Thứ Sáu, ngày 11 tháng 7 năm 2025

Người giáo viên tận tụy vì trẻ thơ

Một tiết học kể chuyện bằng múa rối bằng tay do cô Phương Anh thực hiện

(Thanhuytphcm.vn) - “Là một giáo viên mầm non thì mình phải yêu nghề, yêu trẻ mới hoàn thành tốt nhiệm vụ” đó là chia sẻ của cô Hoàng Thị Phương Anh, (41 tuổi) Trường Mầm non Thị trấn Củ Chi 2, huyện Củ Chi. Cô là một giáo viên tiêu biểu của huyện Củ Chi với 13 năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở, 10 năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Tốt nghiệp ra trường năm 1997, cô đã có đến 23 năm gắn bó cùng con trẻ nơi đây với bao kỷ niệm. Ngay khi ra trường, cô về công tác tại trường Mầm non Bông Sen 3B (nay là trường mầm non Thị trấn Củ Chi 2), lúc này cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc học vẫn còn hạn chế, cùng với đó là những khó khăn và bỡ ngỡ khi vào nghề. Cô tâm sự: “Lúc mới vào nghề vô cùng khó khăn, vất vả, tôi mới 18 tuổi, không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ, chưa biết cách dỗ các bé như thế nào. Có những lúc tưởng chừng mình bỏ cuộc vì chưa thích ứng được môi trường. Nhưng tôi suy nghĩ nghề đã chọn mình thì mình phải làm được. Nhờ sự giúp đỡ của Ban giám hiệu, chia sẻ kinh nghiệm của đồng nghiệp và nỗ lực bản thân, nhìn các bé nhỏ, tôi đã lấy lại tự tin”. Sự nỗ lực của cô Phương Anh đã được đền đáp khi chỉ 2 năm sau đó, cô bắt đầu mạnh dạn đăng ký thi giáo viên dạy giỏi và đạt giáo viên dạy giỏi. Đây như là đòn bẩy để cô nỗ lực, tự tin vào bản thân có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của người giáo viên mầm non.

Xác định được vai trò, trách nhiệm của một giáo viên mầm non nên cô luôn cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và kiến thức đã được học của mình, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Cô đã không ngừng học tập trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào chăm sóc và giáo dục trẻ. Nhờ đó mà các lớp do cô phụ trách đứng lớp luôn đạt kết quả tốt, các trẻ đến lớp đều thích tham gia các hoạt động, phát huy được tính tích cực, năng động và sáng tạo. Với suy nghĩ trẻ ở độ tuổi mầm non, tâm hồn còn non nớt, trong sáng như trang giấy trắng, giáo viên mầm non là người đầu tiên viết lên những trang giấy đó, cô luôn tìm ra những phương pháp đổi mới, áp dụng nhiều sáng kiến, sáng tạo nhằm truyền thụ kiến thức và giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.

Cô chia sẻ: “Ngoài kiến thức về chuyên môn thì điều quan trọng mà một giáo viên mầm non phải có là tình thương yêu, tính chịu khó, kiên trì, bởi trẻ ở lứa tuổi mầm non rất hiếu động, tinh nghịch. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ thì bản thân tôi phải luôn biết điều chỉnh cảm xúc, thực sự quan tâm các em và giữ hình ảnh một người giáo viên giàu lòng nhân ái”. Trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ, để tạo cảm giác gần gũi với các em, cô đã dựa vào sự hứng thú, kinh nghiệm của trẻ nhằm thiết kế giờ học, trò chơi phù hợp. Cùng với việc truyền tải những nội dung kiến thức cần đạt theo yêu cầu dành cho trẻ, cô cũng lồng ghép việc dạy kỹ năng sống cho học sinh của mình thông qua các hoạt động học và hoạt động vui chơi. Điều này còn được cô cụ thể hóa qua những sáng tạo trong việc làm đồ dùng dạy học. Bằng sự chịu khó, tìm tòi, sáng tạo, cô đã đạt giải cao trong các hội thi đồ dùng dạy học tự làm hàng năm như: giải Nhất sản phẩm “Các con vật gần gũi”, giải Nhì sản phẩm “Bộ sưu tập từ đá cuội” và bộ sản phẩm “Một số đồ dùng dạy học giúp trẻ phát triển ngôn ngữ”, giải khuyến khích sản phẩm “Trò chơi vận động”. Cùng với đó, cô đã có nhiều sáng kiến hay trong giảng dạy như: phát triển thẩm mỹ cho trẻ 3 đến 4 tuổi, bắt đầu làm quen với chữ viết, biện pháp tạo mạnh dạn cho trẻ 5 – 6 tuổi trong giao tiếp….

Là giáo viên mầm non cho nên “Mình không chỉ dạy giỏi mà còn phải chăm sóc trẻ giỏi. Vào các giờ ăn, tôi thường động viên, khen ngợi, giúp trẻ tự ăn và ăn hết suất ăn của mình”. Qua đó, tỷ lệ trẻ đạt Bé khỏe ngoan lớp do cô phụ trách từ năm học 2016 – 2017 đến năm học 2019 – 2020 đều đạt 100%. Với vai trò là tổ trưởng chuyên môn, cô gương mẫu trách nhiệm trong công việc, đổi mới các hoạt động sinh hoạt chuyên môn cũng như chia sẻ kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp. Cô mạnh dạn đề xuất với nhà trường tổ chức các hoạt động mới, mang lại hiệu quả cao trong giáo dục và chăm sóc trẻ.

Theo cô Phương Anh, để đạt được hiệu quả thì theo cô mình làm việc gì cũng phải có kế hoạch cụ thể. Sau 1 tuần phải xem lại trong tuần mình đã làm được công việc gì và dự kiến cho kế hoạch tuần sau. Đặc biệt, sau khi áp dụng các phương pháp mới thì cần đúc kết lại để phát huy cái được và khắc phục cái chưa được. Nhưng điều quan trọng nhất đó là mình phải có lòng yêu nghề, yêu trẻ thật sự thì mới làm được”.

Xuất phát từ lòng yêu thương con trẻ, cô Phương Anh luôn được đồng nghiệp và phụ huynh học sinh tin tưởng, quý mến. Nói về cô Phương Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường Trương Thị Cúc cho biết: “Cô Phương Anh là một giáo viên viên mà Ban giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp rất tin tưởng, phụ huynh yêu mến. Cô đã cho thấy sự nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, tận tình trong dạy và chăm sóc trẻ. Những thành tích của nhà trường hôm nay là nhờ đóng góp lớn lao của những giáo viên tận tụy như cô Phương Anh”.

Với sự tận tụy cùng những sáng kiến kinh nghiệm đã giúp cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Thành phố 4 lần, 13 năm liền Chiến sĩ thi đua cơ sở, 10 năm đạt giáo viên giỏi cấp huyện. Cô đã vinh dự được tuyên dương “Trái tim người thầy” do Công đoàn Giáo dục Thành phố tổ chức năm 2019.

Thu Hà


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo