Trình bày tổng quan về tình hình thực hiện công tác ngoại giao văn hóa và TTTTĐN của Thành phố giai đoạn 2020 - 2025, đồng chí Phạm Dứt Điểm, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM cho biết: Giai đoạn 2020 - 2025 là giai đoạn cả tình hình thế giới, khu vực và trong nước đều trải qua nhiều biến động, nhiều thách thức từ an ninh truyền thống và phi truyền thống. Cạnh tranh, xung đột, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... cùng sự xuất hiện của những chủ nghĩa mới, xu thế mới, công cụ mới thay đổi cách thức vận hành của đời sống xã hội nhanh và toàn diện.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy phát biểu tại tọa đàm Bối cảnh đó đặt ra nhiều thách thức cho công tác đối ngoại nói chung, công tác ngoại giao văn hóa và TTTTĐN nói riêng, đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy, sáng tạo trong nội dung, đổi mới trong cách thức thực hiện để bắt kịp với xu thế của thời đại, tiếp cận và thu hút được với đông đảo đối tượng để phát huy cao nhất hiệu quả tuyên truyền, quảng bá trong tình hình mới. Trên tinh thần đó, công tác ngoại giao văn hóa và TTTTĐN của Thành phố giai đoạn 2020 - 2025 đã đạt được một số thành tựu, bên cạnh đó cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Về công tác ngoại giao văn hóa, tháng 7/2022, TPHCM đã ban hành “Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn TPHCM”.
“Có thể nói, ngoại giao văn hóa đã tồn tại dưới nhiều hình thức trong đời sống xã hội cũng như trong công tác đối ngoại của đất nước nói chung và tại TPHCM từ khi chúng ta mở cửa giao lưu với thế giới. Nhưng với Chiến lược ngoại giao văn hóa và Kế hoạch hành động của TP, chúng ta mới thấy rõ nội hàm, vai trò, giải pháp và hệ thống cách thức triển khai công tác ngoại giao văn hóa từ cấp trung ương đến địa phương”, đồng chí Phạm Dứt Điểm cho biết.
Về công tác tăng cường gắn kết ngoại giao văn hóa và ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, Thành phố đã chủ động đưa ngoại giao văn hóa vào tổng thể các hoạt động đối ngoại hằng năm của Thành phố, tạo sự đan xen, phối hợp nhịp nhàng giữa ngoại giao văn hóa với những trụ cột ngoại giao khác.
TPHCM đẩy mạnh quảng bá về đất nước, con người Việt Nam và hình ảnh TPHCM, thông qua nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa - thể thao Về công tác đẩy mạnh quảng bá về đất nước, con người Việt Nam và hình ảnh TPHCM, Sở Ngoại vụ cho biết, với mục tiêu trở thành “Thành phố của sự kiện”, Thành phố đã chủ động đăng cai, phối hợp tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - thể thao quốc tế và khu vực, các sự kiện văn hóa đối ngoại thường niên nhằm quảng bá hình ảnh Thành phố, lan tỏa những nét văn hóa truyền thống dân tộc đến người dân Thành phố và bạn bè quốc tế. Các sự kiện tiêu biểu như Lễ hội Áo dài, Lễ hội Sông nước, Lễ hội Âm nhạc, Lễ hội Tết Việt, đường hoa Nguyễn Huệ...
Các quận, huyện, TP Thủ Đức đã tích cực tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trò chơi truyền thống phù hợp với đặc trưng văn hóa vùng miền. Trong đó, có thể kể đến như: Ngày hội “Hương sắc mùa Xuân” - quận Bình Thạnh, sự kiện “Trên bến dưới thuyền” - Quận 8, Hội “Sắc màu ASEAN” kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ASEAN - Quận Tân Phú…
Thành phố đã triển khai hiệu quả Đề án Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài thông qua các hoạt động, các dự án tu bổ, tôn tạo công trình tượng Bác tại nhiều nước trên thế giới, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở nước ngoài…
Công tác TTTTĐN bám sát quan điểm chỉ đạo, đảm bảo được tình hình dư luận ổn định, phục vụ mục tiêu tuyên truyền quảng bá cho Thành phố. Tuy nhiên, sự phát triển không ngừng của các xu thế truyền thông mới trong thời đại số đặt ra những bài toán mới về nội dung, hình thức thể hiện, cách thức tiếp cận, phương tiện mới để thích ứng với tình hình. Điều này đòi hỏi ở người quản lý thay đổi tư duy, cách làm, cách thức quản lý và yêu cầu người cán bộ làm công tác TTTTĐN những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất mới.
TPHCM xây dựng và đặt tượng Bác Hồ tại nước ngoài, hoạt động thuộc Đề án Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài “Giai đoạn 2025 - 2030 là giai đoạn “về đích” của nhiều chiến lược, đề án, mục tiêu quan trọng của đất nước và của Thành phố, đòi hỏi sự quyết tâm cao và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các sở, ngành”, lãnh đạo Sở Ngoại vụ cho hay.
Chia sẻ về giải pháp tăng cường công tác ngoại giao văn hoá cấp địa phương và những đề xuất cho TPHCM, ông Đào Quyền Trưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNSECO, Bộ Ngoại giao cho rằng: TPHCM được công nhận là Thành phố học tập toàn cầu - một danh hiệu không chỉ khẳng định sự phát triển bền vững về giáo dục mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế. Việc đẩy mạnh tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về giáo dục, học tập suốt đời sẽ giúp TPHCM trở thành điểm đến về tri thức và sáng tạo.
Đặc biệt, di sản phi vật thể Đờn ca tài tử Nam Bộ là một biểu tượng sống động của văn hóa miền Nam, cần được quảng bá nhiều hơn qua các chương trình biểu diễn quốc tế, sự kiện giao lưu văn hóa, hoặc xây dựng các không gian biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch. Thành phố cũng sở hữu những tài sản thiên nhiên và lịch sử độc đáo như Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ - một không gian vừa gìn giữ môi trường tự nhiên vừa là điểm nhấn du lịch sinh thái. Cần Giờ có thể trở thành hình mẫu cho các chương trình hợp tác bảo tồn đa phương về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đặc biệt, các di tích lịch sử liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh - một trong bảy người Việt Nam tiêu biểu được UNESCO ra nghị quyết cùng kỷ niệm - cần được khai thác hiệu quả hơn để tổ chức các chương trình tham quan, nghiên cứu, và các sự kiện văn hóa tưởng nhớ Người.
Chia sẻ một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược văn hóa đối ngoại của thành phố thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho rằng: Cần tăng cường triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Chiến lược của UBND Thành phố nhằm thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - thể thao, song hành với công tác thông tin đối ngoại, gắn kết trong tổng thể chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
“Phát triển văn hóa - thể thao trong nước chính là tiền đề, cung cấp công cụ, chất liệu cho việc triển khai chiến lược văn hóa đối ngoại; trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở lý luận về văn hóa đối ngoại. Thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa – thể thao của Thành phố, song hành với công tác thông tin đối ngoại, gắn kết trong tổng thể chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo vệ Tổ quốc…”, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thúy nhấn mạnh.