Thứ Hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024

Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ Quân khu 7

Đại đội dân quân thường trực luân phiên tập trung huấn luyện tại Bộ Tư lệnh TPHCM trình diễn võ thuật tại lễ ra quân huấn luyện năm 2022.

(Thanhuytphcm.vn) - Quán triệt phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp hiệu quả xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở cơ sở, trong đó nổi bật là xây dựng nhiều mô hình điểm trong công tác dân quân tự vệ, được sự đồng thuận, ủng hộ của các địa phương và lan tỏa trong toàn quân…

Mô hình Đại đội dân quân thường trực luân phiên làm nhiệm vụ tập trung

Thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2019, đến nay, các địa phương trên địa bàn Quân khu xây dựng ở cấp xã 1 tiểu đội, cấp huyện 1 trung đội dân quân thường trực (DQTT), riêng TP Thủ Đức, TPHCM có 2 trung đội. Công tác xây dựng lực lượng DQTT nhận được sự đồng thuận và quan tâm chăm lo của cấp ủy, chính quyền các địa phương với việc đảm bảo từ trụ sở làm việc, vũ khí trang bị, công cụ hỗ trợ đến kinh phí hoạt động, phụ cấp cho dân quân.

Đến nay, toàn Quân khu có 1.306/1.314 Ban CHQS cấp xã có trụ sở làm việc riêng, chiếm tỷ lệ 99,39%; 100% Ban CHQS cấp xã có chi bộ quân sự, trong đó 98,71% chi bộ có cấp ủy, (riêng 3 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Long An 100% chi bộ quân sự cấp xã có cấp ủy).

Đại tá Trần Văn Mạnh, Trưởng phòng Dân quân tự vệ Quân khu 7 cho biết: Từ cấp tiểu đội, trung đội DQTT, Quân khu nâng lên xây dựng Đại đội DQTT luân phiên tập trung tại cấp tỉnh, thành phố để huấn luyện nâng cao, sẵn sàng tham gia phối hợp xử lý các tình huống với hai đơn vị xây dựng điểm (Bộ Tư lệnh TPHCM xây dựng mô hình điểm cấp Bộ Quốc phòng và Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh xây dựng mô hình điểm cấp Quân khu). Quân số mỗi đại đội huy động từ 80 đến 90 DQTT, cán bộ khung là sĩ quan, QNCN được điều động từ các cơ quan, đơn vị. Căn cứ đặc điểm tình hình của địa phương, mỗi khóa huấn luyện điều động cấp xã từ 1 đến 2 chiến sĩ DQTT; cấp huyện từ 1 tổ đến 1 tiểu đội; thời gian tập trung huấn luyện 3 tháng/khóa; 3 khóa/năm.

Qua 2 năm triển khai, mô hình Đại đội DQTT luân phiên làm nhiệm vụ tập trung cấp tỉnh, thành phố khẳng định tính thiết thực, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn, nhất là trong huy động xử lý các tình huống phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Hiện nay 9 địa phương trên địa bàn Quân khu đều tổ chức thực hiện mô hình này.

Mô hình đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng

Quản lý địa bàn thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước với nhiều cơ sở công nghiệp, dịch vụ lớn, để thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở cơ sở, Quân khu chỉ đạo xây dựng mô hình đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng tại khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp (KCN, KCX, KKT, CCN). Mô hình được triển khai làm điểm xây dựng trung đội tự vệ Công ty sứ Viglacera, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Để thực hiện hiệu quả mô hình, Quân khu chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh Bình Dương tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về xây dựng đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng trong KCN, KCX, KKT, CCN trên địa bàn. Bộ CHQS tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành khảo sát các doanh nghiệp có đủ điều kiện để lựa chọn xây dựng mô hình; chỉ đạo Ban CHQS cấp huyện phối hợp công an hướng dẫn đơn vị tự vệ xây dựng kế hoạch huấn luyện, hoạt động.

Qua triển khai thực hiện mô hình, với sự quan tâm đầu tư, đảm bảo kinh phí của doanh nghiệp (các chi phí hoạt động của lực lượng tự vệ được khấu trừ vào thuế), Trung đội tự vệ Công ty sứ Viglacera phát huy hiệu quả hoạt động, phối hợp với Công an khu công nghiệp, lực lượng bảo vệ chuyên trách, lực lượng DQTV và các lực lượng địa phương giáp ranh giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng trộm, cắp, gây rối, bảo đảm an toàn cơ sở sản xuất, được chủ doanh nghiệp đánh giá cao.

Hải đội dân quân thường trực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vững vàng vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Hải đội dân quân thường trực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vững vàng vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Mô hình đơn vị dân quân tự vệ biển

Được triển khai xây dựng điểm trên địa bàn 6 xã, phường ven biển của thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận với tổ chức, biên chế mỗi phường 1 tiểu đội gồm 10 dân quân, 3 tàu, thuyền. Lực lượng dân quân biển được tuyển chọn có sức khỏe, trình độ học vấn và nhận thức chính trị tốt, có kinh nghiệm trong việc khai thác, đánh bắt trên biển.

Sau 2 năm triển khai mô hình, lực lượng dân quân biển tại thị xã La Gi hoàn thành tốt nội dung, chương trình huấn luyện, phối hợp với các lực lượng biên phòng, kiểm ngư thực hiện tuần tra trên biển, tích cực tuyên truyền về Luật Biển, chủ quyền, phạm vi đánh bắt thủy sản, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và cùng với ngư dân vươn khơi bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cùng với xây dựng lực lượng dân quân biển, hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong 6 địa phương trên cả nước được chọn thí điểm xây dựng, huấn luyện và tổ chức hoạt động Hải đội dân quân thường trực. Với quân số đông, trang bị tương đối hiện đại, tàu công suất lớn, đảm bảo hoạt động dài ngày trên biển, Hải đội dân quân thường trực đi vào hoạt động bước đầu thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, kết hợp khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển.

Mô hình chốt dân quân thường trực biên giới đất liền

Thực hiện Đề án số 2454 ngày 16/10/2018 về xây dựng Chốt chiến đấu dân quân thường trực biên giới đất liền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới đất liền trong tình hình mới, Quân khu quy hoạch 65 chốt DQTT trên địa bàn 3 tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, hiện xây dựng hoàn chỉnh 63 chốt (trong năm 2022 sẽ  triển khai xây mới 2 chốt dân quân còn lại tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước).

Các chốt dân quân được đầu tư xây dựng cơ bản gồm nhà ở, làm việc, sinh hoạt, khu tăng gia sản xuất và hệ thống công trình chiến đấu. Mỗi chốt được biên chế 1 tiểu đội DQTT và trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, phối hợp với lực lượng biên phòng, công an tuần tra kiểm soát địa bàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ biên giới.

Từ hệ thống chốt dân quân thường trực biên giới đất liền, Quân khu triển khai Đề án xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng, hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất để đưa dân lên sinh sống cạnh các chốt dân quân biên giới, vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ vững chắc phên dậu quốc gia.

Mô hình xây dựng hình ảnh đẹp của dân quân tự vệ

Nội dung của mô hình tập trung xây dựng hình ảnh DQTV Quân khu đẹp trong nhận thức tư tưởng; đẹp trong tác phong, ngôn phong và đẹp trong hành động, hiệu quả công tác.

Mô hình nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các địa phương, cơ quan - tổ chức và cán bộ, chiến sĩ DQTV trên địa bàn Quân khu về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng việc xây dựng, giữ gìn hình ảnh đẹp của DQTV. Qua đó, xây dựng người chiến sĩ dân quân tự vệ có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững vị trí, chức năng của DQTV; thực hiện nghiêm nền nếp sinh hoạt, chế độ huấn luyện, SSCĐ, công tác của lực lượng DQTV; chấp hành pháp luật Nhà nước, qui định của đơn vị; tác phong, ngôn phong chuẩn mực, khi tiếp xúc với Nhân dân phải hòa nhã, lễ phép, tận tình, thể hiện văn minh, lịch sự trong giao tiếp cũng như khi làm nhiệm vụ, để lại hình ảnh đẹp của chiến sĩ DQTV trong lòng nhân dân.

Hồ Tấn Chí


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo