Đại biểu tham quan khu vực tăng gia sản xuất của Chốt dân quân thường trực biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia do Quân khu 7 quản lý dài hơn 627 km, trên cơ sở các Chốt dân quân đã có từ trước, nhưng cách xa với các đồn, trạm biên phòng từ 15 đến 20 km nên việc tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, được sự đồng ý của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Thường vụ Đảng ủy Quân khu và Thường vụ các Tỉnh, Thành ủy đã trao đổi, thống nhất và đồng thuận cao về chủ trương xây dựng Chốt chiến đấu dân quân thường trực cơ bản, vững chắc, xen kẽ giữa đồn, trạm biên phòng…
Bài 1: Vững vàng những “điểm tựa” vùng biên
(Thanhuytphcm.vn) – Tại Hội nghị tổng kết và tham quan xây dựng mô hình điểm về công tác quốc phòng địa phương, dân quân tự vệ trên địa bàn Quân khu 7 được Bộ Quốc phòng tổ chức vào cuối tháng 6/2023, các đại biểu đánh giá, những mô hình sáng tạo của Quân khu 7 mang tính chiến lược, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc. Trong đó, mô hình Chốt chiến đấu dân quân thường trực biên giới là một trong những mô hình nổi bật, những “điểm tựa” vùng biên vững vàng, thực sự ý nghĩa đối với nhiều địa bàn biên giới…
Hiện thực hóa chủ trương, đề án của Quân khu
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân khu lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã quyết nghị chủ trương xây dựng Chốt dân quân biên giới; Bộ Tư lệnh Quân khu đã ban hành Đề án số 2454 ngày 16/10/2018 về “Xây dựng chốt chiến đấu của dân quân thường trực biên giới đất liền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới đất liền trong tình hình mới”. Đến nay, Quân khu đã quy hoạch xây dựng trên toàn tuyến biên giới 65 Chốt dân quân (trong đó Tây Ninh 32, Long An 20, Bình Phước 13), trung bình mỗi xã biên giới có từ 1 đến 2 chốt. Các cơ quan Quân khu hướng dẫn về chuyên môn để các địa phương triển khai thực hiện. Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Phước đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh biên giới bố trí từ 1 đến 6ha đất/1 chốt, bảo đảm ngân sách địa phương xây dựng hệ thống công trình chiến đấu, nhà ở, sinh hoạt, khu tăng gia sản xuất, bảo đảm điện, nước; kinh phí trung bình 1 đến 3 tỷ đồng/1 chốt.
Đại biểu tham quan hệ thống công trình chiến đấu tại Chốt dân quân thường trực biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước Thời gian đầu công sự chiến đấu chủ yếu là gỗ đất, năm 2015 Bộ Quốc phòng bảo đảm 6,3 tỷ đồng xây dựng kiên cố 3 chốt bằng bê tông, cốt thép. Thực hiện chủ trương “Địa phương phía sau hỗ trợ địa phương, đơn vị phía trước”, Quân khu đã huy động 120 tỷ đồng do Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ để kiên cố hóa 60 chốt, bình quân 2 tỷ đồng/1 chốt.
Các đại biểu tham quan các mô hình Chốt chiến đấu dân quân biên giới và điểm dân cư liền kề xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước Các chốt dân quân thường trực biên giới được tổ chức biên chế, vũ khí trang bị, công cụ hỗ trợ đầy đủ theo quy định. Ngoài ra, Quân khu đã phối hợp với Trường Cao đẳng Hậu cần 2 đào tạo cho mỗi chốt 1 dân quân y tá để chăm lo sức khỏe cho dân quân tại chốt và Nhân dân khu vực biên giới. Các chốt thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đồn, trạm biên phòng tuần tra, kiểm soát giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ và phòng chống cháy rừng, tham gia làm công tác vận động, giúp đỡ và là chỗ dựa cho nhân dân định cư, ổn định cuộc sống trên tuyến biên giới; khi có tình huống chiến đấu, mỗi Chốt dân quân sẽ hình thành trận địa phòng ngự trong thế trận khu vực phòng thủ địa phương chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đặc biệt, năm 2021, các Chốt dân quân thường trực biên giới phối hợp với các lực lượng kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép; phòng, chống các hành vi lợi dụng dịch bệnh để vi phạm pháp luật… góp phần cùng Quân khu và các tỉnh ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân.
Xây dựng chính quy, xanh, sạch, đẹp trên các chốt
Hàng năm các địa phương có biên giới trên địa bàn Tây Ninh, Bình Phước, Long An đều quan tâm bố trí nguồn kinh phí để tu bổ, sửa chữa, xây dựng mới các công trình chiến đấu và sinh hoạt tại các chốt. Bảo đảm tốt chế độ chính sách và bảo hiểm y tế cho dân quân, vào dịp lễ, tết thường xuyên có các đoàn của Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, tỉnh, huyện đến thăm hỏi, tặng quà động viên. Bên cạnh đó, các địa phương đã huy động nhiều nguồn lực xã hội để chăm lo tốt cho chiến sĩ trên các chốt như lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, máy lọc nước, ti vi, tủ lạnh và các vật dụng thiết yếu bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, chính trị, tinh thần hàng ngày. Đặc biệt, các địa phương thực hiện tốt các mô hình chăm lo dân quân, như: “Tặng bò giống cho lực lượng dân quân”; “Hỗ trợ kinh phí tăng gia sản xuất”…
Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7 kiểm tra các chốt dân quân biên giới Ngoài ra, các địa phương chủ động bằng chính nội lực và bằng nguồn kinh phí huy động đã đầu tư, xây dựng, sửa chữa tất cả các chốt chiến đấu dân quân thường trực biên giới với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng và hàng chục ngàn ngày công lao động (huy động nguồn lực từ các ngành đoàn thể địa phương, lực lượng dân quân thường trực, bộ đội…). Các công trình phổ thông và công trình chiến đấu được duy tu, bảo dưỡng, hệ thống biển bảng chính quy được củng cố bảo đảm tính thống nhất. Bên cạnh đó, khu tăng gia sản xuất được xây dựng đúng theo quy định, khoa học, đáp ứng yêu cầu trồng nhiều chủng loại rau xanh kết hợp với chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn của chiến sĩ…
“Bên cạnh được đầu tư quy mô, công tác tổ chức huấn luyện của tiểu đội dân quân thường trực rất cơ bản, góp phần quan trọng cùng với bộ đội Biên phòng làm tốt hơn việc quản lý, bảo vệ biên giới, nhất là ở các địa bàn xung yếu” - Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị nhìn nhận về hiệu quả các Chốt dân quân thường trực biên giới trên địa bàn Quân khu 7.
“Quân khu 7 rất tự lực tự cường, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với dân, với nước. Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và các địa phương trên địa bàn đã có sự phối hợp gắn bó, triển khai nhiều chủ trương thống nhất. Đặc biệt là chủ trương củng cố năng lực phòng thủ tuyến biên giới, đưa dân lên biên giới, đây là việc làm rất thành công và mang tầm chiến lược”.
Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.