
Đài Truyền hình TPHCM rất tâm huyết thực hiện chương trình ca nhạc đặc biệt “Son sắt một tình yêu” chào mừng 42 năm ngày đất nước thống nhất. (Ảnh: HTV)
(Thanhuytphcm.vn) - Tối 29/4, đông đảo bà con nhân dân huyện Hóc Môn đã đến với Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Những mùa xuân huyền thoại”. Chương trình do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang kết hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017).
Qua những ca cảnh và các bài tân cổ giao duyên: Những mùa xuân huyền thoại, Đất nước trọn niềm vui, Rồi sầu riêng lại trổ bông, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Sợi nhớ sợi thương, Thành phố anh hùng, Rạng rỡ Việt Nam…, chương trình tái hiện những lát cắt về một thời đạn bom khói lửa mà những người lính, người nữ thanh niên xung phong là những hình tượng đẹp đẽ nhất - những con người sẵn sàng quên mình vì đồng đội, vì độc lập tự do dân tộc. Với những làn điệu quê hương dạt dào, da diết mà không kém phần hào hùng, nghệ thuật cải lương vẫn luôn có vị trí vững chắc trong tâm hồn người dân phương Nam. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của: NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lê Hồng Thắm, các nghệ sĩ Trọng Nghĩa, Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Dương Thanh, Tâm Tâm, Hà Như, Diễm Thanh, Võ Thành Phê, Nguyễn Văn Mẹo, Hoàng Minh Vương, Diễm Kiều, ca sĩ Anh Bằng…
Cũng trong tối 29/4, vào 21 giờ 40 phút, kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam đã phát sóng chương trình Giai điệu tự hào chủ đề “Gửi em chiếc nón bài thơ”, vinh danh những ca khúc được phổ nhạc từ thơ; đồng thời là sự tri ân của thế hệ hôm nay dành cho những con người đã làm nên lịch sử, cũng như những con người đã ghi lại lịch sử bằng lời thơ và điệu nhạc. Những ca khúc của một thời và mãi mãi được giới thiệu trong chương trình: Lá đỏ (thơ: Nguyễn Đình Thi, nhạc: Hoàng Hiệp), Bài ca Trường Sơn (thơ: Gia Dũng, nhạc: Trần Chung), Dáng đứng Việt Nam (thơ: Lê Anh Xuân, nhạc: Nguyễn Chí Vũ), Làng quan họ quê tôi (thơ: Nguyễn Phan Hách, nhạc: Nguyễn Trọng Tạo), Gửi em chiếc nón bài thơ (thơ: Sơn Tùng, nhạc: Lê Việt) và Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý) đã thể hiện sự hòa quyện tuyệt vời giữa thơ và nhạc, cùng chắp cánh cho nhau đưa các tác phẩm trở thành những giai điệu đáng tự hào nhất của lịch sử âm nhạc Việt Nam. Đặc biệt, những bản phối mới của Lá đỏ (được “rock hóa”), Bài ca Trường Sơn (phong cách ascoutic), Làng quan họ quê tôi (phong cách world music), Dáng đứng Việt Nam (được “jazz hóa”) hay Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (phong cách dân gian đương đại)… đã mang lại những cảm nhận thú vị, mới mẻ cho người nghe. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của những giọng ca hàng đầu: ca sĩ Trọng Tấn, Thanh Lam, Vũ Thắng Lợi, nhóm Ngũ Cung, nhóm Con gái….
Nhóm nhạc Ngũ Cung “rock hóa” ca khúc Lá đỏ trong chương trình Giai điệu tự hào tối 29/4. (Ảnh: VTV)Đặc biệt, kỷ niệm 42 năm ngày chiến thắng, Đài Truyền hình TPHCM đã thực hiện chương trình âm nhạc đặc biệt chủ đề “Son sắt một tình yêu” phát sóng vào 13 giờ 15 phút ngày 30/4 và phát lại vào 21 giờ ngày 1/5. Với hình thức một “bộ phim ca nhạc”, Son sắt một tình yêu kể chuyện cuộc đời của 4 nhân vật: Mai (ca sĩ Ngọc Mai), Bằng (ca sĩ Anh Bằng), Vỹ (ca sĩ Thế Vỹ) và Tâm (ca sĩ Hoàng Dung) - những người bạn, những đồng chí đã gác lại thanh xuân mà đi theo tiếng gọi non sông. Dưới góc nhìn của nhân vật Mai sau 42 năm ngày cuộc chiến lùi xa, những ký ức về một thời tuổi trẻ với bao lý tưởng, hoài bão và một niềm tin bất diệt vào chiến thắng, vào một tình yêu son sắt bỗng hiển hiện, sống động qua những giai điệu bất hủ của những ca khúc đi cùng năm tháng: Quê hương anh bộ đội, Bước chân trên dãy Trường Sơn, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Cô gái mở đường, Tình em, Lá đỏ, Tiến về Sài Gòn, Sài Gòn quật khởi, Mùa xuân trên quê hương, Bài ca không quên, Hương thầm… Chương trình còn có sự tham gia của nhóm Lạc Việt và gần 100 diễn viên quần chúng. Đây là cách làm mới của Đài Truyền hình TPHCM trong việc đổi mới nội dung, hình thức các chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chính trị.