Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Người trẻ gìn giữ mâm cơm ngày Tết

Gia đình quay quần bên mâm cơm đoàn viên ngày Tết (Nguồn: intetnet)

(Thanhuytphcm.vn) - Trong không khí mùa xuân ngập tràn khắp phố, người người gửi nhau lời chúc năm mới bình an, hạnh phúc, nhà nhà cùng quay quần bên mâm cơm ngày Tết - cùng tận hưởng hương vị của một cái Tết đoàn viên cùng gia đình. Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước và người trẻ sẽ là người gìn giữ, lưu truyền, góp phần phát huy và lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc qua thời gian.

Hương vị của Tết đoàn viên

Kho tàng ẩm thực Việt Nam đa dạng, tinh tế, phong phú, đặc sắc và được thể hiện một cách bình dị qua bữa ăn hàng ngày, phản ánh đặc trưng sinh hoạt ở từng vùng miền. Trong đó, mâm cơm Tết vào những ngày đầu năm chính là nơi hội tụ của sắc màu, sự hòa quyện giữa sản vật của trời đất với phong cách chế biến độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống người Việt Nam qua bao thế hệ. Và mâm cơm ngày Tết còn chứa đựng ý nghĩa sum họp, đoàn viên trong không khí ấm áp, sắc xuân rộn ràng. Cũng có lẽ vì vậy mà ông bà ta từ xưa vẫn quen nói “ăn Tết” thay vì “lễ Tết” hay “chơi Tết”.

Với những người xa quê, Tết được họ mong đợi đến từng giây để được trở về sum vầy cùng gia đình, tận hưởng niềm vui đoàn viên, hội ngộ… Hạnh phúc là như vậy, không cần đi tìm đâu xa. Có khi chỉ là được ăn bữa cơm mẹ nấu, chỉ cần ngồi uống ly trà nóng với ba, cùng trò chuyện với anh em họ hàng, thưởng thức miếng mứt thơm đậm hương vị Tết là hạnh phúc đã tròn đầy.

Chị Lê Thị Ngọc Trân ở Quận 2 chia sẻ, do ông xã là người Hà Nội, nên dịp Tết Nguyên đán chúng tôi thường về Hà Nội để ăn Tết cùng gia đình. Truyền thống của các gia đình là hầu như từ mùng 1 đến mùng 4 đều làm bữa cơm cúng ông bà tổ tiên và làm rất nhiều món ăn, vừa là món truyền thống, vừa là món sở thích của nhiều người trong gia đình nên thường mâm cơm có nhiều món. Và bữa ăn ngày Tết rất đông vui và gia đình cùng ăn cùng chuyện trò rất ấm cúng và ngon miệng.

Có thể sẽ có ý kiến rằng Tết thì nhà nào cũng vậy, cũng là cành mai vàng trước ngõ, là bánh tét, bánh chưng trong bếp nhà, là mứt bí, mứt dừa, là trái dưa hấu đỏ tròn hay trái quýt the cay. Nhưng nếu thiếu đi những điều tưởng chừng đơn giản ấy thì Tết đâu còn là Tết, mâm cơm thiếu đi tiếng cười của cha, ánh mắt hạnh phúc của mẹ, cái nũng nịu của em gái thì Tết đâu còn gì ý nghĩa hạnh phúc. Do vậy mà, dù có đi xa mấy, Tết cũng là nơi để mọi người trở về, nhà cũng là nơi để mọi người trở về. Tết là để đoàn tụ cùng gia đình, Tết của tình thân ấm áp!

Chia sẻ về mâm cơm ngày Tết, anh Nguyễn Anh Điệp ở Quận 10 bày tỏ: Đó là không khí đầm ấm và hạnh phúc. Mọi người quây quần bên nhau và chúng tôi trò chuyện rất nhiều về cuộc sống, về tình cảm, về công việc của mình. Tất cả anh chị em, cô bác chú dì cùng ăn bữa cơm gia đình, cảm nhận sự hạnh phúc rất lớn. Tôi thích nhất là món dưa món củ kiệu của mẹ làm, rồi thịt kho trứng ăn với bánh chưng, chả giò, nhiều món làm từ mứt. Nó gợi cho mình tuổi thơ rất êm đềm. Tôi nghĩ rằng ngày Tết nếu thiếu những món đó thì không thể nào gọi là ăn Tết được.

Góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc

Mùa xuân, mùa của sự sum vầy, hạnh phúc và lan tỏa yêu thương… Dù đi đâu, làm gì thì ai cũng mong được trở về bên gia đình, để cảm nhận sự ấm áp tình thân, cùng tạm gác lại những bộn bề lo toan trong cuộc sống và đón năm mới bình yên, tràn đầy hy vọng bên những người mình trân quý… Bạn Hoàng Khánh Duy, giáo viên dạy văn chia sẻ: Tết năm nào mình cũng trở về quê dù có bận bịu đến đâu đi nữa. Khi về bên mái ấm của mình, khi được ăn Tết ở quê hương của mình, ăn Tết ở ngôi nhà mà mình được sinh ra và lớn lên, với những người mình yêu thương, Tết bên cội mai vàng, bên nồi bánh chưng, thì mình mới thấy Tết như vậy mới đong đầy ý nghĩa, và đối với mình Tết quê vẫn là điều tuyệt vời nhất.

Sinh viên TP tham gia gói bánh chưng tặng người có hoàn cảnh khó khăn đón Tết. Ảnh: Minh Hiệp Sinh viên TP tham gia gói bánh chưng tặng người có hoàn cảnh khó khăn đón Tết. Ảnh: Minh Hiệp

Còn ông Phạm Hùng Lâm ở ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi cho biết, vào những ngày Tết Nguyên đán, ông và gia đình luôn muốn gìn giữ những phong tục tập quán của dân tộc. Từ việc trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị cây trái, nấu cơm tất niên, làm cơm cúng đón ông bà… cho đến khoảng thời gian ngồi quay quần bên nhau gói bánh ít, nấu bánh tét… đó chính là những giây phút ấm áp nhất, rộn vang tiếng cười, giúp sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng bền chặt hơn.

Ông Phạm Hùng Lâm quan niệm, Tết truyền thống của người Việt Nam cần được duy trì. Từ thời xa xưa ông bà chúng ta cứ tới ngày 30 tháng Chạp cho đến mùng 3 Tết, con cháu tề tụ về một nơi để thờ cúng, để cùng nhau thăm hỏi, chúc tụng sức khỏe nhân dịp đầu năm mới. Đây là truyền thống tốt đẹp mà thế hệ đi sau nên duy trì và gìn giữ nét đẹp văn hóa này.

Bữa cơm ngày Tết là nét văn hóa không thể thiếu để làm nên mùa xuân hạnh phúc, đoàn viên. Dù mâm cơm ngày Tết ở mỗi nơi có điểm khác biệt từ cách chế biến, bài trí hay tên gọi nhưng tựu chung vẫn hướng về những giá trị văn hóa truyền thống được ông cha gìn giữ và lưu truyền bao đời nay. Mâm cơm đoàn viên ngày Tết là một trong những yếu tố cấu thành nên truyền thống văn hóa dân tộc, là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt và cũng chính là biểu tượng của sự sung túc, đủ đầy đề chào đón mùa xuân, góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng trong đời sống xã hội của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo