
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh phát biểu tại buổi tọa đàm
(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 19/7, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á đã tổ chức Tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam" với sự tham dự của 200 đại biểu trong và ngoài nước. Đây là một trong những sự kiện hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (8/8/1967-8/8/2017).
ASEAN - đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam
Là một trong 3 trụ cột quan trọng trong cộng đồng ASEAN gồm: Chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội, sau hơn 1 năm thành lập, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã phát huy vai trò kiến tạo môi trường, tăng cường cơ hội để các doanh nghiệp có thể tham gia sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN.
Theo ông Vũ Quang Minh - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, sự ra đời của AEC đánh dấu một nấc thang hội nhập mới của các nền kinh tế ASEAN với mục tiêu xây dựng một không gian kinh tế ASEAN gắn kết, cạnh tranh, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm. Tuy nhiên, lợi ích và cơ hội AEC có thể đem lại cho cộng đồng doanh nghiệp các nước thành viên ASEAN, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ, thấu đáo. Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp Việt Nam cần phải hiểu rõ những cơ hội và thách thức khi AEC được thành lập.
“Chỉ có 16% số doanh nghiệp Việt thực sự hiểu về AEC. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức khi tham gia AEC, trong đó nổi lên là áp lực cạnh tranh từ các nước ASEAN cả trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ” - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh cho hay.
Đến từ Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Giáo sư Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch ERIA chia sẻ, nửa thế kỷ qua, ASEAN đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực Đông Nam Á. Đây là yếu tố quan trọng cho toàn bộ khu vực châu Á nói chung. ASEAN đang nỗ lực triển khai một thị trường chung và một khu vực có nền tảng sản xuất, qua đó mang lại cơ hội cho tất cả các quốc gia thành viên và cư dân của ASEAN.
Thông tin của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho thấy, trong 22 năm gia nhập ASEAN (từ ngày 28/7/1995), kinh tế Việt Nam đã từng bước gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế ASEAN. ASEAN đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua. Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng từ khoảng 19 tỷ USD năm 2006 lên 41,36 tỷ USD năm 2016. ASEAN là thị trường lớn thứ 3 và cũng là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam; là nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 64 tỷ USD và cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN.
Toàn cảnh tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam"Phải đủ năng lực để tham gia AEC
Tại Tọa đàm, các đại biểu, học giả trong nước, quốc tế đã cùng tìm hiểu những tác động, thách thức và cơ hội của Cộng đồng kinh tế ASEAN đối với nền kinh tế Việt Nam; bàn thảo về cơ hội của Cộng đồng kinh tế ASEAN dành cho doanh nghiệp thông qua khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp và nâng cao năng lực kinh doanh; nhìn nhận Việt Nam có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của ASEAN.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thành viên khác trong thương mại nội khối, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, với việc tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực - RCEP và ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu và Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Cũng theo ông Lê Lương Minh, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới với 640 triệu dân. Trong quá trình hội nhập liên kết, ASEAN đã đóng góp nhiều sáng kiến cho sự phát triển của khu vực như nhập khẩu nội khối, mở cửa thị trường dịch vụ, hải quan, quy định xuất xứ… Song, ông Minh cho rằng, ASEAN cần vượt qua nhiều khó khăn như khoảng cách phát triển giữa các nước, khác biệt giữa trình độ phát triển, luật pháp, thể chế, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, vấn đề già hóa dân số, bẫy thu nhập trung bình, bất bình đẳng và các mối đe dọa phi truyền thống.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đánh giá hiện thực hóa AEC ở tầm phát triển chính là nhiệm vụ của Chính phủ các nước thành viên và của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ có thể tận dụng được những lợi thế của AEC khi thực sự “đặt chân” vào thị trường ASEAN, trở thành “người chơi” trên thị trường đó và đó phải là một doanh nghiệp có đủ năng lực để tham gia AEC. Cộng đồng doanh nghiệp phải trở thành người tham gia đặt ra luật chơi, chủ động quan tâm và đóng vai trò lớn hơn trong định hình ASEAN và AEC vì lợi ích của chính các doanh nghiệp.