Thứ Bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024

Nhà báo Dư Hải: Gắn bó với làng báo thể thao như duyên mệnh

Dù ở tuổi cao nhưng nhà báo Dư Hải luôn tác nghiệp với khối lượng máy móc “khủng” trên sân bóng

(Thanhuytphcm.vn) - Nói đến nhà báo Dư Hải, rất nhiều người biết đến, đặc biệt là trong làng ảnh thể thao Việt Nam. Ông được xem là “ông trùm” với rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế…

Bộ môn xe đạp, món ăn tinh thần đã ngấm vào máu

Gắn bó với xe đạp từ những năm đầu tiên cộng tác cho tờ báo thể thao chủ lực của TPHCM, nhà báo Dư Hải đã bắt đầu mê mẩn với bộ môn này. Khác với nhiều môn khác, xe đạp là một bộ môn thiên về tốc độ. Tuy không quá nhanh như đua xe công thức 1 hay MotoGP, xe đạp dễ đi vào lòng người hơn tất cả. Có lẽ bản thân ông cũng cảm thấy như vậy. Nói về mối lương duyên với bộ môn này, ông chia sẻ: “Đến với bộ môn xe đạp, tôi có thể đi đến mọi miền đất nước để nhìn ngắm những vẻ đẹp vốn có của Việt Nam. Vì vậy có lẽ con số 30 năm gắn bó với bộ môn này là một con số tròn trịa cho độ tuổi về hưu của mình”.

Nhà báo Dư Hải nén cơn đau tiếp tục chạy xe về đích kịp tác nghiệp lúc trao giải ở cuối trận đua Giải đua xe đạp tranh cúp truyền hình TPHCM 2020 Nhà báo Dư Hải nén cơn đau tiếp tục chạy xe về đích kịp tác nghiệp lúc trao giải ở cuối trận đua Giải đua xe đạp tranh cúp truyền hình TPHCM 2020

Có thể nói, xe đạp là một môn không dễ nắm bắt sự kiện, nếu bóng đá là bộ môn mà mọi thứ đều diễn ra trên sân bóng thì bộ môn này lại hầu hết diễn ra ở bên ngoài. Chính vì vậy, người đi đưa tin bộ môn này chắc chắn phải có những sức khỏe đặc biệt dẻo dai, săn chắc. Không ít lần trong những chuyến tác nghiệp, anh đã kiệt sức, thậm chí là chấn thương. Gần đây nhất là tại Chặng 6 giải đua xe đạp tranh cúp truyền hình TPHCM 2020, từ Thành phố Đà Nẵng đi Thành phố Tam Kỳ dài 130km, trong lúc đổ đèo Le (Quảng Nam), phát hiện một số tay đua bị té ngã bên lề đèo, nhà báo Dư Hải dừng xe ra hiệu cho các tay đua phía sau để tránh. Tuy nhiên, do bất ngờ, trong khi tốc độ đổ đèo khá cao, một số tay đua đã tông thẳng vào nhà báo Dư Hải khiến cả người và xe lọt vào mương thoát nước ven đèo. Thế nhưng, sau khi kéo được xe lên, nhà báo Dư Hải vẫn tiếp tục bám đoàn để về đích an toàn, rất may ông chỉ bị thương nhẹ.

Qua nhiều tai nạn trên con đường tác nghiệp, nhưng không vì thế mà tình yêu của ông dành cho bộ môn này thuyên giảm. Chia sẻ sau những ca chấn thương trên đường đi, ông nói: “Có lẽ lần tai nạn này là nặng nhất với tôi trong các cuộc đua, nhưng tôi rất vui khi được gắn bó với giải đấu thường niên này, đam mê thì không cơn đau nào có thể thắng được. Cũng giống như ý nghĩa của cuộc đua - non sông liền một dải, khẳng định như một vị thế trường tồn của dân tộc”.

Nhiệt huyết nghề vẫn luôn nóng bỏng

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, nhà báo Dư Hải sống bằng nghề dịch vụ ảnh, nhưng hơn hết ông vẫn mê ảnh thể thao, nhất là ảnh bóng đá. Khởi đầu, ông làm cộng tác viên báo Thể thao TPHCM và chính thức trở thành phóng viên ảnh của báo Thể thao TPHCM từ năm 1992 cho đến nay.

Rất nhiều sự kiện đã được ông tận tâm ghi lại qua máy ảnh và tuổi tác hình như chưa bao giờ là trở ngại quá lớn đối với cá nhân ông trong quá trình tác nghiệp từ trong nước lẫn quốc tế, hễ còn sức là còn cống hiến.

Còn nhớ SEA Games 1997 tại Jakarta (Indonesia) có lẽ là dịp đầu tiên các nhà báo thể thao Việt Nam biết đến kỹ thuật truyền ảnh qua Internet. Trong khi những đồng nghiệp trẻ nhanh nhẹn và dễ dàng tiếp cận với kỹ thuật mới này, thì nhà báo Dư Hải mới có khái niệm lơ mơ về digital (kỹ thuật số). Vậy mà chỉ một thời gian ngắn ông đã có thể làm từ A đến Z. Theo ông, với sự vươn lên không ngừng của lớp trẻ, nếu không cố gắng trang bị thêm kiến thức và cả dụng cụ tác nghiệp, ông sẽ nhanh chóng tụt lại phía sau.

Nhà báo Dư Hải tác nghiệp tại sân vận động Thống Nhất Nhà báo Dư Hải tác nghiệp tại sân vận động Thống Nhất

Về thể loại ảnh thể thao, nhà báo Dư Hải cho biết thêm, chụp ảnh thể thao là thể loại khó nhất. Vì đó là những hình ảnh sống động, không lặp lại và diễn ra rất nhanh mà chúng ta phải bấm máy thật đúng thời điểm. Chụp ảnh thể thao cũng không đơn thuần dựa vào tay nghề, máy móc hiện đại mà còn đòi hỏi người cầm máy phải hiểu được hoàn cảnh, sự kiện hay nhân vật mình bấm máy. Nghề phóng viên ảnh thể thao đòi hỏi phải có sức khỏe và phản xạ thật nhanh nhẹn. Làm phóng viên ảnh phải có máu liều và phải biết chấp nhận rủi ro để có được khuôn hình đẹp.

Có đôi lần vì kiệt sức, ông cảm thấy mệt mỏi, nhiều đồng nghiệp đã khuyên ông dừng lại nhưng hầu như chỉ được vài ba tuần thì “máu thể thao” lại trỗi dậy. Và rồi, ông lại xách balo lên đường. “Với tôi, nghề phóng viên ảnh thể thao không còn là cái nghề, mà tôi xem đó là cái nghiệp mình phải theo đuổi. Vì vậy những ai muốn theo nghề thì cần giữ lửa đam mê, đặc biệt là sức khỏe” – nhà báo Dư Hải chia sẻ.

Nhận xét về đàn anh cũng như đồng nghiệp trong nghề, nhà báo Nguyễn Quang Liêm, Báo Người Lao động cho biết: “Dù đã chuẩn bị bước vào tuổi thất thập cổ lai hy nhưng nhiệt huyết nghề của nhà báo Dư Hải vẫn luôn nóng bỏng. Đặc biệt, các sự kiện thể thao lớn như SEA Games, các giải bóng đá chuyên nghiệp hay giải đua xe đạp Cúp truyền hình xuyên Việt, nhà báo Dư Hải vẫn có mặt, với niềm đam mê hiếm ai sánh được. Càng tác nghiệp cùng với nhà báo Dư Hải, càng cảm thấy ông là người yêu đời, yêu nghề và yêu người…”.

Nguyễn Hoàng


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo