Thứ Sáu, ngày 30 tháng 5 năm 2025

Những đóng góp của Lực lượng Công an Nhân dân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Hội thảo khoa học lịch sử Vai trò của Lực lượng Công an Nhân dân trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ngày 16/12/2017. Thượng tướng, GS.TS TÔ LÂM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an gửi bài tham dự Hội thảo. (Ảnh: Long Hồ)

Cách đây 50 năm, đúng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, dưới chỉ đạo của Trung ương Đảng, cuộc tổng tiến công, nổi dậy của quân và dân ta nổ ra đồng loạt ở 4 thành phố lớn, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn trên toàn miền Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa chiến lược, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi tới thắng lợi; đồng thời khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân ta, khẳng định tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược của Đảng ta. Trong những chiến công đó, có vai trò và những đóng góp to lớn của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng.

Giai đoạn 1965 - 1968, đế quốc Mỹ chuyển hướng chiến lược từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam, mở rộng hoạt động không quân và hải quân, ném bom đánh phá miền Bắc để gây áp lực, nhằm làm giảm sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam ruột thịt. Với ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân ta, sau mùa khô năm 1966-1967, ta đã giữ quyền chủ động về chiến lược. Cục diện chiến trường có lợi cho cách mạng miền Nam; chiến tranh nhân dân phát triển trên cả ba vùng chiến lược; uy tín của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam không ngừng được tăng cường, về phía địch, vùng kiểm soát của chúng tiếp tục bị thu hẹp. Chính quyền Việt Nam cộng hòa lâm vào khủng hoảng. Mâu thuẫn trong nội bộ địch ngày càng sâu sắc. Quân đội Việt Nam cộng hòa bị sa sút nghiêm trọng về ý chí và tinh thần chiến đấu. Quân Mỹ thương vong nhiều nhưng mục tiêu đề ra trong các cuộc phản công không thực hiện được. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ tiếp tục tăng cường chiến tranh, tìm mọi cách giành thắng lợi về quân sự để thương lượng với ta trên thế mạnh.

Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định: Xu thế của tình hình trong cả nước năm 1968 là địch sẽ ngày càng chuyển vào phòng ngự một cách bị động hơn trước. Chúng ta đã thắng địch cả về chiến lược lẫn chiến thuật và thế lực của ta phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc. Chúng ta đang nắm quyền chủ động trên toàn bộ chiến trường. Cuộc tiến công của các lực lượng vũ trang trên các chiến trường chính và sự nổi dậy của nhân dân ở các thành thị lớn là hai mũi tiến công chính, kết hợp chặt chẽ với nhau, tạo mũi nhọn thọc vào yết hầu của địch, có tầm quan trọng quyết định đối với toàn bộ chiến trường và toàn bộ cuộc chiến tranh. Tình hình ấy cho phép ta chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định(1). Trên cơ sở thế trận đã hình thành, sau khi nghiên cứu những điều kiện chính trị, quân sự của ta và địch, tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị họp ra Nghị quyết về “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa”, quyết định đưa chiến tranh vào các đô thị miền Nam bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Ngày 15/12/1967, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ban hành Chỉ  thị số 32/CT, trong đó nêu rõ nhiệm vụ của lực lượng An ninh trong Tổng tiến công và nổi dậy: “…hướng vào các đô thị, thị xã, thị trấn và các vùng xung yếu, phối hợp với các lực lượng vũ trang khác và lực lượng chính trị của quần chúng đẩy mạnh trừ gian diệt ác và bộ máy kìm kẹp, hạ uy thế của địch, tạo thế cho phong trào cách mạng của quần chúng nổi dậy, tiến lên tiêu diệt các cơ quan đầu não, các tổ chức công an, tình báo của Mỹ ngụy, các đảng phái phản động của địch một cách triệt để góp phần đánh sụp ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở; giành chính quyền về tay nhân dân, tích cực nắm vững tình hình địch, tích cực chuẩn bị lực lượng chuyên môn để truy kích địch, bảo vệ chính quyền cách mạng .. .”(2)

Thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng về tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và từ những kinh nghiệm tham gia bảo vệ chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Điện Biện Phủ, ngay từ tháng 6/1961, Bộ Công an đã chủ động chuẩn bị các điều kiện về trang thiết bị, phương tiện, tổ chức, cán bộ. Ngày 18/5/1966, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ký Quyết định số 05/QĐ-BCA thành lập Ban nghiên cứu miền Nam, thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình miền Nam, giúp Bộ trưởng nghiên cứu các vấn đề về đường lối công tác an ninh miền Nam, kế hoạch chi viện mọi mặt cho sát hợp, có hiệu quả. Ngày 19/12/1967, Bộ Công an quyết định giao Phòng theo dõi tình hình miền Nam nghiên cứu về Tổng công kích, tổng khởi nghĩa của Công xã Pari, Cách mạng tháng Mười Nga để tham khảo, rút kinh nghiệm và trao đổi với An ninh Trung ương Cục miền Nam phục vụ cho cuộc Tổng tiến công.

Giữa lúc khí thế chống Mỹ sục sôi cả hai miền, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 22, tháng 01/1968, xác định rõ: “Năm 1968 có một vị trí đặc biệt đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước ở cả hai miền nước ta. Ra sức giữ vững an ninh miền Bắc, phục vụ tốt công cuộc xây dựng kinh tế và sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Chi viện tốt cho công tác an ninh miền Nam, đảm bảo yêu cầu trước mắt, đồng thời đáp ứng tình hình cách mạng khi có chuyển biến lớn. Ra sức bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, cải tiến công tác, cải tiến tổ chức và lề lối làm việc, tổng kết kinh nghiệm và xây dựng lý luận nghiệp vụ, nhằm đảm bảo thực hiện tốt hai nhiệm vụ trên”.

Những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trong cuộc tổng tiến công chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt đối với cục diện chiến trường miền Nam và cả nước. Có thể khái quát như sau:

Thứ nhất, xây dựng lực lượng Công an nhân dân đủ sức bảo đảm trật tự trị an, chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, tham gia cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968.

Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã quán triệt, lãnh đạo cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân nắm chắc tình hình và nhiệm vụ, đẩy mạnh chi viện chiến trường miền Nam, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ở nhiều đơn vị, địa phương đã đề ra khẩu hiệu hành động thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng, chiến đấu anh dũng: “Tất cả cho tiền tuyến - Tất cả để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược!”; “Thiết thực hưởng ứng cuộc tấn công toàn diện của quân và dân miền Nam, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân hãy tích cực chiến đấu và tăng cường công tác với tinh thần thừa thắng xông lên để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược!”; “Vì an ninh Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, toàn thể cán bộ, chiến sĩ công an hãy tích cực đẩy mạnh thi đua, đấu tranh làm thất bại chiến tranh gián điệp và chiến tranh tâm lý của địch, giữ gìn trật tự, an ninh để bảo vệ miền Bắc và đấu tranh giành thống nhất đất nước”(3). Các phong trào thi đua liên tiếp được tổ chức, phát động, điển hình như: Công an nhân dân vũ trang Nam Hà đã phát động và tổ chức phong trào “Rèn luyện tốt để sẵn sàng chi viện cho tuyến lửa”, “Rèn luyện đôi chân gần đường thống nhất”, tổ chức: các cuộc hành quân đường dài mang tên “sẵn sàng chi viện cho miền Nam” nhằm tăng cường sức chiến đấu cho đơn vị. Công an nhân dân vũ trang Thái Bình phát động đợt thi đua “Chiến đấu, chiến thắng giặc Mỹ trên các mặt trận và bảo vệ an toàn lực lượng”, nỗ lực phấn đấu với tinh thần của Quân giải phóng và đồng bào miền Nam “thừa thắng xốc tới, tiến công liên tục”; đề ra những biện pháp thiết thực, như “ba nhanh” và “bốn biết” (kiểm soát nhanh, sơ tán nhanh, giải quyết hậu quả nhanh; biết số lượng, chất lượng, di biến động và đặc điểm của tàu thuyền); chủ động phối hợp chặt chẽ với dân quân địa phương để theo dõi, kịp thời phát hiện máy bay địch, phá hủy thủy lôi, mở đường an toàn cửa sông trong điều kiện địch đánh phá ác liệt.

Lực lượng Công an nhân dân ở miền Bắc nêu cao tinh thần và quyết tâm “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giữ vững an ninh miền Bắc trong bất kỳ tình huống nào”; đã bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị, rèn luyện thể lực, chi viện cho An ninh miền Nam gần 3 ngàn cán bộ. Thông qua phong trào quần chúng bảo vệ trị an và bảo mật phòng gian, phát huy các biện pháp nghiệp vụ, điều tra làm rõ âm mưu và hoạt động của địch, bắt một số tên gián điệp. Từ tháng 8/1968 đến tháng 12/1969, Công an thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số địa phương khác đã bắt 49 đối tượng, phát hiện 194 đầu mối nghi vấn, lập 13 hiềm nghi và một số chuyên án gián điệp hoạt động theo phương thức ẩn nấp(4).

Thời gian này, lực lượng an ninh toàn miền Nam có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng với tổng số 8.000 cán bộ, chiến sĩ an ninh cấp huyện trở lên; 17.000 cán bộ, chiến sĩ an ninh xã, ấp. Trường huấn luyện an ninh Trung ương Cục và các khu, tỉnh, huyện tại Miền Nam cũng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng 3.958 cán bộ nghiệp vụ và 17.502 lượt chiến sĩ để phục vụ cho chiến trường(5). Các tiểu ban nghiệp vụ, lực lượng chiến đấu trực tiếp từ Ban an ninh Trung ương Cục đến khu, tỉnh được hình thành và không ngừng được củng cố. Để góp phần làm nên thắng lợi chung của dân tộc trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ an ninh đã anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời; chỉ tính riêng từ Tết Mậu Thân 1968 đến tháng 10/1969, có 677 cán bộ, chiến sĩ nghiệp vụ hy sinh hoặc bị địch bắt(6).

Thứ hai, tổ chức tốt công tác điều tra, kịp thời nắm vững tình hình, bảo vệ an toàn và phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan của Đảng, Chính phủ; tích cực tham gia diệt ác trừ gian, chống do thám, gián điệp, tạo điều kiện cho phong trào nổi dậy của quần chúng, mở rộng bàn đạp quanh đô thị, tạo căn cứ lõm trong đô thị.

Lực lượng Công an đã chủ động tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan của Đảng, Chính phủ, cơ quan Chỉ huy Tổng tiến công, nổi dậy; đẩy mạnh công tác phát động quần chúng phòng gian bảo mật, tăng cường bảo vệ nội bộ các cơ quan, đơn vị; đồng thời rà soát phát hiện những phần tử nghi vấn, đề nghị điều chuyển ra khỏi những bộ phận thiết yếu, quan trọng. Ở các vùng địch chiếm đóng, lực lượng an ninh đã tích cực xây dựng cơ sở, tuyên truyền vận động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược diệt ác phá kìm, phá kế hoạch bình định nông thôn của địch, giành quyền làm chủ cho quần chúng.

Để đẩy mạnh công tác tấn công địch, Ban an ninh Trung ương Cục miền Nam chủ trương phát triển lực lượng trinh sát vũ trang, dựa vào quần chúng, phối hợp với các cơ sở điệp báo, An ninh đô thị để điều tra nghiên cứu nắm tình hình địch, đánh sâu thọc hiểm, cải trang đột nhập, tạo thế bất ngờ, đánh địch ngay tận hang ổ, sào huyệt, làm cho chúng không kịp trở tay, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Lực lượng an ninh miền Nam đã xây dựng được gần 9 ngàn cơ sở bí mật, 936 cơ sở điệp báo từ cấp xã, ấp trở lên. Nhiều cơ sở của ta xây dựng trong cơ quan địch như Tổng Nha Cảnh sát, các đoàn bình định nông thôn, phái Phật giáo Ấn Quang, Đảng Đại Việt, Hội Việt Mỹ; trong số nhân viên tình báo tiểu khu, chi khu, cơ quan Trung tâm điện toán thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội ngụy, nhân sỹ, trí thức có quan hệ, tiếp xúc nhiều với các nhân vật ngụy quyền ở Trung ương và địa phương... đã phát huy tác dụng, nắm được nhiều tình hình, tin tức về âm mưu của Mỹ - ngụy, về mâu thuẫn trong nội bộ ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu; nắm được một số tình hình, kế hoạch hành quân càn quét, bình định của địch và âm mưu của chúng tung gián điệp biệt kích ra phá hoại miền Bắc. Để phục vụ việc đi lại, hoạt động của cán bộ An ninh miền Nam và một số ngành hoạt động ở vùng địch kiểm soát, ta nhanh chóng bố trí các tổ kỹ thuật vào chiến trường để làm thẻ căn cước “Rồng xanh” giả; tăng cường chi viện các loại phương tiện điện đài, luật mật mã, cán bộ báo vụ, cơ yếu cho Ban An ninh Trung ương cục và An ninh các khu, tỉnh ở miền Nam, đảm bảo liên lạc thông suốt giữa Bộ và An ninh miền Nam.

Ngay trong đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy (từ 31 tháng 01 đến 25 tháng 2 năm 1968), lực lượng An ninh miền Nam đã phối hợp với các lực lượng vũ trang khác giải phóng hầu hết các nhà lao (trung tâm cải huấn) và trại giam, giải thoát 6.678 cán bộ và đồng bào yêu nước; bắt, diệt 15.135 tên địch, trong đó có 3.409 tên đầu sỏ, tề, điệp, phản động tay sai ác ôn ngoan cố, 1.359 nhân viên tình báo các loại, 1.766 cảnh sát, 632 bình định nông thôn, 269 an ninh quân đội, 429 ác ôn; bắt giam khai thác 1.579 tên cảnh sát, tình báo, ngụy quyền, đảng phái phản động bắt giáo dục, khống chế 1.871 tên, trong đó phần lớn là tề, ngụy; phá vỡ 4.200 ấp chiến lược, làm tan rã bộ máy đàn áp của địch từ tỉnh xuống xã, nhất là ở Quảng Trị, Thừa Thiên -  Huế, Sài Gòn - Gia Định, Biên Hòa, Mỹ Tho, Gò Công, Bình Thuận, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tây Ninh....

Qua cả ba đợt tổng tiến công và nổi dậy, các lực lượng an ninh miền Nam đã góp phần cùng quân và dân ta tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch, trong đó có 4 vạn quân Mỹ, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với 1,6 triệu dân; tấn công đồng loạt vào hầu hết các cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở như: Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, các trung tâm tình báo, gián điệp, trại giam của Mỹ - ngụy… giải tán 1.200 ban tề, hội động xã(7); tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn xe thiết giáp; phá hủy 13.000 xe quân sự, 1.000 tầu, xuồng chiến đấu; tiêu diệt và bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu, 12.000 ấp chiến lược bị phá, vùng kiểm soát của địch ở nông thôn tan rã từng mảng lớn(8).

Thứ ba, nhanh chóng ổn định, đảm bảo trật tự trị an trong thành phố, khôi phục lại sinh hoạt bình thường của nhân dân.

Đêm 30 rạng ngày 31/1/1968 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân) cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam bắt đầu. Sau khi đập tan bộ máy chính quyền địch, lực lượng an ninh cùng các lực lượng quân sự, chính trị, các ngành, các giới gấp rút xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng. Lực lượng an ninh kịp thời phổ biến chính sách Mặt trận, kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền, cảnh sát đầu hàng, nộp vũ khí, tài liệu; hướng dẫn nhân dân quản lý và tổ chức công tác giữ gìn trật tự, an ninh các khu vực do ta chiếm được; đồng thời tiếp tục điều tra, truy kích, trấn áp phản cách mạng, bảo vệ chính quyền cách mạng; ổn định nhanh chóng sinh hoạt bình thường của quần chúng nhân dân.

Công an các địa phương phân tán nhỏ lực lượng, thực hiện bám dân, bám địa bàn, bám đối tượng và cơ sở để tuyên truyền giác ngộ, hướng dẫn quần chúng phong trào bảo vệ trị an công tác, phòng gian bảo mật. Lực lượng an ninh đã nghiên cứu đề xuất với cấp ủy những chính sách, thể lệ có liên quan đến trật tự trị an; quản lý chặt chẽ số địch ra ngũ, số hàng địch trở về để có kế hoạch giáo dục; tổ chức quản lý, kiểm soát hoạt động các quán xá, các tuyến, trục đường giao thông, đề phòng địch cài cắm bọn tay sai hoạt động tình báo, gián điệp, ngăn ngừa các thủ đoạn chia rẽ, mua chuộc và phát triển các hoạt động của địch.

Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, lực lượng Công an nhân dân tự hào ôn lại những chiến công oanh liệt, thành tích vẻ vang và nguyện tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang, nêu cao tinh thần đoàn kết, rèn luyện đạo đức cách mạng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thượng tướng, GS.TS TÔ LÂM

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

_____________________________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 29, tr. 50.

(2) Bộ Công an, 60 năm Công an nhân dân Việt Nam (1945-2005), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 284.

(3) Báo Công an nhân dân, số 330, ngày 10/2/1968, tr. l.

(4) Bộ Công an: 60 năm Công an nhân dân Việt Nam (1945-2005), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 297.

(5) Bộ phận thường trực Ban Nghiên cứu tổng kết lịch sử CAND phía Nam: An ninh miền Nam thời chống Mỹ

(6) Bộ phận thường trực Ban Nghiên cứu tổng kết lịch sử CAND phía Nam: An ninh miền Nam thời chống Mỹ 1954-1975, Sđd, tr. 199.

(7) Ban Chỉ đạo tổng kết lịch sử Bộ Công an, Viện Lịch sử Công an, Đề tài nhánh số14 Tổng kết lịch sử công tác chi viện An ninh miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Hà Nội, 2014, tr. 39.

(8) Ban Nghiên cứu lịch sử CAND: Lịch sử Công an nhân dân Việt Nam (1954-1975), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 358.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo