát văn bên cạnh đó còn có các cuộc thi mang tính thể thao như leo núi, đua thuyền,...Xưa kia, người dân mở hội chùa Hương với ý nghĩa khai sơn, mở rừng. Ngày nay, lễ hội chùa Hương còn mang ý nghĩa khai chùa, mở chùa để người dân đến đây cầu tài cầu lộc cầu bình an cho gia đình.

Lễ hội Gò Đống Đa

Lễ rước kiệu vua Quang Trung và Công chúa Ngọc Hân tại Lễ hội Gò Đống Đa. (Ảnh: TTXVN) Lễ rước kiệu vua Quang Trung và Công chúa Ngọc Hân tại Lễ hội Gò Đống Đa. (Ảnh: TTXVN)

Gò Đống Đa là di tích lịch sử tọa lạc tại phố Tây Sơn, phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Nơi đây gắn liền với chiến thắng của vua Quang Trung dẹp tan quân Thanh vào năm 1789 trong trận chiến Ngọc Hồi-Đống Đa đầy hào hùng.

Lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội) diễn ra vào ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ công tích lẫy lừng của vua Quang Trung.

Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện rõ tinh thần thượng võ, trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất. Chùa Đồng Quang gần gò Đống Đa cũng là nơi diễn ra lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sỹ vì dân, vì nước.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử Gò Đống Đa là Di tích Quốc gia Đặc biệt.

Lễ hội Khai ấn đền Trần

Đông đảo người dân địa phương và du khách đến Lễ hội Khai ấn đền Trần ở Nam Định. (Ảnh: TTXVN) Đông đảo người dân địa phương và du khách đến Lễ hội Khai ấn đền Trần ở Nam Định. (Ảnh: TTXVN)

Lễ hội Khai ấn Đền Trần hàng năm diễn ra từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng; trong đó chính hội Khai ấn diễn ra vào đêm ngày 14 (bắt đầu từ giờ Tý) là một tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu cho “quốc thái dân an,” thiên hạ thái bình, thịnh trị; mọi nhà chung hưởng lộc ấn “Tích phúc vô cương” của Đền Trần.

Đây là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng nhất Việt Nam. Tham dự Lễ hội Khai ấn Đền Trần tại Khu Di tích Lịch sử-Văn hóa Quốc gia Đặc biệt Đền Trần-Chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng (Nam Định) là dịp để các thế hệ người dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức đối với Vương triều Trần - Triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam và đối với Đức Thánh Trần - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - người có công lớn trong các chiến công đánh giặc giữ nước hiển hách của Nhà Trần, được nhân dân suy tôn là bậc Thánh; khơi dậy niềm tự hào về Hào khí Đông A sáng ngời của quân dân Đại Việt 3 lần đại thắng quân Nguyên-Mông xâm lược.

Đến với Lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu Xuân, người dân không chỉ thỏa mãn ước nguyện cầu may, cầu phúc mà còn được chiêm ngưỡng cảnh quan, những giá trị di sản truyền thống của Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp Phổ Minh. Từ những công trình kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật, phong cách kiến trúc thời Trần đến các tài liệu, hiện vật được lưu giữ, bảo tồn qua hàng trăm năm... phần nào thể hiện lịch sử thời đại huy hoàng, oanh liệt “võ công, văn trị” nhà Trần.

Lễ hội Yên Tử

Nhân dân, phật tử dâng hương tại chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử. (Ảnh: TTXVN) Nhân dân, phật tử dâng hương tại chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử. (Ảnh: TTXVN)

Hội Xuân Yên Tử (Quảng Ninh) thường bắt đầu từ mồng 9 tháng Giêng âm lịch và kéo dài hết 3 tháng mùa xuân hằng năm.

Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội tổ chức dưới chân núi Yên Tử, là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Du khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương về đất Phật giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Năm 1299, vua Trần Nhân Tông đã xây dựng nên dòng thiền Trúc Lâm bằng cả một hệ thống lý thuyết và hành động gắn đạo với đời. Ông được coi là vị sư tổ thứ nhất của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử. Từ đó về sau, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc Việt Nam trong các thế kỷ 12, 13, 14.

Nhiều công trình tâm linh Phật pháp và hàng trăm am, tháp mộ, bia, tượng đã được xây dựng trên đỉnh thiêng Yên Tử. Quần thể kiến trúc đồ sộ này kết hợp với khung cảnh hữu tình đã làm nên Khu Di tích Lịch sử và Danh thắng Yên Tử mang tầm quốc gia.

Mãi cho đến hôm nay, các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa vẫn chưa có kết luận cuối cùng về thời gian khai sinh chính xác của Hội xuân Yên Tử, chỉ ước lượng có thể nó đã tồn tại từ thế kỷ 17-18.

Đường lên đỉnh Yên Tử là một cuộc thử thách đức tin, kiểm chứng lòng thành với Phật. Ðến được chùa Ðồng, những tín đồ của Phật có cảm giác mãn nguyện như đến được cội nguồn cõi Phật. Dường như nơi đây là chốn đào viên để Tiên, Phật đánh cờ, luận đàm kinh kệ, truyền cho các bậc hiền triết của trần gian.

Giỗ Tổ Hùng Vương

Đoàn rước kiệu trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương của các xã, phường, thị trấn vùng ven về Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Đền Hùng.( Ảnh: TTXVN) Đoàn rước kiệu trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương của các xã, phường, thị trấn vùng ven về Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Đền Hùng.( Ảnh: TTXVN)

Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương, là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”

Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10/3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa dân gian và kết thúc vào ngày 10/3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.

Năm 2007, Quốc Hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi, trên toàn thế giới vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước

Năm 2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” - biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của Nhân loại.

Lễ hội mùa Xuân nổi tiếng ở miền Trung

Lễ hội Đền vua Mai

Tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu và Khai hội Lễ hội Đền Vua Mai năm 2023. (Ảnh: TTXVN) Tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu và Khai hội Lễ hội Đền Vua Mai năm 2023. (Ảnh: TTXVN)

Lễ hội diễn ra từ mùng 3 đến mùng 5 Tết. Đây là lễ hội tổ chức thường niên nhằm tưởng nhớ vua Mai Hắc Đế. Vua Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An).

Lễ hội Đền Vua Mai là một trong những lễ hội mở đầu cho các hoạt động lễ hội trong năm ở tỉnh Nghệ An. Về với lễ hội, nhân dân và du khách thập phương sẽ được hòa mình trong những hoạt động mang đậm bản sắc vùng “địa linh nhân kiệt” như lễ rước nước, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ đại tế, lễ tạ... hay cùng tham gia các trò chơi dân gian như cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, kéo co, hội vật.

Hội vật làng Sình

Một buổi đấu vật trong lễ hội vật làng Sình tại xã Phú Mậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: TTXVN) Một buổi đấu vật trong lễ hội vật làng Sình tại xã Phú Mậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: TTXVN)

Hằng năm cứ vào ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch, người dân xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thừa Thiên lại giong trống mở cờ, đến hẹn lại lên tổ chức Hội Vật làng Sình. Hội Vật làng Sình là nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy suốt mấy trăm năm qua kể từ thời chúa Nguyễn.

Hội vật được diễn ra tại Lại Ân hay còn gọi là làng Sình. Đây là một trong những ngôi làng được hình thành khá sớm ở Đàng Trong, nằm ven sông Hương, ở hạ lưu ngã ba Sình (rước thuộc huyện Tư Vinh hay tổng Mậu Tài), nay là xã Phú Mẫu huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng Sình cũng là địa chỉ cuối cùng về phương Nam còn lưu giữ truyền thống vật võ.

Lễ hội mang nét văn hóa đặc sắc của xứ Huế, không chỉ mang yếu tố tâm linh truyền thống mà còn là một hoạt động vui, khỏe đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí, nhất là với lớp trai trẻ.

Hội vật này khác hẳn với hội vật ở các làng quê khác bởi người dân tổ chức hội vật như một hình thức giải trí đơn thuần sau những ngày tết chứ không vì mục đích tuyển chọn võ sĩ cho triều đình phong kiến lúc bấy giờ.

Lễ hội Cầu Ngư

Nghi lễ chính của lễ Cầu ngư tại Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN) Nghi lễ chính của lễ Cầu ngư tại Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN)

Lễ hội Cầu Ngư (hay còn gọi là Lễ hội Cá Ông) là nét đẹp văn hoá của ngư dân các làng chài ven biển Nam Trung Bộ.

Lễ hội tái hiện lại một cách sinh động phong tục truyền thống thờ cúng Cá Ông theo những truyền thuyết mang đậm nét văn hóa dân gian.

Đối với đời sống cộng đồng cư dân biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, vì đây là lễ hội cầu mùa-cầu ngư hay lễ tế ngư thần và cầu xin thần ban cho một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”.

Bên cạnh đó, Lễ hội Cầu ngư chính là nguồn sử liệu, là những bằng chứng xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai…Lễ hội còn là nơi lưu giữa các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống và là một lễ hội quan trọng cần được duy trì bảo tồn và phát huy.

Lễ hội mùa Xuân nổi tiếng ở miền Nam

Lễ hội núi Bà Đen

Du khách chiêm bái tượng phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất châu Á trên đỉnh núi Bà Đen. (Ảnh: TTXVN) Du khách chiêm bái tượng phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất châu Á trên đỉnh núi Bà Đen. (Ảnh: TTXVN)

Nằm trên địa phận phường Ninh Sơn thuộc thành phố Tây Ninh cách trung tâm thành phố chừng 11km về phía Tây Bắc, khu di tích danh thắng núi Bà gắn với nhiều truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian được đánh giá là vùng đất tâm linh vào hàng bậc nhất của vùng đất Nam Bộ.

Trên núi có nhiều hang động, đền đài, am miếu thờ nhiều vị thần linh, tiên, thánh, Phật, trong đó vị thần chính là Bà Đen được sắc phong Linh Sơn Thánh Mẫu.

Hàng năm tại núi Bà Đen có hai lễ hội được nhiều người biết đến: hội Xuân núi Bà diễn ra từ đêm 18 và ngày 19 tháng Giêng âm lịch và hội Vía Bà được tổ chức trong ba ngày 4, 5, 6 tháng Năm âm lịch.

Vào dịp Tết Nguyên đán, khi tiết trời còn mát mẻ, cảnh vật như được khoác lên một màu áo mới thì lòng người cũng hồ hởi hân hoan…, người ta rủ nhau đi trẩy hội núi Bà. Tuy vía Bà diễn ra từ đêm 18 và ngày 19 tháng Giêng nhưng trong suốt tháng Giêng và cả tháng Hai, núi Bà Đen trở nên đông vui với dòng người tấp nập tìm về để hành hương vì nhu cầu tín ngưỡng.

Trên đường leo núi, du khách có thể dừng chân tại đền Linh Sơn Thánh Mẫu hoặc Miếu Sơn Thần; ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ của núi Bà Đen.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu

Du khách về Bình Dương dự Lễ hội Chùa bà Thiên Hậu. (Ảnh: TTXVN) Du khách về Bình Dương dự Lễ hội Chùa bà Thiên Hậu. (Ảnh: TTXVN)

Hội chùa Bà Thiên Hậu (hội chùa Bà) diễn ra trong 3 ngày từ 13 đến rằm tháng giêng ở Bình Dương và là lễ hội dân gian mang nét văn hóa độc đáo đặc biệt của vùng Đông Nam Bộ.

Ở hội chùa Bà Thiên Hậu (hội chùa Bà), nhân dân thường bày bàn ra trước cửa nhà để cúng tế vào đêm 13 tháng Giêng để chuẩn bị cho lễ rước Bà vào ngày hôm sau.

Sáng ngày 14 tháng giêng, lễ rước Bà Thiên Hậu được tổ chức theo nghi thức truyền thống, kiệu Bà được rước khắp phố phường cùng đội múa sư tử, múa lân, rồng, cờ xí ... Đến ngày cuối cùng của hội, ngày rằm tháng giêng, dân chúng về chùa Bà thắp hương cầu cúng, mong phúc lộc.

Lễ hội đền Đức Thánh Trần

Đền thờ Đức Thánh Trần ở Thành phố Hồ Chí Minh Đền thờ Đức Thánh Trần ở Thành phố Hồ Chí Minh

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, là một vị tướng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Với công lao và sự lỗi lạc của mình, sau khi mất, ông được nhân dân cả nước tôn vinh là "Đức Thánh Trần" và lập đền thờ ở nhiều nơi, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.

Diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng giêng hàng năm, hội đền Đức Thánh Trần ở ở đường Võ Thị Sáu, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là dịp để tri ân công đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ trẻ.

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo