Nữ cựu tù chính trị Đoàn Lê Hương (bên trái) và nữ cựu tù chính trị Nguyễn Minh Phương trong 1 lần gặp gỡ.(Thanhuytphcm.vn) – Cuộc gặp gỡ của hai nữ cựu tù chính trị Đoàn Lê Hương (nguyên Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM) và Nguyễn Minh Phương (nguyên Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận 10) trong những ngày tháng Tư lịch sử như đã làm bừng dậy ký ức về thời hoa lửa của những người từng tham gia cách mạng, đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Đó là những tháng năm của tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng của những chiến sĩ năm xưa, là khí thế rộn ràng của ngày 30/4/1975 lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hun đúc ý chí cách mạng
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, năm 1962 khi vừa tròn 15 tuổi, cô gái quê Long An Nguyễn Minh Phương đã tham gia cách mạng tại địa phương. Tháng 10/1965 đồng chí làm nhiệm vụ tại phân khu Bình Tân, Khu Sài Gòn – Gia Định. “Khi đó, tôi có nhiệm vụ xây dựng lực lượng cơ sở để chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Tôi làm công tác vận động quần chúng. Làm công tác dân vận thời điểm đó chỉ có một mình mình làm, một mình mình hay. Do hoạt động bí mật nên chỉ biết một người duy nhất là những chỉ huy trực tiếp của mình”. – đồng chí Nguyễn Minh Phương kể.
Tháng 4/1968, đồng chí bị địch bắt rồi phải trải qua nhiều nhà tù của chế độ Mỹ - Ngụy, như: Thủ Đức, Chí Hòa, Côn Đảo, Tân Hiệp,… “Khi còn trẻ tôi rất sợ rắn, sợ sâu nhưng khi bị địch bắt vào tù tôi không thấy sợ, không bao giờ khóc. Mình đã theo cách mạng, đứng vào hàng ngũ của Đảng, trải qua gian khổ và nghe kể về gương của những anh hùng cách mạng đã hun đúc cho tôi ý chí cách mạng, tinh thần chiến đấu. Mình phải tự đấu tranh tư tưởng, không sợ hy sinh, không sợ cái chết. Càng bị tra tấn, tôi càng căm giận quân thù nhiều hơn”. – nữ cựu tù chính trị Nguyễn Minh Phương chia sẻ.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đến năm 1974 nữ tù chính trị Nguyễn Minh Phương đã được trao trả về. Đồng chí được phân công làm thư ký cho Văn phòng cấp ủy Liên quận III và trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã tham gia tiếp quản Quận 10. Cuối tháng 3 đầu tháng 4, đồng chí Nguyễn Minh Phương trở lại Sài Gòn để nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho công tác tiếp quản. Những ngày tháng 4/1975 đã có thể cảm nhận được khí thế mới, các lực lượng cách mạng gấp rút chuẩn bị để giải phóng Sài Gòn. “Trưa ngày 30/4/1975, trên đường đi tôi đã nghe Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện từ radio các nhà dân phát ra. Khi nghe được lời đầu hàng đó tôi rất vui mừng vì TP đã được giải phóng. Trên nhiều tuyến đường, người dân hoan hênh đón lực lượng quân giải phóng. Trong khi đó, nhiều lính ngụy trên đường tháo chạy đã cởi bỏ quân phục để lại ngổn ngang trên đường.”- Đồng chí Nguyễn Minh Phương kể.
Người dân TPHCM luôn hướng về cách mạng
Dù đã hơn 73 tuổi nhưng trong ký ức nữ cựu chính trị Đoàn Lê Hương, vẫn luôn nhớ về thời khắc lịch sử 30/4/1974. Tham gia cách mạng năm 1964, khi đang là nữ sinh của trường Gia Long. Năm 1969, đồng chí Đoàn Lê Hương bị bắt địch bắt đã phải trải qua nhiều nhà tù khác nhau, rồi cũng bị địch đưa ra nhà tù ở Côn Đảo. Khi được trao trả về năm 1974, đồng chí hoạt động cách mạng trong vùng giải phóng ở Tây Ninh và khu vực miền Tây Nam bộ. “Do tôi có thẻ căn cước ở Sài Gòn nên từ giữa tháng 4 được tổ chức giao nhiệm vụ cho về Sài Gòn trước để làm công tác chuẩn bị các điều kiện cho việc tiếp quản. Tôi được người quen đưa đến ở nhà dì Tư Châu trên đường Ngô Quyền để bám địa bàn Quận 10”. – Đồng chí Đoàn Lê Hương nhớ lại.
Kể về thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, đồng chí Đoàn Lê Hương bồi hồi: “Chiều 30/4 khi tôi về nhà tôi đã lấy 2 áo dài màu đỏ và xanh nước biển cắt được 4 lá cờ của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau đó, tôi cho các em đi treo ngoài đường Ngô Quyền và tiếp tục đi mua vải may cờ. Bà con trong khu phố thấy vậy nhờ tôi bày cách làm cờ của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chiều đó, cả khu phố treo cờ hết, có nhà thì treo cờ vải, có nhà làm cờ bằng giấy để dán trước cửa”.
Ngay sau ngày TP được giải phóng, đồng chí Đoàn Lê Hương cùng lực lượng tại địa phương thành lập Chính quyền cách mạng lâm thời phường. Cùng với đó là thành lập ban đại diện của các khóm; thành lập chi hội thanh niên. “Để thành lập chi hội thanh niên, chúng tôi cho người tuyên truyền đến người dân biết chính quyền cách mạng đã về, bà con yên tâm góp sức xây dựng đất nước. Chúng tôi mời thanh niên 18 – 25 tuổi ra phường tham gia. Ngày hôm sau đó, có rất đông, đến khoảng 500 – 700 thanh niên đến phường. Hội thanh niên đã thành lập đội thông tin, đội tổng vệ sinh; mở kho lương thực phát cho đồng bào đói và thu gom súng, quân phục của lính Mỹ - ngụy bỏ lại. Đội thanh niên hoạt động rất tốt”. – Đồng chí Đoàn Lê Hương nhớ lại.
Đồng chí Đoàn Lê Hương kể, ngay sau khi đất nước được thống nhất, khí thế ở TP luôn hừng hực, đồng bào phấn khởi. Tại lễ mít-tinh mừng chiến thắng (ngày 7/5/1975) có sự tham dự của Thượng tướng Trần Văn Trà, Trưởng ban quân quản thành phố Sài Gòn, đồng bào TP tham dự rất đông. “TP có khí thể hừng hực như vậy là nhờ tấm lòng người dân TP luôn hướng về cách mạng. Ngay cả thời điểm kháng chiến, bên ngoài TP là kẽm gai, rào thép nhưng tấm lòng người dân vẫn luôn hướng về cách mạng. Người dân có tình cảm cách mạng nên khi cách mạng về khơi dậy quần chúng đứng lên rất nhiệt tình. Ngay mấy cô tham gia hoạt động ở phường tối về nhà, sáng ra phường chờ được phân công việc để làm. Tất cả làm việc tích cực dù không có lương”. Đồng chí Đoàn Lê Hương chia sẻ.
Hôm nay, sau 45 năm đất nước thống nhất, TPHCM từng ngày phát triển thay da đổi thịt. Chia sẻ những đổi thay này, đồng chí Đoàn Lê Hương xúc động: “Không nói đâu xa, ngay ở Quận 10 có sự thay đổi rất lớn. Vài năm sau ngày đất nước thống nhất, Nhà hát Hòa Bình đã được xây dựng tại Quận 10. Đây là một trong những nhà hát lớn của TP. Trên con đường Ba Tháng Hai, đoạn qua Quận 10 trước giải phóng toàn là trại gia binh, trại quân sự, bao bọc kẽm gai giờ là khu vực kinh tế phát triển. Hay đường Thành Thái trước đây hoang vắng, nhiều tệ nạn giờ cũng phát triển trù phú. Nhưng trên hết tình cảm, tấm lòng của người dân TP luôn ấm áp, luôn hướng về cách mạng”.