Đồng chí Mai Chí Thọ sinh ngày 15/07/1922 tại xã Nam Vân, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Trong kháng chiến và sau này, hầu hết các đồng chí quen biết với đồng chí Mai Chí Thọ đều gọi phổ biến là đồng chí Năm Xuân, anh Năm Xuân, chú Năm Xuân. Ngoài giờ làm việc tôi gọi chú Năm Xuân. Tôi tự xác định trong quan hệ với mọi người, ai lớn hơn tôi 20 tuổi trở lên thì tôi gọi bằng chú, hoặc cô nếu là nữ. Tôi kém đồng chí Mai Chí Thọ 21 tuổi.
16 năm gần gũi làm việc với đồng chí Năm Xuân để lại trong ký ức tôi rất nhiều lưu niệm không thể nào quên. Một lần đồng chí Năm Xuân gọi tôi cùng đi thăm một số nơi sinh sống của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, tôi được báo vào chiều hôm trước thì sáng hôm sau lên đường.
Trước khi lên xe, đồng chí Năm Xuân bảo tôi: “Chúng ta đi và về gói gọn trong ngày kể cả đêm, đi thăm đồng bào dân tộc ở chỗ nào ở tỉnh Đắk Lắk do Bảy Thanh (Võ Viết Thanh) dẫn đường với điều kiện không báo cho chính quyền địa phương biết”. Tôi rất bất ngờ được giao nhiệm vụ này. Đoàn công tác đi bằng xe zeep, vì trên Quốc lộ 14 lúc đó rất nhiều “giếng nước” trơn trợt nhưng thuận lợi hơn bây giờ là không kẹt xe, rừng đang tái sinh trải dài màu xanh suốt trên tuyến đường với không khí trong lành.
Tôi đưa đồng chí Năm Xuân cùng đoàn đến thăm 4 cụm dân cư ở gần ngã ba Kiến Đức và hồ nước Doản Văn thuộc huyện Đắk Nông (chưa tách thành tỉnh), tỉnh Đắk Lắk. Mỗi cụm dân cư có trên 20 gia đình đồng bào dân tộc sống trong các dãy nhà lụp xụp và cách nhau chừng vài cây số với lối mòn đi lại quanh co trong rừng; cơ sở hạ tầng như điện, nước, y tế, trường học không có gì cả.
Đến từng cụm dân cư, đồng chí Năm Xuân đều gửi cá mắm và cá khô cho đồng bào dân tộc, họ rất mừng và hướng dẫn đồng chí Năm Xuân đến xem chỗ ngủ và bếp của họ. Dãy nhà nào khấm khá thì có vài tấm đắp bằng dù pháo sáng do quân đội Mỹ thả xuống chiến trường ở đây trước năm 1975; còn lại phổ biến là những tấm đắp vải mong manh chắp vá. Trong bếp chỉ có khoai, bắp treo trên giàn sấy khô.
Khoảng 2 giờ chiều hôm đó, tôi đưa đồng chí Năm Xuân cùng anh em trong đoàn đến nghỉ trưa dưới bóng râm các cây cổ thụ mang trên cành và thân cả chục loại phong lan tại suối Dak Tik tuôn trào nước trắng xóa. Tất cả ăn trưa cơm nếp với khô cá sặc nướng than củi rừng, ai cũng khen ngon, vui vẻ trò chuyện nhắc lại bao nhiêu ký ức ở chiến khu Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Riêng đồng chí Năm Xuân trao đổi ý kiến với anh em nhiều việc, trong chuyến thăm lần trước với đồng bào dân tộc ở Gia Lai và lần này ở Đắk Nông, đồng chí Năm Xuân có nhận định: “Nếu đời sống dân tộc ở Tây Nguyên như thế này còn kéo dài thì an ninh ở Tây Nguyên có thể sẽ bất ổn. Sau này, năm 2001 và năm 2004 xảy ra 2 cuộc biểu tình bạo loạn ở Tây Nguyên của đồng bào các dân tộc thiểu số; tôi liên hệ với nhận định này hay có thể gọi là dự báo cách đó 17 năm tại Đắk Nông của đồng chí Năm Xuân là hoàn toàn chính xác. Nguyên nhân hai cuộc bạo loạn này có cả yếu tố bên trong và bên ngoài của bọn phản động Foulro lưu vong tài trợ và kích động.
Cuối năm 1987, tôi được Trung ương bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng kiêm Tổng cục Trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Trong thời gian này, hằng ngày hoặc hàng tuần tôi trực tiếp làm việc với đồng chí Mai Chí Thọ là Bộ trưởng Bộ Công an suốt trong nhiệm kỳ Trung ương khóa VI. Lúc đó đồng chí Mai Chí Thọ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an được phong hàm Đại tướng đầu tiên. Trong Bộ Công an lúc này bao gồm Bộ đội Biên phòng. Bộ Công an có tất cả trên dưới 25 tướng lĩnh dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của đồng chí Mai Chí Thọ, trong bối cảnh đất nước vừa có hòa bình vừa có chiến tranh ở biên giới phía Bắc với quân xâm lược Trung Quốc và phía Tây Nam với bọn Khmer Đỏ diệt chủng do Trung Quốc tài trợ.
Cuộc chiến tranh với đế quốc Mỹ trước năm 1975 để lại hậu quả cho đất nước ta quá lớn về người, kinh tế và môi trường. Nay lại cùng lúc phải chống lại hai cuộc chiến tranh; chiến tranh nối tiếp chiến tranh làm cho nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ. Một bộ phận dân cư ở Việt Nam không chịu nổi cuộc sống quá cơ cực đã vượt biên ra nước ngoài với nhiều tổn thất sinh mạng trên biển rất đau lòng. Tình cảnh đất nước như vậy, bọn phản động người Việt Nam lưu vong ở nước ngoài cho rằng thời cơ đã đến. Chúng tập hợp lực lượng, kết hợp trong, ngoài tổ chức nhiều toán, nhiều chiến đoàn võ trang từ địa bàn các tỉnh Đông Bắc Thái Lan hành quân xuyên qua vùng rừng núi ở Lào xâm nhập vào Việt Nam.
Một lực lượng phản động khác cũng được Trung Quốc tài trợ xuất phát từ đảo Hải Nam bằng các loại tàu lưới cá, chở nhiều tấn vũ khí, bạc giả đồng Việt Nam cập bến tại hòn đá Bạc tỉnh Cà Mau để đưa vũ khí, bạc giả và người vào các khu rừng lập căn cứ. Bọn phản động xâm nhập bằng đường bộ, đường biển đều móc nối kết hợp với bọn phản động trong nước ngóc đầu dậy với mưu đồ dùng bạo lực lật đổ chính quyền cách mạng. Nhưng tất cả bọn chúng đều bị sa lưới hoặc bị công an vô hiệu hóa bằng mọi biện pháp. Trong bối cảnh an ninh quốc gia vô cùng nguy cấp, Bộ Công an đứng đầu là Đại tướng Mai Chí Thọ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân là phải giữ vững ổn định chính trị trong nước. Cán bộ chiến sĩ của Bộ Công an và đồng chí Mai Chí Thọ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này trong thời kỳ đó.
Về công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm nói chung, đồng chí Mai Chí Thọ chỉ đạo công an toàn quốc phải hết sức coi trọng công tác phòng ngừa tội phạm. Địa phương nào, ngành nào có rất ít vụ án, rất ít người vi phạm pháp luật đến mức công an phải khởi tố, bắt giam thì công an hoạt động mới hiệu quả và có nhiều thành tích.
Để chủ động phòng ngừa, Bộ trưởng Mai Chí Thọ luôn nhắc nhở công an nói chung và cán bộ trinh sát nói riêng phải xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân kết hợp với nghiệp vụ nắm chắc tình hình địa bàn dân cư, ngành nghề và các hoạt động kinh tế xã hội... Từ đó mới có điều kiện kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vừa mới “leo lề” vi phạm pháp luật ở mức độ có thể xử lý hành chính để khắc phục mà không bị tổn thất xảy ra như một vụ án. Trong tình cảnh lúc đó, dòng người Việt Nam vượt biên ngày càng gia tăng, lãnh đạo Tổng cục An ninh đề xuất với Bộ trưởng Mai Chí Thọ giải pháp ngăn chặn vượt biên như sau:
Một là, cấp hộ chiếu phổ thông cho tất cả người Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài về việc riêng. Khi họ được nước ngoài cấp visa nhập cảnh thì họ có thể xuất cảnh hợp pháp bất cứ lúc nào mà không phải xin phép cơ quan chức năng vào trong nước.
Hai là, với đồng bào Việt kiều và người nước ngoài ở những nước chưa có sứ quán Việt Nam, muốn vào Việt Nam thì được bay thẳng về sân bay Nội Bài hoặc sân bay Tân Sơn Nhất và được thị thực nhập cảnh tại phi trường với lệ phí 50 USD.
Hai đề xuất này được Bộ trưởng Mai Chí Thọ đồng ý ngay và sau đó được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) chấp thuận cho thực hiện. Nhờ giải quyết thuận lợi thủ tục hành chính xuất nhập cảnh, chỉ sau thời gian ngắn dòng người vượt biên bất hợp pháp đóng băng; lác đác chỉ còn bọn tội phạm hình sự vượt biên trốn ra nước ngoài. Đổi mới thủ tục hành chính xuất nhập cảnh, Việt kiều và người nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng, góp phần khởi sắc kinh tế trong nước khi Mỹ vẫn siết chặt bao vây cấm vận kinh tế Việt Nam rất khắc nghiệt đến mức thuốc trị bệnh, sữa cho trẻ em và người bệnh cũng không nhập khẩu được. Xóa bỏ thủ tục hành chính không cần thiết rất được lòng dân trong nước và người nước ngoài, giảm gánh nặng và tai tiếng tiêu cực cho bộ phận nghiệp vụ trong ngành Công an phát sinh bởi cơ chế “xin cho” không minh bạch trong khâu xuất nhập cảnh.
Việc đổi mới thủ tục hành chính trong khâu xuất nhập cảnh tưởng chừng giản đơn nhưng không đơn giản chút nào vì phải thay đổi quan điểm và nhận thức ngay trong ngành Công an. Ở một góc nhìn khác của người có quyền lực thì cho rằng Bộ Công an mở rộng cửa cho người xuất nhập cảnh sẽ lọt vào âm mưu “diễn biến hòa bình” của địch. Nhưng Bộ Công an vẫn kiên định, không bị tác động bất cứ từ đâu mang tính chất bảo thủ trái lòng dân. Trong thời gian làm việc trực tiếp với đồng chí Mai Chí Thọ, tôi rất thoải mái được tự do trình bày suy nghĩ hoặc chính kiến của mình mà không sợ bị quy chụp.
Trong sinh hoạt, đồng chí Mai Chí Thọ rất bình dân. Đồng chí tối kỵ với “bệnh” hình thức tốn kém vô nghĩa, hoặc tâng bốc lẫn nhau mang tính cơ hội xu nịnh. Ngay khi đồng chí Mai Chí Thọ được Nhà nước phong hàm Đại tướng đầu tiên trong ngành Công an cũng không có tiệc tùng hoặc nhận quà cáp của bất cứ của ai. Sau phong hàm Đại tướng, tôi có mời đồng chí Mai Chí Thọ và một số ít anh em đến nơi tôi ở tại Hà Nội ăn bữa cơm với mắm kho cá đồng.
Sở dĩ tôi biết đồng chí Mai Chí Thọ rất thích ăn các loại mắm ở Nam bộ, vì lúc 26 tuổi đồng chí đã làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) và có vợ cũng ở tỉnh này. Có thể nói vui là đồng chí Mai Chí Thọ đã được “đồng hóa” khẩu vị ăn uống ở Nam bộ.
Trong xây dựng lực lượng công an, đồng chí Mai Chí Thọ rất coi trọng phẩm chất đạo đức, văn hóa ứng xử với mọi người, bản lĩnh của cán bộ chiến sĩ công an trước mọi hoàn cảnh và các loại đối tượng... Đồng chí Mai Chí Thọ lưu ý cán bộ chiến sĩ công an không nên dùng cụm từ: “Nắm quần chúng, giáo dục quần chúng” dễ bị hiểu nhầm xem quần chúng như đồ vật để nắm và công an như người thầy để dạy bảo quần chúng. Thay cụm từ này bằng: “Xây dựng mối liên hệ mật thiết với quần chúng, cung cấp thông tin cho quần chúng”. Thông thường người có quyền lực phải coi chừng cách ứng xử với dân như kẻ bề trên, nói năng vô lễ quen miệng khó sửa, nhưng phải sửa.
Đồng chí Mai Chí Thọ luôn nhắc nhở cán bộ chiến sĩ công an phải hết sức coi trọng học tập bằng nhiều hình thức để luôn nâng cao kiến thức trên tất cả các lĩnh vực vì không có lĩnh vực nào công an thờ ơ đứng ngoài cuộc. Thiếu kiến thức không thể nâng cao nghiệp vụ và dễ phạm sai lầm khi thi hành công vụ.
Đồng chí Mai Chí Thọ cũng lưu ý cán bộ chiến sĩ công an khi có quyền lực coi chừng để rơi vào hai loại quan liêu. Một là, quan liêu vất vả, làm việc đầu tắt mặt tối nhưng hiệu quả rất thấp, không nắm được tình hình để sự việc tiêu cực xảy ra rồi mới biết. Hai là, quan liêu hách dịch, thường thể hiện người có quyền lực, tiếp xúc với dân kém văn hóa, thiếu trách nhiệm. Thông thường người ta dễ bỏ qua loại quan liêu vất vả và thậm chí còn khen thưởng vì thấy họ làm việc “cần mẫn”. Quan liêu hách dịch luôn bị quần chúng phát hiện và chỉ trích. Nhưng xét cho cùng thì hai loại quan liệu này đều gặp nhau ở chỗ không hoàn thành nhiệm vụ.
Công lao và thành tích của đồng chí Mai Chí Thọ rất lớn trong hai cuộc kháng chiến, trong xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Mai Chí Thọ là người kín tiếng, nói ít làm nhiều nhưng có rất nhiều điều để nói về Đại tướng Mai Chí Thọ… Tôi tạm dừng ở đây với cảm xúc sâu lắng và viễn tưởng: Có lẽ không xa, tôi sẽ được lãnh đạo “vô hình” điều động tôi là Thứ trưởng cuối cùng của Bộ Công an nối tiếp với 5 đồng chí Thứ trưởng cùng thời lúc đồng chí Mai Chí Thọ làm Bộ trưởng Bộ Công an đã lần lượt ra đi trước đây: Đồng chí Thượng tướng Lâm Văn Thê, Thượng tướng Cao Đăng Chiếm, Thượng tướng Nguyễn Văn Đức, Trung tướng Bùi Thiện Ngộ (sau này là Thượng tướng kế nhiệm Bộ trưởng Mai Chí Thọ), Trung tướng Phạm Tâm Long, đến thế giới bên kia cùng với đồng chí Mai Chí Thọ nhận nhiệm vụ “mới” góp phần đảm bảo bình yên cho Tổ quốc Việt Nam…
Võ Viết Thanh
(Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM)