Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Những đoàn viên áo trắng

Y sĩ Hoàng Văn Nguyên chăm sóc cho bệnh nhân.

(Thanhuytphcm.vn) - Kể tiếp câu chuyện xúc động ở Bệnh viện Nhân Ái – nơi đấu tranh giành lấy từng phút tồn sinh cho bao bệnh nhân nhiễm “H” – từ huyện Bù Gia Mập xa xôi của tỉnh Bình Phước (được phản ánh trong bài Những trái tim Nhân Ái trên Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM ngày 26/2/2019), còn có những “đoàn viên áo trắng” – những người đã dùng tuổi trẻ của mình để dệt nên những mùa xuân nhân ái.

2 năm sau khi Bệnh viện Nhân Ái (thuộc Sở Y tế TPHCM) ra đời vào năm 2006, Đoàn cơ sở của Bệnh viện Nhân Ái mới chính thức được thành lập. Hoạt động của Đoàn gắn liền với nhiệm vụ chính của đơn vị là chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối và sơ cấp cứu ban đầu cho người dân địa phương. Đến nay Đoàn cơ sở đã có 108 đoàn viên thuộc 5 chi đoàn. Nhìn về ngày ấy, có những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi từ khắp mọi miền Tổ quốc đã chọn cho mình một đường đi khó để theo đuổi nghề thầy thuốc cao quý, cũng không ít người trong số họ muốn đến nơi đặc biệt này với mục đích ban đầu chỉ để khám phá và “thử lửa” bản thân.

“Khi mới ra trường mình chẳng biết Nhân Ái là bệnh viện gì và đặc thù như thế nào, cứ làm thử thôi, thấy rất lạ lẫm so với lúc đi học và thực tập…” – y sĩ Hoàng Văn Nguyên đến từ Khoa Cắt cơn nghiện và phục hồi chức năng, Ủy viên Ban chấp hành Đoàn cơ sở Bệnh viện Nhân Ái nhớ lại. Cũng giống như Nguyên, điều dưỡng Bùi Văn Tiến của Phòng Công tác xã hội, Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Nhân Ái, cũng không ngờ mình đã gắn bó với các bệnh nhân HIV/AIDS 10 năm rồi. Tiến cho biết: “Nghe người quen giới thiệu mình cũng đến làm việc tại đây với mong muốn được đi học tiếp vì Bệnh viện Nhân Ái đào tạo tại chỗ. Nhưng sau khi làm việc mình thấy thích môi trường ở đây, đặc biệt là tình cảm giữa nhân viên với nhân viên, nhân viên với bệnh nhân…”.

Họ đến đây khi còn rất trẻ và chính vì họ trẻ mà lại táo bạo dấn thân, gan lì ở lại Bệnh viện Nhân Ái ngày đêm cận kề với các bệnh nhân HIV/AIDS nên nhiều người thoạt nghĩ họ “bất bình thường”, họ “chơi trội” hay “háo thắng”. Đến cả gia đình cũng hiếm khi thuận lòng ủng hộ. Gia đình phản đối, những người yêu thương cũng không ủng hộ, có những bạn trẻ không chịu nổi áp lực từ người thân đã rời Nhân Ái đến những bệnh viện khác nhưng vẫn còn đó những y sĩ Hoàng Văn Nguyên, điều dưỡng Phan Thị Thủy (đoàn viên Khoa Nội 2)… vẫn quyết liệt bám trụ vì “càng làm thì càng thương bệnh nhân”.

Cả thế giới này ai mà không sợ HIV/AIDS và cha mẹ nào mà chẳng thương con nhưng “là người trong cuộc” nên BS Trầm Xuân Chánh, Trưởng Khoa Săn sóc đặc biệt tại Bệnh viện Nhân Ái, hiểu và tôn trọng quyết định của con mình là điều dưỡng Trầm Điền Hồng Phước. Từ ngày Hồng Phước còn học phổ thông, BS Trầm Xuân Chánh đã nói với con rằng: “Con nên tự đưa ra lựa chọn và trải nghiệm cuộc đời của mình” và Hồng Phước đã chọn trở thành đồng nghiệp của cha tại Bệnh viện Nhân Ái.

Đoàn viên Đoàn Cơ sở Bệnh viện Nhân Ái trong một hoạt động phong trào. Đoàn viên Đoàn Cơ sở Bệnh viện Nhân Ái trong một hoạt động phong trào.

Chia sẻ về quyết định rời TPHCM theo cha lên Bình Phước, Hồng Phước chỉ nói đơn giản: “Hồi đó em chỉ lên chơi vài lần, bố em cũng làm ở đây mười mấy năm rồi nên em lên luôn. Ban đầu cũng sợ thật nhưng em thấy họ cần mình…”. Với BS Trầm Xuân Chánh và Hồng Phước thì Nhân Ái đã như một mái ấm thứ hai. Bởi hơn ai hết, họ biết các bệnh nhân đang chờ tử thần gọi tên ấy cần họ biết bao khi không chỉ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, các nhân viên ở đây còn mang đến cho người bệnh cảm giác được yêu thương mà những người “có H” thường không hy vọng còn được nếm trải.

BS Xuân Kiệt (đang công tác tại Trung tâm cấp cứu 115) không khỏi cảm phục và bày tỏ xúc động trước tinh thần dấn thân của những đồng nghiệp đang công tác tại Bệnh viện Nhân Ái: “Đổi lại là mình thì sao? Nếu thời gian ngắn thì có thể phục vụ được chứ dài lâu như các anh chị thì rất khó vì mình còn gia đình và nhiều việc khác nữa…”.

Ai đó đã nói rằng “Bạn chỉ có một cuộc đời để sống” và hầu như ai cũng trăn trở phải “sống” sao cho xứng đáng được vinh dự có mặt trên đời. Nhìn thấy công việc mà các “đoàn viên áo trắng” của Bệnh viện Nhân Ái tận tụy thực hiện suốt bao năm qua, chúng ta cũng có thể hiểu rằng, họ đã tìm được mục đích sống của mình. Đó là dấn thân cho y học và quên mình để mang lại chút an ủi cuối đời cho những nạn nhân của “căn bệnh thế kỷ”. Chiếc áo trắng họ mặc mỗi khi thực hiện nhiệm vụ người thầy thuốc dường như cũng sáng hơn bởi y đức rạng ngời và tinh thần thiện nguyện đẹp tươi như tuổi trẻ của chính họ…

Song Ngư


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo