Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và toàn thế giới: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập! Cùng nhân dân cả nước, hàng triệu người dân Sài Gòn - Gia Định nô nức xuống đường chào đón ngày độc lập và đã xin thề kiên quyết giữ gìn nền độc lập, tự do.
Chưa kịp hưởng trọn vẹn một ngày vui độc lập, nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã phải đứng lên chống thực dân Pháp. Sau một loạt hành động gây hấn, rạng sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp ngang nhiên đánh vào Trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam Bộ và nhiều nơi khác trong thành phố Sài Gòn. Lực lượng tự vệ Sài Gòn đã kiên quyết chống trả. Trong khi khắp nơi trong thành phố, bất cứ nơi nào Pháp nổ súng đánh chiếm đều bị quân ta chống trả quyết liệt bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, ngay sáng 23 tháng 9, Hội nghị của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ khẩn cấp được triệu tập ở số nhà 269 đường Cây Mai - Chợ Lớn. Hội nghị đã thảo luận, tranh luận gay gắt giữa hai ý kiến trái ngược nhau: một bên muốn chỉ nên đình công, bãi thị, bất hợp tác, chờ lệnh của Trung ương; một bên do Trần Văn Giàu chủ trương muốn phát động ngay cuộc kháng chiến chống Pháp, bởi tình thế rất cấp bách, kẻ thù đã đẩy chúng ta vào con đường phải kiên quyết đứng lên chiến đấu, không còn con đường nào khác. Bên ngoài nhiều người tụ tập chờ đợi quyết định của Hội nghị, tiếng la hét “xin cho đánh” dội vào phòng họp. Cuối cùng, Hội nghị đi đến quyết định: Một mặt điện cấp báo ra Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch để xin chỉ thị, mặt khác phát động ngay cuộc kháng chiến! Hội nghị đã thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch[1]. Quyết định đó đã phản ánh đúng thực tế ở Sài Gòn, ở Nam Bộ khi mà quân Pháp đã thể hiện rõ dã tâm xâm lược bằng hành động trắng trợn, đặt chúng ta vào tình thế Độc lập hay là nô lệ! Và trên thực tế, nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã đứng lên chống xâm lược.
Sau cuộc họp lịch sử ấy, ngay sáng 23 tháng 9, đồng chí Trần Văn Giàu - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã phát lời kêu gọi nhân dân Nam Bộ, nhân dân Sài Gòn đứng lên cầm vũ khí chống quân Pháp xâm lược và tuyên bố “Cuộc kháng chiến bắt đầu!” Sài Gòn kháng chiến, Nam Bộ kháng chiến mở đầu cho toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược sau đó. Sự kiện này mang những dấu ấn đặc biệt.
Lập tức đứng lên kháng chiến là một quyết định đúng đắn, kịp thời, ý Đảng hợp lòng dân, đúng tinh thần của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!”[2] Đó là một hành động thể hiện ý chí quyết tâm của đồng bào Sài Gòn - Gia Định, đồng bào Nam Bộ đối với vận mệnh nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Quyết định phát động kháng chiến là hành động kiên quyết, thể hiện tính quyết đoán của những người lãnh đạo dám đối diện với thực tiễn lịch sử, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm ngời sáng bản lĩnh của Đảng trước tình huống cam go của đất nước. Để đi đến quyết định đó, Xứ ủy Nam Bộ đã nhiều lần đề nghị đồng bào giữ bình tĩnh trước những hành động gây hấn của quân Pháp, một mặt kiên quyết lên án hành động và dã tâm của Pháp, một mặt cố gắng tránh để xung đột căng thẳng thêm. Nhưng quân Pháp tưởng rằng với lực lượng quân đội chính quy, lại có quân Anh đứng sau hỗ trợ có thể dễ dàng chiếm được Sài Gòn, chiếm được Nam Bộ, thực hiện âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh”. Tình thế rất cấp bách, đòi hỏi phải có quyết định kịp thời. Không khí cấp bách ấy đặt cuộc họp của Xứ ủy trước sự lựa chọn hết sức khó khăn, và cuối cùng đã quyết định: Đánh, và báo cáo Trung ương!
Quyết định của cuộc họp Xứ ủy và cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương hết sức tán thành. Ngay khi nhận được điện báo cáo, Hồ Chủ tịch đã triệu tập khẩn cấp Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng. Hội nghị nhất trí với quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ, kêu gọi đồng bào cả nước chi viện sức người, sức của cho miền Nam, quyết định thành lập các đơn vị Nam tiến và cử cán bộ vào tăng cường cho Nam Bộ.
Ngày 24 tháng 9, Chính phủ đã ra Huấn lệnh cho quân và dân Nam Bộ: “Lòng kiên quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lược chẳng những làm cho đồng bào cả nước khâm phục, mà lại còn chứng tỏ cho cả thế giới đều biết các quyền độc lập của nhân dân Nam Bộ”[3]. Ngay sau đó, Hồ Chí Minh và Chính phủ đã kêu gọi cả nước ủng hộ và chi viện cho Nam Bộ kháng chiến. Sài Gòn kháng chiến, Nam Bộ kháng chiến đã tạo nên một tiêu điểm cho phong trào Nam tiến với những đoàn quân quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Đoàn quân ấy đã khởi nguồn cho bao lớp người “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trong cuộc chống Mỹ, cứu nước sau này.
Quyết định của Xứ ủy Nam bộ tại Hội nghị Cây Mai và ngay sau đó là quyết định của Hội nghị Thường vụ Trung ương là sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thành công lớn nhất và ý nghĩa nhất của sự kiện này là đã thật sự làm nên sự cộng hưởng giữa bản lĩnh của Đảng và lòng dân. Trong sự kiện đó, một lần nữa, tập thể Xứ ủy và người đứng đầu Xứ ủy Nam Bộ đã thật sự tiêu biểu cho ý chí và cốt cách của người Sài Gòn, người Nam Bộ: Vì lẽ phải, vì việc nghĩa, vì sự sống còn của nền độc lập tự do, sẵn sàng đứng lên, chấp nhận hy sinh tất cả!
Sài Gòn kháng chiến, Nam Bộ kháng chiến đã đánh thẳng vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, bóc trần bản chất phản động, hiếu chiến, bản chất thực dân của Pháp và những kẻ mang danh Đồng minh nhưng lại đồng lõa cùng quân Pháp xâm lược. Kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp đã thất bại bởi vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân dân Sài Gòn - Gia Định và toàn Nam Bộ cùng với sự chi viện của cả nước.
Và chính thực tiễn đi trước lãnh đạo kháng chiến ở Sài Gòn, ở Nam Bộ của Xứ ủy Nam Bộ đã tạo điều kiện cho cả nước có thời gian chuẩn bị và đem lại cả những kinh nghiệm quý báu cho toàn quốc kháng chiến sau này. Đó là kinh nghiệm về kiên quyết phát động và tiến hành chiến tranh nhân dân chống xâm lược đúng lúc, trong điều kiện so sánh lực lượng hết sức chênh lệch; Lãnh đạo sâu sát, gần dân, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất của nhân dân trong thời điểm cam go, quyết liệt; Nắm chắc tình hình, phân tích đúng đắn tình hình thực tiễn; Kinh nghiệm về đấu tranh ngoại giao, nhân nhượng trên cơ sở nguyên tắc kiên quyết giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc; Kinh nghiệm về phát huy dân chủ trong tập thể lãnh đạo, thẳng thắn nêu và bảo vệ quan điểm, tôn trọng thực tiễn khách quan; Xây dựng và phát huy vai trò cán bộ chủ chốt, nhất là lựa chọn người đứng đầu có tâm, có tầm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân… Những kinh nghiệm quý báu đó không chỉ có được nhờ sự đúng đắn của lãnh đạo Xứ ủy và Trung ương Đảng mà còn được chính người dân Sài Gòn - Gia Định, người dân Nam Bộ xây dựng nên bằng tinh thần yêu nước, với khí phách hiên ngang đặc trưng Nam Bộ và chính máu xương của mình cống hiến cho sự trường tồn của non sông gấm vóc, cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
Ngay sau khi mở đầu, quân và dân Sài Gòn - Gia Định tiếp tục chiến đấu kiên cường, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong thắng lợi chung đó, Sài Gòn - Gia Định cùng toàn Nam Bộ đã đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ngay tại hậu phương của địch, buộc chúng phải lo giữ Nam Bộ, không thể tập trung binh lực và cơ sở vật chất cho chiến trường Bắc Bộ. Sài Gòn cũng là nơi đầu tiên nổ ra cuộc đấu tranh chống Mỹ khi chúng đưa tàu chiến đến Sài Gòn nhằm can thiệp sâu hơn vào chiến trường Đông Dương.
Ngay sau Hiệp định Giơ ne vơ, Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam, chống phá miền Bắc, chống lại nguyện vọng thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Sài Gòn - Gia Định lại trở thành chiến trường trọng điểm trong cuộc chống Mỹ, cứu nước. Chính nơi đây, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã trực tiếp đối đầu khốc liệt với những chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chế độ tay sai, từ chiến tranh đơn phương, đến chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, “Việt Nam hóa” chiến tranh. Đặc biệt, trong Mậu Thân 1968, sự kiện biệt động Sài Gòn đánh thẳng vào Đại sứ quán Mỹ đã góp phần quan trọng làm rung chuyển chính trường Mỹ, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Pa ri tháng 1 năm 1973.
Mặc dù đã có Hiệp định Pa ri, Mỹ buộc phải rút quân viễn chinh về nước, nhưng quân đội và chính quyền Sài Gòn vẫn được Mỹ tiếp sức, tăng cường trang bị, mở rộng lấn chiếm các vùng giải phóng. Thực tiễn bắt buộc chúng ta phải tiếp tục sử dụng bạo lực cách mạng để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trên chiến trường miền Nam, so sánh lực lượng ngày càng nghiêng về hướng có lợi cho cách mạng.
Sáng 30/4/1975, từ khắp mọi hướng, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh đồng loạt thẳng tiến Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)Kiên định mục tiêu chiến lược, phát huy sức mạnh của cả dân tộc, trong Mùa Xuân 1975, sau chiến thắng Phước Long, chúng ta giành thắng lợi vang dội ở Chiến dịch Tây Nguyên với trận mở đầu then chốt Buôn Ma Thuột, tiếp theo giải phóng Huế, Đà Nẵng, đánh bại quân địch dọc Duyên hải miền Trung, đập tan phòng tuyến Phan Rang và Xuân Lộc. Thừa thắng xốc tới, ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn vào trưa 30/4/1975. Sài Gòn - Gia Định được chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc: Toàn thắng! Nhân dân Sài Gòn - Gia Định, nơi đã mở đầu và kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng có vinh dự và đầy tự hào khi đã trực tiếp góp phần vào chiến công vĩ đại đó.
Sự kiện Sài Gòn giải phóng là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc và in một dấu ấn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. 50 năm đã trôi qua, Đại thắng Mùa Xuân 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và Sài Gòn được giải phóng vẫn mãi là bản hùng ca của cả dân tộc, in sâu trong tâm thức mỗi con người Việt Nam. Về sự kiện này, một vấn đề được rất nhiều người quan tâm, lý giải bằng nhiều hướng tiếp cận khác nhau, đó là: Tại sao, lý do gì dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Sài Gòn và vì sao Sài Gòn giải phóng mà giữ được gần như nguyên vẹn cả về cơ sở vật chất và tinh thần, cuộc sống của nhân dân?
Theo tôi, để hiểu rõ vấn đề này, cần có quan điểm lịch sử cụ thể và toàn diện về suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó đặc biệt chú ý tới diễn biến của Mùa Xuân 1975.
Thứ nhất, thực hiện ý định chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở Chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Ngày 6/1/1975, ta giải phóng và làm chủ toàn tỉnh Phước Long. Chiến dịch này với chiến thắng Phước Long thật sự là đòn trinh sát chiến lược, cho thấy chính quyền Sài Gòn không đủ khả năng giành lại một địa bàn chiến lược ngay sát nách Sài Gòn; Mỹ cũng không thể can dự trở lại miền Nam Việt Nam! Theo dõi và chỉ đạo chiến dịch, sau khi nhận tin chiến thắng Phước Long, ngày 8/1/1975, cuộc họp Bộ Chính trị lần 2 đã quyết định quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam.
Tiếp theo đó, trong Chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu là thắng lợi trong trận then chốt Buôn Ma Thuột, đánh tan cuộc rút chạy của quân đội Sài Gòn khỏi Tây Nguyên, chia cắt duyên hải miền Trung; thắng lợi của các chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng tạo nên thế tiến công, tạo nên tình huống chiến lược cho phép thần tốc, táo bạo tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Cùng với các hoạt động của quân và dân Khu 5, cánh quân Duyên Hải được thành lập đã hành quân thần tốc phá vỡ phòng tuyến Phan Rang tới miền Đông Nam Bộ, hợp sức với Quân đoàn 4 mở toang cánh cửa thép Xuân Lộc. Ở phía Tây Nam, quân và dân ta cùng lực lượng Đoàn 232 đã cắt đứt đường số 4, làm chủ gần như toàn bộ Nam Sài Gòn.
Nêu lại một số diễn biến chính cho thấy, trước khi vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã giải phóng và làm chủ toàn bộ khu vực rộng lớn, đặt Sài Gòn trong thế bị bao vây, không lối thoát.
Thứ hai, khi tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh, trong khi lực lượng quân đội Sài Gòn chỉ còn lại một số đơn vị trong nội đô, các lực lượng nằm trong chiến lược phòng thủ Sài Gòn hầu như đều đã bị tiêu diệt, vô hiệu hóa ở Tây Nguyên, Đà Nẵng, Phan Rang và cả ở Xuân Lộc thì lực lượng của chúng ta tập trung tới 5 binh đoàn chủ lực (các quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232) cùng lực lượng vũ trang và nhân dân Sài Gòn - Gia Định đồng loạt nổi dậy như một đội quân thứ 6, vừa chiến đấu, phối hợp tác chiến cùng chủ lực, vừa chủ động giành quyền làm chủ, đè bẹp sức phản kháng của địch ngay tại cơ sở. Với so sánh lực lượng như thế, chính quyền Sài Gòn không thể không nhanh chóng đầu hàng.
Thứ ba, ngay sau chiến thắng Phước Long, đặc biệt là sau chiến thắng của Chiến dịch Tây Nguyên, toàn quân toàn dân ta hừng hực khí thế quyết chiến quyết thắng; sau Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng khí thế ấy càng dâng lên với tinh thần: Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa, xốc tới giải phóng miền Nam!
Trong khi đó, về phía chính quyền và quân đội Sài Gòn, ngay khi Phước Long thất thủ đã chấp nhận sự thật: không thể tái chiếm! Khi Buôn Ma Thuột thất thủ, từ bất ngờ chiến dịch dẫn đến sai lầm chiến lược của họ là tuyên bố rút bỏ Tây Nguyên, hòng co về giữ ven biển miền Trung, không cho Việt Cộng cắt đôi miền Nam. Cuộc tháo chạy đó thật sự hỗn loạn, bị ta tiêu diệt gần như toàn bộ. Tinh thần chiến đấu của quân đội Sài Gòn trong tình trạng hoảng loạn, đến mức những lời tuyên bố của lãnh đạo chính quyền và các tướng lĩnh quân đội rằng phải tử thủ Đà Nẵng, tử thủ Phan Rang rồi tử thủ Xuân Lộc đều vô nghĩa. Việc Nguyễn Văn Thiệu từ bỏ chức vụ Tổng thống, một mình rút chạy bỏ mặc chính quyền và quân đội càng cho thấy sự tất yếu sụp đổ của chế độ tay sai, bán nước, hại dân.
Cũng chính vì vậy khi 5 cánh quân của ta tiến vào Sài Gòn trong sự cổ vũ, chào đón của nhân dân với một biển người, một rừng cờ đã tạo nên thế áp đảo đối với cả chính quyền và quân đội địch.
Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng xe tăng 4 (cầm cờ, phía trước) cùng 3 chiến sĩ của Lữ đoàn Tăng – Thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, trưa 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)Thứ tư, mặc dù đang ở trong thế áp đảo, mặc dù địch đã suy yếu, hoang mang dao động đến tột độ, nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh đã được chuẩn bị hết sức chu đáo, huy động toàn lực của cả bộ đội chủ lực, cả quân và dân Sài Gòn - Gia Định, với nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân phát triển đến đỉnh cao, phối hợp chặt chẽ tiến công và nổi dậy giành quyền làm chủ, kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn và có hiệu quả ba mũi giáp công chính trị, quân sự và binh vận tạo nên sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi nhanh chóng, đập tan chế độ Sài Gòn ngay tại hang ổ của chúng.
Thứ năm, tinh thần và thái độ kiên quyết giành thắng lợi trọn vẹn của quân đội, của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhân dân khắp thành phố nô nức chuấn bị, nắm địch và phối hợp tác chiến với các binh đoàn chủ lực, đồng loạt nổi dậy làm chủ khắp nơi, làm chủ các nhà máy, xí nghiệp quan trọng; lực lượng vũ trang địa phương vừa phối hợp đánh địch, vừa giữ vững địa bàn, chốt giữ những vị trí trọng yếu.
Cùng với những thắng lợi về quân sự và cũng là những đòn đánh vào tinh thần và tâm lý thất bại của cả chính quyền, quân đội và binh sĩ địch, công tác binh vận đã có tác dụng không nhỏ. Nhân dân và lực lượng địa phương tại chỗ vừa đánh, vừa kêu gọi địch đầu hàng, vừa tuyên truyền và công khai vận động binh sĩ quân đội và lực lượng bảo an, dân vệ buông súng về với nhân dân, với cách mạng. Lực lượng làm công tác binh vận đã vận động và thuyết phục cả một số nhân vật cấp cao trong quân đội và chính quyền địch, góp phần làm cho họ thấy rõ thế thua, thế thất bại tất yếu trước quân giải phóng và có hành động giảm bớt sự chống cự của binh sĩ.
Với sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Cùng với lá cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, khi Quân Giải phóng tiến vào Hội trường, Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cùng nội các đứng dậy và nói: Chúng tôi chờ Quân Giải phóng vào để bàn giao chính quyền. Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Trung đoàn xe tăng 203, Đại diện Quân Giải phóng tuyên bố ngay: Các ông không còn gì để bàn giao! Các ông phải tuyên bố đầu hàng! Đứng trước thực tế hiển nhiên, trước thái độ và hành động kiên quyết của người đại diện Quân Giải phóng, Dương Văn Minh buộc phải đi đến Đài Phát thanh đọc lời Tuyên bố đầu hàng không điều kiện do ta soạn thảo!
Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa chính trị, quân sự, mà còn góp phần dập tắt nhanh tiếng súng phản kháng của quân đội địch không chỉ ở Sài Gòn mà còn ở nhiều nơi trên chiến trường, đỡ hao tổn thêm xương máu của đồng bào, chiến sĩ, góp phần vào việc giữ cho Thành phố gần như vẹn nguyên sau chiến tranh - một hiện tượng độc đáo, hiếm có trong lịch sử chiến tranh trên thế giới.
Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
__________________
[1] Xem: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1975), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.42.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG - ST, H., 2011, tr. 3.
[3] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 340.