Nhiều mô hình hiệu quả
Theo Bộ Công an, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đã có chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội. Các địa phương đã tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, đồng bộ Chỉ thị số 36-CT/TW; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống ma túy. Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo được áp dụng hiệu quả tại các địa phương, đơn vị.
Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm thường xuyên quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động ban hành và triển khai các chủ trương, giải pháp mang tính chiến lược. Trọng tâm là giải quyết vấn đề “nguồn cầu”, tấn công mạnh vào “nguồn cung”, giảm thiểu tác hại của ma túy đối với xã hội.
Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy được đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức, ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0, tập trung vào các địa bàn cơ sở và nhóm đối tượng nguy cơ cao. Nhiều mô hình hiệu quả được xây dựng, nhân rộng như “xã, phường, thị trấn không ma túy”.
Hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy cũng được hoàn thiện, đồng bộ với việc ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tháo gỡ nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Lực lượng Công an phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì trong đấu tranh với tội phạm ma túy, phối hợp chặt chẽ với Quân đội, Hải quan và các lực lượng chức năng triển khai hiệu quả các kế hoạch nghiệp vụ. Số vụ án, số đối tượng phạm tội ma túy bị phát hiện, bắt giữ tăng so với giai đoạn trước (tăng 21,83% về số vụ, 21,95% về số đối tượng, 24,69% số kg và 68,56% số viên ma túy tổng hợp bị thu giữ). Nhiều đường dây ma túy xuyên quốc gia, liên tỉnh đã bị triệt phá.
Hoạt động kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được thực hiện nghiêm túc. Công tác phòng, chống trồng cây có chứa chất ma túy có nhiều chuyển biến tích cực. Hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy được mở rộng, thực chất và hiệu quả.
Công tác quản lý người nghiện, cai nghiện và hỗ trợ sau cai được triển khai chặt chẽ từ cấp cơ sở. Các cơ sở y tế, cơ sở cai nghiện công lập được nâng cao năng lực, triển khai điều trị bằng thuốc thay thế, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết để nâng cao hiệu quả các mô hình điều trị và hòa nhập cộng đồng.
Tiếp tục nhân rộng mô hình “xã, phường, thị trấn không ma túy”
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong giai đoạn tới, Bộ Công an xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể như: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng, chính quyền nếu để tình hình ma túy diễn biến phức tạp tại địa phương phụ trách.
Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật phù hợp với Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, đặc biệt trong xác định tình trạng nghiện, cai nghiện, quản lý người sau cai, áp dụng chính sách hình sự và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả phòng ngừa ma túy; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn trọng điểm; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục nhân rộng mô hình “xã, phường, thị trấn không ma túy”, xây dựng “địa bàn cấp huyện không ma túy”, tiến tới “địa bàn cấp tỉnh an toàn về ma túy”.
Ngoài ra, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình từ sớm, từ xa; chủ động phát hiện, dự báo, đấu tranh với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao; triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy; xử lý nghiêm các tụ điểm phức tạp và triệt phá tận gốc các đường dây tội phạm.
Bộ Công an cũng xác định việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ biên giới, xuất nhập khẩu, ngành nghề kinh doanh có điều kiện; kịp thời phát hiện và triệt phá các điểm trồng cây chứa chất ma túy.
Đồng thời, quản lý chặt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, đặc biệt các đối tượng có nguy cơ phạm tội. Tăng tỷ lệ cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện đủ điều kiện, nghiên cứu áp dụng chính sách hình sự nghiêm khắc hơn. Ứng dụng dữ liệu dân cư trong quản lý người nghiện, đảm bảo thông tin “đúng, đủ, sạch, sống”.
Bên cạnh đó, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho các cơ sở điều trị; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Triển khai điều trị bằng thuốc thay thế, kết hợp can thiệp tâm lý và y tế, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho người sau cai.
Ngoài ra, kiện toàn tổ chức bộ máy, thu hút nhân lực chất lượng cao vào các cơ quan phòng, chống ma túy; tăng cường đầu tư kinh phí, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi từ phương pháp “truyền thống” sang “hiện đại”; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện hiệu quả các công ước, hiệp định song phương và đa phương; phối hợp với các nước có tiềm lực, có đường bay đến Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống ma túy xuyên biên giới, truy bắt đối tượng truy nã, chia sẻ thông tin và hỗ trợ nâng cao năng lực lực lượng chuyên trách.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, công tác phòng, chống ma túy là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài. Đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân. Trong bối cảnh tình hình ma túy vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt với sự xuất hiện của các loại ma túy mới, các đường dây xuyên quốc gia và tội phạm công nghệ cao, yêu cầu đặt ra là phải chuyển từ bị động sang chủ động, từ phòng ngừa thụ động sang tấn công quyết liệt, từ hành động đơn lẻ sang phối hợp chặt chẽ, hiệu quả…