Thứ Năm, ngày 3 tháng 7 năm 2025

Kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2012):

Nhớ người anh hùng quê hương Đất Thép

Đến tháng 9 năm nay, ông đã ra đi vừa đúng 65 năm. Dù năm tháng đã phủ dày gió bụi thời gian, nhưng đối với quê hương, đất nước, ông mãi mãi là tấm gương sáng ngời về lòng trung kiên bất khuất của người chiến sĩ công an nhân dân. Đó là Anh hùng, Liệt sĩ Nguyễn Văn Khạ ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, người chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc từ những ngày đầu của Nam bộ kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai.

37 năm sau khi đất nước thống nhất, thôn quê của vùng Đất Thép đã khác hẳn với diện mạo của Củ Chi thời bom rơi, đạn nổ. Dọc theo tỉnh lộ 15, hướng về Khu Di tích lịch sử địa đạo Bến Dược, phía trái là Nghĩa trang liệt sĩ An Nhơn Tây của huyện Củ Chi, cùng với hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ của quê hương Củ Chi, bên phải trước tượng đài Tổ quốc ghi công là mộ phần của anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Khạ gần nơi hành lễ.

Và, cách đó không xa có một con đường mang tên ông - Đường Nguyễn Văn Khạ - Người Anh hùng Lực lượng Công an nhân dân của quê hương Đất Thép thành đồng.

Đại tá Huỳnh Văn Hoàng, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Củ Chi nói với tôi rằng, mỗi đoạn đường xe chúng tôi qua là sống lưng của địa đạo năm nào. Trong gần 300 cây số của hệ thống “làng ngầm” năm xưa thì trong từng xóm ấp, bờ kinh của vùng quê Đất Thép này ở đâu mà chẳng có địa đạo, và địa đạo chồng lên địa đạo cũng là chuyện bình thường.

Theo tỉnh lộ 15, ngược sang hướng Bến Cát, Bình Dương, qua cầu Bến Nẩy không xa là xã Phú Hòa Đông, quê hương của Liệt sĩ Nguyễn Văn Khạ. Nói đến tên tuổi ông hầu như người nào ở vùng quê này cũng biết.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông Khạ là một trong những thanh niên tham gia cướp chính quyền ở thôn. Sau ngày Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, ông cùng đồng đội xây dựng căn cứ, tổ chức lực lượng chống lại kẻ thù.

Kháng chiến Nam bộ bùng nổ, chiến tranh lan rộng khắp nơi. Cũng như bao làng quê khác ở vùng ven Sài Gòn, giặc Pháp tràn về quê hương Củ Chi của ông gây ra biết bao tang tóc cho dân lành. Trong tình thế còn non yếu cả về tổ chức và lực lượng trong buổi ban đầu, để củng cố, phát triển thêm lực lượng, ông đã cùng đồng đội rút ra chiến khu để tiếp tục chiến đấu.

Với cương vị là Trưởng ban Ám sát Khu 5 (lúc đó gồm các xã: Phú Hòa Đông, Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây và Nhuận Đức), trong gần hai năm, ông vừa xây dựng cơ sở vừa tổ chức đánh địch, ông Khạ đã tổ chức nhiều trận đánh, trong đó có những trận nổi tiếng như tập kích đồn Thầy Biên, trận phá cầu Bến Nẩy… gây cho địch những tổn thất nặng nề, tạo được tiếng vang lớn, góp phần mang lại niềm tin cho nhân dân trong vùng.

Vào một ngày của đầu tháng 7 năm 1947, một lần trên đường đi điều nghiên từ An Nhơn về An Hòa, vừa đến cầu Cái Lăng, không may ông Khạ đã bị địch phục kích bắt sống. Bắt được ông, chúng hí hửng nghĩ rằng sẽ khuất phục được ông.

Lúc đầu, chúng tỏ ra tử tế. Song, thấy không lay chuyển được ý chí của ông chúng bèn chuyển sang tra tấn, đánh đập với những ngón đòn hết sức dã man. Thế nhưng ông vẫn không hé ra một lời. Cuối cùng, chúng đã phải dùng đến kế xảo quyệt, hèn hạ là bắt vợ và con ông để lung lạc tinh thần, khuyên ông đầu hàng. Nhưng rồi tất cả đều thất bại.

Vào sáng 8/9/1947, tại chợ Phú Hòa Đông, trước đông đảo nhân dân, bằng những lời lẽ đanh thép, ông đã hiên ngang vạch mặt, tố cáo tội ác của kẻ thù, kêu gọi mọi người tham gia, ủng hộ kháng chiến. Đứng trên bục cao giữa chợ, ông thề dù có chết cũng không bao giờ phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân. Lời nguyện ấy như lời căn dặn mọi người ở lại hãy trọn giữ niềm tin vào Hồ Chủ tịch và Chính phủ Việt Nam mà tham gia kháng chiến chống giặc.

Quá bất ngờ và tức giận trước những lời lẽ đanh thép của ông, chúng vội lôi ông xuống rồi ra sức thi nhau đấm đá. Chứng kiến hành động dã man của địch, mọi người ai nấy đều ngậm ngùi xót thương, vô cùng cảm phục tinh thần kiên cường, bất khuất của ông và cũng dâng tràn lòng uất hận trước kẻ thù. Đến quá nửa đêm, chúng kéo ông Khạ từ trại biệt giam qua dốc Bầu Trâm ở xã Tân Trung rồi ném xuống giếng thủ tiêu. Hôm đó là rạng sáng ngày 9 tháng 9 năm 1947…

Đỗ Linh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo