Thứ Tư, ngày 16 tháng 7 năm 2025

Nhớ những người lính đặc công đã làm nên “màu xanh”

Triển lãm ảnh quá trình sống và chiến đấu của các chiến sĩ đặc công Đoàn 10 tại đặc khu Rừng Sác-Cần Giờ

Được may mắn sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước đã thanh bình, quê hương đã im tiếng súng, lớp trẻ chúng tôi rất đỗi vinh dự và tự hào về thế hệ cha ông ngày trước. Những con người “đã làm nên lịch sử”, những cái tên đã đi vào huyền thoại để hôm nay, chúng tôi được cắp sách đến trường, được thi đua học tập và góp tay xây dựng Tổ Quốc mến yêu.

Là một trong số các đại biểu may mắn được tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 45 năm Ngày Thành lập Đặc công rừng Sác (15/4/1966 – 15/4/2011), một lần nữa tôi được sống, được nghe và được cảm nhận về những con người đã cống hiến xương máu của mình cho nền độc lập của Tổ quốc.

Trong hội trường ấy có những cô, những dì đã tiếp tế, nuôi giấu cán bộ. Những ngày tháng họ đã sống rất lạc quan, yêu đời ngay dưới mưa bom đạn lạc. Những người lính đặc công xưa ấy, nay tóc đã điểm sương vẫn rạng ngời sức sống, tay bắt mặt mừng, những nụ cười rạng rỡ cả khuôn mặt, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời oanh liệt…

Để giành lại từng tấc đất của khu rừng ngập mặn phía Đông Nam Sài Gòn, nhiều nhân chứng kể lại, họ đã sống dưới làn lửa đạn hơn 10 năm, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.

Trong một lần theo chân các bạn đoàn viên thanh niên của Chi đoàn 5 phòng ban-trực thuộc Đoàn Khối Chính quyền Quận 7, tôi có dịp trò chuyện cùng bác Nguyễn Văn Tám, người đã gắn bó với chiến khu rừng Sác từ lúc mới 14 tuổi, nay Bác là thuyết minh viên kỳ cựu của khu sinh thái Rừng Sác – Cần Giờ. Bác Tám kể rằng: “Năm 1968, Mỹ đem chất độc hóa học vào rải thảm ở rừng làm chết động, thực vật. Lúc ấy, cuộc sống nơi đây thật kinh khủng, nước mặn quanh năm, nguồn lương thực tiếp tế từ kho gạo miền Tây bị cắt đứt. Các chiến sĩ phải ăn lá cây rừng để sống như: đọt chà là, đọt ráng, lá kìm, rau bui, dừa nước... Vấn đề cấp bách nhất là nước uống. Nguồn nước hứng từ mưa và sương không đủ dùng. Ban đầu, các chiến sĩ mạo hiểm ra khỏi rừng để lấy nước ngọt, mỗi giọt nước thậm chí đổi bằng máu. Nhưng cái khó "ló" cái khôn, các chiến sĩ đã nảy ra sáng kiến chưng cất nước ngọt từ nước mặn theo kiểu nấu rượu. Rừng Sác nổi tiếng là “rừng thiêng nước độc”, cọp hàng đàn, cá sấu dày đặc. Chính vì thế, người chỉ huy ở đây phải hết sức thông thạo, nhanh nhạy để có thể phán đoán chính xác từng tiếng động. Nghe tiếng quẫy nước phải phân biệt được tiếng động của loài 4 chân hay 2 chân, quân ta hay quân địch…”

Bác hỏi chúng tôi cảm nhận gì sau những điều được nghe, được thấy, rồi ra chiều tâm đắc về những cái gật đầu, những câu hỏi dồn dập của những người trẻ đặt ra với bác. Cứ thế, lời thuyết minh của người lính già từ chiến trường này năm xưa cứ tuôn ra và khắc sâu vào lòng các bạn trẻ những xúc cảm ấn tượng về sự hy sinh và lòng quả cảm. Bác Tám kể: “Địa hình của rừng khá đặc biệt, có nơi bùn lầy đến ngang lưng nhưng cũng có chỗ khô ráo. Các chiến sĩ ta phải di chuyển trên rễ cây, tránh lội xuống bùn vì sợ để lộ vết tích. Đoàn có 3 đại đội: một đội biệt kích chuyên đi nắm tình hình dân, một đội “giữ nhà” và lo hậu cần, còn một đội chuyên đi trồng rừng. Phải trồng cây ở những lối mà quân ta đã đi để xóa dấu vết. Cây lên tới gối là mừng vì sau đó, lực lượng ta có thể bò bên dưới mà không bị địch phát hiện. Tuy vậy, năm 1966, biệt kích Mỹ phát hiện căn cứ và kéo 3 cánh quân đánh vào. Nhờ thông thạo địa hình và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong rừng ngập mặn nên ta đã tiêu diệt gần hết 300 quân địch”.

Trong 10 năm ấy, trên chiến trường Rừng Sác, Trung đoàn đã “lấy” được 3 tấn thuốc nổ, chế tạo nhiều loại vũ khí góp phần đánh chìm hàng trăm tàu chiến, phá hủy nhiều kho tàng lớn của địch trên sông Lòng Tàu, cảng Rạch Dừa, Nhà Bè, Cát Lái, Thành Tuy Hạ… và hôm nay, đã có những vần thơ khắc ghi từng chiến công:

“… Những “rái cá” Đặc công Đoàn 10

Nhận chìm dưới đáy sông hàng trăm tàu giặc

Lại hóa thành những “cá kình”

Nổ tung kho bom Thành Tuy Hạ

Tiêu hủy tan hoang “dạ dày” kho nhiên liệu Nhà Bè

Một lực lượng quân sự "xuất quỷ nhập thần" trên mặt nước ở vùng chiến khu trên mặt nước đã buộc tướng Westmoreland của Mỹ phải thừa nhận: Những người lính Mỹ ở đây đã gặp phải "một cuộc chiến đấu kỳ lạ trong một cuộc chiến tranh kỳ lạ”, bởi những đặc công ở đây đã chiến đấu dũng cảm phi thường gần như “tay không bắt giặc”, trước địch được trang bị đầy đủ các loại vũ khí tối tân…

Thiếu tướng Trần Thành Lập, nguyên Chính ủy Đoàn 10 Rừng Sác (từ năm 1971 đến 1976), một chứng nhân lịch sử khi nói về những tháng ngày chiến đấu đã ngậm ngùi đọc những lời thơ:

“… Trong điệu ru cánh rừng ngập mặn

Nước thì trong mà xương thì trắng

Nghĩa trang vô hình lắng giữa tim ta.”

Cả hội trường lặng im và những giọt nước mắt đã rơi. Mọi người xúc động nhớ lại những con người, dù khuyết danh hay hữu danh đã ngã xuống điểm tô cho màu xanh của mảnh đất này, cho rừng đước vươn mình thẳng trời xanh. Chúng tôi, những người đang sống, xin tỏ lòng thành kính tri ân những người lính đặc công đã anh dũng hy sinh. Chúng tôi nguyện hứa với lòng sống sao cho thật xứng đáng với những hy sinh, cống hiến.

K. Loan

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo