Tiết mục “Tiếng hát dân công” được thể hiện trong chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh của 32 liệt sĩ dân công hỏa tuyến tại Vĩnh Lộc – Bình Chánh vào sáng 3/7.(Thanhuytphcm.vn) - Đêm 15/6/1968 (nhằm 20/5 Âm lịch) dường như đã ngưng đọng trong ký ức những người dân của quê hương Vĩnh Lộc - Bình Chánh khi đìa Dứa bưng Láng Sấu loang máu 32 dân công hỏa tuyến trong trận oanh kích của kẻ thù. Ký ức hãi hùng về “đêm trắng” Vĩnh Lộc 50 năm về trước là nỗi đau khôn nguôi, cũng là động lực cho những người còn ở lại và là cả niềm tự hào của người đi sau về những người con gái, con trai từ đồng bưng làm nên lịch sử…
Mãi mãi tuổi 20
Với vị trí “đắc địa” - giáp căn cứ Vườn Thơm và căn cứ địa cách mạng Củ Chi, xã Vĩnh Lộc được xem là “vành đai lửa” trong kháng chiến chống Mỹ. Sống ở vùng tranh tối tranh sáng “ngày quốc gia, đêm quân giải phóng”, người dân Vĩnh Lộc vẫn nêu cao ý chí quật cường cách mạng. “Chỗ nào có áp bức thì có đấu tranh. Nó bắt bớ bà con mình nhiều quá. Dân Vĩnh Lộc ở đây, không thoát ly đi bộ đội thì cũng vào du kích, làm dân công”, chú Trần Văn Lé, tham gia du kích từ năm 17 tuổi, là một trong những người may mắn thoát khỏi tử địa bưng Láng Sấu 50 năm về trước, chia sẻ.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu thực hiện nghi thức dâng hoa, dâng hương tưởng niệm 32 liệt sĩ dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh tại Tượng đài Nữ dân công hỏa tuyến trong khu di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.Ở tuổi 18, chú Lé làm nhiệm vụ dẫn các đơn vị bộ đội, du kích tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. “Đêm đó, tôi dẫn du kích đi cùng đoàn dân công. Như mọi ngày, mọi người xuống được đồng bưng rồi nhưng không ngờ hôm đó máy bay địch đã rọi vòng lên bờ kênh lớn còn bay quành lại đồng bưng. Dù đã cố lẫn vào bụi dứa nhưng đội hình đã lộ rõ dưới ánh đèn pha sáng cả một vùng. Chúng nó bắn xối xả, mọi người chạy tán loạn cố tìm đường sống. Tôi may mắn lăn qua được rãnh nước, dìu đồng chí du kích mật đang bị thương chạy ngược lại giữa 2 đợt bắn nên thoát chết. Phải hơn 1 tiếng đồng hồ quần thảo thì mới ngơi tiếng súng”, cảnh tượng đêm 15/6 định mệnh vẫn còn in đậm trong tâm trí chú Lé. Đưa người đồng đội bị thương vượt khỏi vòng vây an toàn, ngay trong đêm, chú Lé vẫn tiếp tục nhiệm vụ dẫn các đoàn quân đi, trong đó có phối hợp lấy xác, cứu chữa người bị thương trong đợt oanh kích.
Đoàn người gần 60 người làm nhiệm vụ đưa thương binh vượt bưng Láng Sấu xuống Đức Hòa - Long An và tải đạn về Sài Gòn, chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ đã mất đi 35 người, trong đó có 32 dân công (25 nữ, 7 nam), 3 bộ đội chủ lực, 25 người còn sống sót và thương tật. Tất cả đều còn rất trẻ, phần lớn trong độ tuổi mười tám, đôi mươi và chỉ có 5 người đã lập gia đình.
Bất chấp nguy hiểm và sự khủng bố của địch, ngay trong đêm, bà con ấp Tân Hòa 1, Tân Hòa 2 đã ra đồng bưng cứu chữa những người bị thương và đưa xác con em trở về nhà an táng. Một mất mát không gì bù đắp được với người dân Vĩnh Lộc! 50 năm đã trôi qua, cô Lê Thị Thanh Huyền - một người con của quê hương Vĩnh Lộc khi đó đang làm nhiệm vụ cùng Trung đoàn 16 ở Quận 12 - vẫn không kìm được nước mắt khi nhớ về những người đã hy sinh: “Đó đều là trong bà con dòng họ, chị em bạn bè của mình hết chớ đâu xa!”.
Tiết mục “Bản hùng ca 68” được thể hiện tại chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh của 32 liệt sĩ dân công hỏa tuyến tại Vĩnh Lộc – Bình Chánh với chủ đề “Ngày ấy trong tuyến lửa” diễn ra tối 2/7.Là một trong những người sống sót, bao năm qua, nữ dân công Nguyễn Thị Khỏi không thể nào quên cảnh tượng kinh hoàng khi bên trên máy bay địch bắn “như vãi trấu”, bên dưới không thể ẩn nấp được vì ngộp nước, xung quanh vang rền tiếng đạn nổ lẫn tiếng kêu la đau đớn của những người trúng đạn. Đau xót hơn nữa là tiếng khóc và lời trăn trối của người bạn thân - chị Huỳnh Thị Điệp ra đi để lại đứa con là Huỳnh Thị Kim Chi mới 5 tuổi, mong chị Khỏi về nhắn nhủ với mẹ mình cố gắng nuôi đứa con nên người. Và 50 năm qua, tuy mất mẹ nhưng chị Huỳnh Thị Kim Chi đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của ngoại, của nữ dân công Nguyễn Thị Khỏi và chị em đồng đội dân công hỏa tuyến còn sống sót ngày nào.
Nối bước tiền nhân
50 năm trôi qua, nhìn lại, nỗi đau vẫn vẹn nguyên trong lòng người ở lại, nhưng những ai từng trải qua “đêm trắng” Vĩnh Lộc ngày ấy đều không hề hối tiếc vì tuổi xuân mình đã cống hiến cho quê hương đất nước. Nói như nữ dân công Nguyễn Thị Khỏi, nỗi chua xót vì quê hương đất nước bị giặc xâm chiếm, tàn phá đã thôi thúc những người phụ nữ nơi đồng quê cũng quyết tâm góp một phần sức lực cho đất nước, cho cách mạng. Và mất mát đau thương chỉ càng nung nấu thêm chí căm thù, lòng quyết tâm đánh đuổi kẻ thù ra khỏi mảnh đất quê hương. “Cái tang lớn” đêm 15/6/1968, chẳng hề làm người dân Vĩnh Lộc sợ hãi chùn bước, nhanh chóng xốc lại tinh thần, mọi người tiếp tục góp sức vào cuộc chiến lớn góp phần làm nên bản hùng ca Xuân 1968 và tiến tới đại thắng mùa Xuân 1975.
Năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể đoàn dân công hỏa tuyến huyện Bình Chánh. Đường tải đạn, tiếp lương, vận chuyển thương binh ngày trước đã trở thành con lộ lớn mang tên Nữ dân công và Dân công hỏa tuyến. Đìa Dứa, bưng Láng Sấu tang tóc ngày nào cũng đã trở thành Khu di tích Dân công hỏa tuyến khang trang, được UBND TPHCM công nhận là Khu di tích lịch sử cấp TP. Hàng năm, những cựu dân công hỏa tuyến từ khắp nơi, những cựu chiến binh lại tề tựu về đây ôn lại kỷ niệm chiến đấu trong lễ giỗ tập thể của 32 dân công hỏa tuyến đã hy sinh. Nơi đây, cũng trở thành địa chỉ đỏ trao truyền cho các thế hệ mai sau về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc.
Thân nhân của các dân công hỏa tuyến được nhận quà của Thành ủy; Huyện ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Chánh nhân dịp giỗ lần thứ 50 của 32 liệt sĩ dân công hỏa tuyến vào sáng ngày 3/7 nhằm ngày 20/5 âm lịch. “Là thế hệ đi sau, tôi cũng như bao bạn trẻ là những người con của quê hương Vĩnh Lộc anh hùng vô cùng xúc động và tự hào về truyền thống đấu tranh của bao lớp cha anh. 32 dân công hỏa tuyến nằm lại đìa Dứa - bưng Láng Sấu là hiện thân cao đẹp của tinh thần yêu nước, ý chí tự cường của người dân Vĩnh Lộc. Tuổi trẻ Vĩnh Lộc chúng tôi hôm nay càng phải sống xứng đáng với sự hy sinh đó. Hàng năm, tại Khu Di tích Dân công hỏa tuyến, Xã đoàn Vĩnh Lộc vẫn tổ chức các hội trại truyền thống “Hào khí tuổi trẻ” và trại hè thiếu nhi “Áo xanh tình nguyện” hay mời các nhân chứng sống nói chuyện ôn truyền thống nhằm kết nối thế hệ, khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm với quê hương đất nước của tuổi trẻ hôm nay”, Bí thư Xã đoàn Vĩnh Lộc A Phạm Thị Thanh Tuyền chia sẻ.
“Ký ức “đêm trắng” Vĩnh Lộc vẫn sẽ được thế hệ trẻ Bình Chánh nhắc nhở nhau để nhớ và tự hào về những con người anh hùng. Hiện nay, Bình Chánh đang từng ngày đổi mới, bộ mặt đô thị hóa, nông thôn mới không ngừng biến đổi. Đoàn viên thanh niên Bình Chánh có trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển chung, xứng đáng với sự hy sinh của người đi trước. Góp phần giữ gìn truyền thống, chúng tôi cũng chuẩn bị một công trình đặc biệt là bộ tài liệu song ngữ Anh - Việt giới thiệu các di tích lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng của huyện nhà, mong muốn lan tỏa niềm tự hào của chúng tôi về quê hương Bình Chánh anh hùng đi xa hơn đến cả bạn bè quốc tế”, Phó Bí thư Huyện đoàn Bình Chánh Hồ Minh Tân cho biết.