(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 29/4, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã tổ chức khánh thành Phòng truyền thống (giai đoạn 1) giới thiệu những hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý về quá trình hình thành và hoạt động của Nhà hát. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng 46 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021), kỷ niệm 135 năm ngày Quốc tế lao động( 1/5/1886 – 1/5/2021).
Phòng truyền thống nằm bên phải sảnh Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, trưng bày hơn 200 bức ảnh và nhiều hiện vật quý được các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Nam Bộ và Đoàn Văn công Giải phóng (tiền thân của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) trao tặng. Trong đó, nổi bật là các kịch bản được viết tay và đánh máy của các vở diễn: Hồn chinh phụ, Yêu trên xóm biển, Lá ngọc cành vàng, Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Mộng hoa vương…; cùng các huy chương, nhạc cụ, các tập sách giá trị về nghệ thuật cải lương. Đặc biệt là kịch bản viết tay của cố soạn giả Trần Hữu Trang do con trai ông, tác giả Việt Thường, trao tặng và các bộ phục trang của nghệ sĩ Đoàn cải lương Nam Bộ trên đất Bắc trao tặng. Ở phía ngoài là không gian mở trưng bày các tiểu cảnh, hiện vật giới thiệu về nghệ thuật cải lương, cũng là không gian tổ chức các chương trình giao lưu, kết nối nghệ sĩ - khán giả, giao lưu giữa các thế hệ nghệ sĩ.
Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang Phan Quốc Kiệt cho biết sau khi khánh thành giai đoạn 1, Nhà hát tiếp tục bắt tay thực hiện giai đoạn 2 của Phòng truyền thống với việc tiếp tục sưu tầm, tìm kiếm những kịch bản cải lương trong thời kháng chiến; những đạo cụ, phục trang, hình ảnh tư liệu quý của thời “tiếng hát át tiếng bom” để thế hệ diễn viên trẻ hôm nay và khán giả có thể tận mắt nhìn thấy nhằm khơi dậy tinh thần cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Sau lễ khánh thành, cũng đã diễn ra chương trình giao lưu “Ký ức không quên” về Đoàn Cải lương Nam Bộ, Đoàn Văn công Giải phóng và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Các nghệ sĩ trụ cột của Nhà hát hôm nay, như: NSƯT Lam Tuyền, NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Lê Tứ, NS Võ Minh Lâm… đã có dịp nghe NSND Minh Vương, NSND Thoại Miêu, NSND Thanh Vy, nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Trung, đạo diễn Thanh Hạp chia sẻ về truyền thống đáng tự hào của Nhà hát và niềm tự hào của người nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa từ những năm tháng đất nước còn trong gian khó, cũng như niềm kỳ vọng thế hệ nghệ sĩ hôm nay có thể kế thừa và phát huy được những thành tựu vẻ vang đó, đưa nghệ thuật cải lương tiếp tục đồng hành cùng dân tộc.
Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM giới thiệu đến bạn đọc một số hình ảnh tại chương trình:
17 nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nhận Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa NSND Minh Vương và NSƯT Kim Tử Long – đại diện 2 thế hệ nghệ sĩ từng cộng tác với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cũng từng diễn cùng vai Nguyễn Trãi trong vở cải lương Rạng ngọc Côn Sơn – xem các tư liệu tại Phòng truyền thống Kịch bản viết tay của cố soạn giả Trần Hữu Trang được gia đình trao tặng được lưu giữ trang trọng tại Phòng truyền thống Một góc trưng bày Phòng truyền thống Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang Chương trình giao lưu “Ký ức không quên” kết nối các thế hệ nghệ sĩ Đã 80 tuổi, ông Nguyễn Tấn Lập (Bảy Lập), Trưởng đoàn Văn công giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định, vẫn lặn lội từ Củ Chi xuống dự lễ khánh thành Phòng truyền thống Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang